30/11/2016 - 20:33

Đồng bằng sông Cửu Long

Cần tầm nhìn mới cho sử dụng đất đai

ĐBSCL - nơi chịu ảnh hưởng sớm và nhiều nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Hiện nay, tác động của BĐKH lên sản xuất, đời sống và sức khỏe cộng đồng ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh đó, quy hoạch kế hoạch sử đất cùng với quy hoạch các chuyên ngành khác, như: xây dựng, giao thông, nông nghiệp… cần phải có những thay đổi, điều chỉnh kịp thời cả trong tư duy, định hướng quy hoạch lẫn quy trình nghiệp vụ của công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo việc lồng ghép đầy đủ các yếu tố giảm nhẹ thiên tai, thích ứng BĐKH; bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; phòng chống thoái hóa đất vào quy hoạch vùng và địa phương.

Ảnh hưởng mạnh mẽ

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chính của cả nước. Nhưng, nơi đây là vùng có địa hình tương đối thấp. Theo các kịch bản về BĐKH của ngành chức năng, nếu mực nước biển dâng lên 1m, phần lớn diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập nước. Trong khi đó, sinh kế chính (các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp…) của cư dân đồng bằng lệ thuộc vào nguồn nước; trong đó, phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước mặt từ lưu vực sông Mê Công. GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: BĐKH thay đổi hằng năm. Đây là một chu kỳ rất dài lệ thuộc vào yếu tố tự nhiên hoặc tác động của con người. Nhưng tác động của con người đang khiến BĐKH diễn ra nhanh hơn. Trong đó nổi lên là vấn đề xây dựng các đập ở thượng nguồn lưu vực sông Mê Công để trữ nước, chuyển dòng nước và đập thủy điện tác động rất lớn đến dòng chảy của các sông ở ĐBSCL. Những vấn đề này liên quan mật thiết đến việc sử dụng đất ở ĐBSCL.

Một trong những tác động rõ nét nhất của BĐKH là nhiệt độ trung bình và số ngày nắng nóng trung bình tăng cao. Theo GS.TS Lê Quang Trí, các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, nhiệt độ trung bình đến năm 2030 của ĐBSCL sẽ đạt mức 35-370C so với 33-350C trong những năm 1980. Số ngày nắng trong những năm 2030 tăng lên 180-240 ngày so với trên dưới 120 ngày của những năm 1980. Lũ lụt ở vùng ĐBSCL sẽ diễn biến bất thường, không theo chu kỳ như trước. Thay vì lũ đạt đỉnh vào tháng 10 Âm lịch hàng năm và năm nào cũng lặp lại, thì gần đây đã thay đổi. Dưới tác động của thượng nguồn, mấy năm nay, lũ không về. Nhưng vấn đề đáng quan ngại là những năm mưa lớn, các đập thượng nguồn xả nước, chắc chắn sẽ xảy ra vấn đề lũ lụt cục bộ, bất thường ở ĐBSCL. Hiện tượng xâm nhập mặn cũng đã thay đổi. Từ chỗ nước mặn chỉ ở ven biển vào năm 2005 trở về trước, thì đến năm 2010, nước mặn đã xâm nhập (nồng độ 2 gam/lít) sâu vào nội đồng đến 70km. Năm 2016, hiện tượng cực đoan của thời tiết, ở khu vực sông Vàm Cỏ (Long An) nước mặn lấn sâu vào đất liền đến 90km. Cùng với các hiện tượng trên, hơn 10 năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông và duyên hải ở ĐBSCL ngày càng trở nên trầm trọng.

 Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và công tác quy hoạch quản lý đất đai của vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Hạn, mặn mùa khô năm 2016
gây thiệt hại lúa ở Bến Tre.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, BĐKH sẽ gây ngập lụt cho các vùng đô thị; tàn phá cơ sở hạ tầng; tác động đến sức khỏe của con người, vật nuôi do nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi bất thường; làm xáo trộn sinh hoạt của xã hội… Thêm vào đó, BĐKH gây nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn hay mưa gây ngập lụt sẽ khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp khó khăn hơn. Tất cả những điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch sử dụng đất của vùng ĐBSCL và cả nước.

