Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo là “sản phẩm” đầu ra phải đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Theo thống kê của các cơ sở đào tạo đại học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ở TP Cần Thơ, hằng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 60%, thậm chí trên 90%. Con số này các trường dựa trên phiếu điều tra, điện thoại, email... liên hệ được với HSSV. Trong khi đó, nhiều đơn vị sử dụng lao động cho rằng, HSSV sau khi tốt nghiệp cần phải đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu của đơn vị.
Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có 12 trường đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) công lập và ngoài công lập với quy mô đào tạo hơn 45.000 HSSV. Trong đó, Trường ĐH Cần Thơ chiếm khoảng 50% tổng số sinh viên hệ chính quy. Theo thống kê của các trường, hằng năm, tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp chiếm trên 60%, số HSSV còn lại tiếp tục học bậc học cao hơn, hoặc tự tạo việc làm... Trong đó, tỷ lệ SV tốt nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ có việc làm chiếm từ 75%-85%; Ban Giám hiệu Trường ĐH Tây Đô cũng cho biết tỷ lệ HSSV tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp khá cao; Cao đẳng (CĐ) Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ có tỷ lệ HSSV có việc làm trên 85%; CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ có khoảng 75% HS bậc trung cấp ra trường có việc làm;...
 |
Đại diện đơn vị sử dụng lao động (bìa phải) đang tư vấn cho sinh viên trong ngày Hội tư vấn - giới thiệu việc làm, do Trường Đại học Cần Thơ đăng cai tổ chức năm 2011. Ảnh: Q.THÁI |
Con số thống kê là vậy, nhưng trên thực tế, không ít cán bộ làm công tác quản lý đào tạo thừa nhận: số HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp mà các trường thống kê được chỉ là... tương đối. Ông Nguyễn Thanh Tường, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trường chưa có thống kê tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm hằng năm. Cách đây 4 năm, trường có phát phiếu khảo sát việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. Mỗi năm, trường có khoảng 4.000 SV tốt nghiệp, nhưng số lượng phiếu phát ra chỉ có trên 2.000 phiếu và thu lại khoảng 40%. Qua đó, có trên 75% sinh viên (SV) có việc làm sau tốt nghiệp”. Theo ông Tường, dù có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết việc làm, thống kê số liệu SV có việc làm sau khi tốt nghiệp... nhưng chưa thực sự mang tính hệ thống. Tương tự, tại Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ cũng thực hiện công tác này, thậm chí điện thoại cho từng SV tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, con số HS ra trường có việc làm chỉ tương đối, trường không thể thống kê được tất cả HS sau khi tốt nghiệp về đâu?
Để tạo điều kiện cho SV tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, thời gian qua, các trường đều tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho SV. Các hoạt động này được Trường ĐH Cần Thơ đã tổ chức trong nhiều năm và 2 năm gần đây, quy mô này ngày càng mở rộng. Trường đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm - Định hướng nghề nghiệp cho SV, với mục đích thông qua đơn vị sử dụng lao động để đánh giá chất lượng đào tạo của trường. Tại Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, định kỳ hằng năm, trường đều phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Cần Thơ tổ chức Ngày hội việc làm. Qua đó, nhiều SV, HS của trường đã tìm được việc làm. Tính riêng Ngày hội việc làm được trường tổ chức vào tháng 10-2011 vừa qua, thu hút hơn 1.000 HS, SV trường và các trường ĐH, CĐ khác ở Cần Thơ tham dự. Qua đó, các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài nước đã nhận hơn 200 HSSV khóa 2008 của trường vào làm việc. Tương tự, nhằm tạo cơ hội việc làm cho HSSV các trường: CĐ Nghề Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ,... cũng tổ chức nhiều hoạt động Ngày hội việc làm, hội nghị, hội thảo giới thiệu việc làm.