Sử dụng đất đai: giảm thiểu và thích ứng

Giai đoạn 5 năm, 2011-2015, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất của TP Cần Thơ chuyển dịch theo hướng cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng công nghiệp – thương mại – dịch vụ; giảm dần nông nghiệp. Song, thành phố vẫn duy trì cơ cấu đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, khoảng 80% diện tích tự nhiên; trong đó duy trì diện tích đất lúa khoảng 76.000ha. Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ về thực trạng, giải pháp quy hoạch sử dụng đất của TP Cần Thơ đến năm 2020, cho thấy: Đến năm 2015, thành phố có 13/22 loại đất sử dụng đạt thấp hơn so với kế hoạch được duyệt. Trong đó có 6/22 loại (đất xây dựng khu công nghiệp, đất cơ sở văn hóa, đất cơ sở giáo dục đào tạo, đất cơ sở thể dục thể thao, đất bãi thải – xử lý chất thải, đất trụ sở cơ quan) đạt rất thấp, dưới 50%. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, theo TS. Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, TP Cần Thơ cần nghiên cứu, điều tra thực tế nhu cầu sử dụng đất từng dự án (theo danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 được duyệt) để đối chiếu với diện tích đất quy hoạch đến năm 2020 và hiện trạng đất sử dụng năm 2015 nhằm điều chỉnh quy hoạch đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Công khai quy hoạch sử đất để nhà đầu tư có thể lựa chọn khu đất và phương án đầu tư phù hợp. Việc quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất cần được thực hiện theo dự án, tránh việc quy hoạch đất rồi thu hồi đất theo quy hoạch vì khi chưa có dự án (nhà đầu tư), đất thu hồi nhưng không xây dựng hạ tầng sẽ gây lãng phí. Thành phố cần nghiên cứu phân bổ nguồn lực đất đai thông qua tiềm năng đất đai nhằm làm tăng giá trị đất đai, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng đất và hiệu quả xã hội.

Bài liên quan:
Quản lý đất đai hiệu quả

Trong điều kiện BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng: ĐBSCL cần một tầm nhìn mới cho sử dụng đất đai. Theo GS.TS Lê Quang Trí, cần tạo vùng trữ nước dọc sông/kênh chính và các vùng bảo tồn (không bố trí dân cư, tận dụng vùng trữ này làm khu sinh thái, nuôi trồng thủy sản, kết hợp cảnh quang, du lịch…). Xây dựng đô thị xanh nhằm tăng lượng trữ nước mưa trong cây, thấm xuống đất, trữ nước mưa… giảm tác hại BĐKH. Bên cạnh đó, cần canh tác nông nghiệp, nhất là trồng lúa áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm; ứng dụng mô hình sử dụng nước liên hoàn (sử dụng nước nuôi trồng thủy sản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp). Đặc biệt, các địa phương vùng ĐBSCL nên nghiên cứu giới hạn một số vùng có điều kiện sản xuất lúa vụ 3; nghiên cứu hạn chế việc sử dụng nước ngầm ở các vùng ven biển... Đồng thời có các giải pháp công trình và phi công trình thích hợp, mềm dẻo… phục vụ cho sử dụng đất đai một cách hiệu quả hơn. "Ứng phó BĐKH trong sử dụng đất đai, vùng ĐBSCL cần nhận thức rõ 2 vấn đề: giảm thiểu và thích nghi. Thứ nhất, giảm thiểu là sử sụng những mô hình để giảm bớt những tác động của BĐKH. Thứ hai, thích nghi là chấp nhận và sống hòa bình với BĐKH. Từ đó, xây dựng và thực hiện chiến lược thích ứng BĐKH theo hướng giảm thiểu và thích nghi. Từ chiến lược thích ứng này, thay đổi tư duy, đưa ra tầm nhìn mới cho việc sử dụng đất đai theo hướng ban hành những chính sách và an ninh xã hội cho đất đai. Có đi từng bước như vậy, việc sử dụng đất đai ở ĐBSCL mới có thể phát triển bền vững được", GS.TS Lê Quang Trí khẳng định.

Bài, ảnh: Quang Đăng

Chia sẻ bài viết