Không thể phủ nhận sự nỗ lực của cơ sở đào tạo trong việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, vẫn không ít HSSV ra trường chưa tìm được việc làm hoặc phải làm việc trái nghề. Nguyễn Thị Bảo Ngọc, tốt nghiệp ngành Cử nhân Ngữ văn khóa 32, Trường ĐH Cần Thơ, hiện là nhân viên bán quần áo tại một cửa hàng ở đường Trần Hưng Đạo, TP Cần Thơ, tâm sự: “Cách đây 1 năm, tôi đã nộp hồ sơ xin việc vào trường THPT cũ mà tôi đã từng học (tỉnh Hậu Giang) nhưng nhà trường, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang bảo là đã đủ giáo viên dạy Văn. Tôi vốn thích nghề dạy học nên cố gắng học thêm chứng chỉ sư phạm để đủ điều kiện giảng dạy. Song, chờ hoài không thấy kết quả, tôi đành tìm việc trái nghề đến hôm nay”. Theo Ngọc, sau khi tốt nghiệp không chỉ có riêng Ngọc, mà một số bạn cùng lớp cũng “lao đao” tìm việc. Có bạn dù tốt nghiệp thủ khoa của ngành cũng phải mất gần 1 năm mới tìm được việc làm. Bạn của Ngọc, có trường hợp (quê ở Trà Vinh) sau khi tốt nghiệp chưa tìm được việc làm phải đi bán bánh tráng nướng để sinh sống...
Một khía cạnh khác cũng cần quan tâm là các “sản phẩm” từ các trường ĐH, CĐ vẫn còn “độ vênh” về kiến thức giữa nhà trường và thực tế. Cao Văn Ngoan, SV ngành Chế biến thủy sản, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ vừa nhận bằng tốt nghiệp trong tháng 10-2011. Trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp, Ngoan đã xin được việc làm tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Thủy sản Kaiyo (tỉnh Long An), với thu nhập khoảng 3,7 triệu/ tháng. Tuy vậy, Ngoan cho rằng: “ Khi bắt tay vào công việc thực tế, tôi nhận thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn về chuyên môn, các kỹ năng khác để làm việc tốt hơn”. Võ Minh Diễm Hằng, HS lớp trung cấp Chế biến thủy sản, Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ vừa nhận bằng tốt nghiệp tháng 11-2011, cũng cho biết: “Tôi thấy bên cạnh kiến thức đã học ở trường, mình phải tự học, tự rèn mới có thể bắt nhịp, làm tốt công việc”.
Theo ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên, các đơn vị sử dụng lao động thường than phiền các HSSV không chỉ về chuyên môn mà còn hạn chế về kỹ năng sống, giao tiếp,... Nhất là HSSV tốt nghiệp từ trường ĐH ngoài công lập, có nhiều doanh nghiệp từ chối thẳng khi được trung tâm giới thiệu vào làm việc. Một cán bộ của Phòng Hành chánh và Nhân sự, Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam, nhận xét: Vẫn còn một số HSSV có mơ ước “hơi cao”, nhưng không chịu đựng áp lực công việc... đây là nhược điểm cần khắc phục. Vả lại, khi mới ra trường, HSSV cần có một thời gian thích nghi mới làm việc hiệu quả. Đồng tình quan điểm này, ông Tăng Hồng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Sông Hậu, nói: “Có nhiều HSSV ra trường vào làm việc tại đây, chúng tôi phải đào tạo lại”.
Thực tế cho thấy, mặc dù các trường có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm, tạo cơ hội việc làm cho HSSV, nhiều SV cũng cố gắng tìm kiếm cơ hội nhưng vẫn còn không ít HSSV “lao đao” trên đường tìm việc, nhiều trường hợp làm trái ngành nghề đào tạo. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo vẫn chưa điều tra chính xác số HSSV sau khi tốt nghiệp về đâu? Một khi chưa nắm rõ kết quả đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội như thế nào, tỷ lệ HS tìm được việc làm đúng với ngành nghề là bao nhiêu thì việc tăng chỉ tiêu tuyển “đầu vào”, hay mở thêm ngành nghề mới... liệu có thật sự phát huy hiệu quả?
BÍCH KIÊN