27/03/2017 - 21:31

Tiền Giang

Cần sớm triển khai Giai đoạn 2 Dự án kênh Chợ Gạo

Thực hiện Quyết định 1738/QĐ-BGTVT ngày 21-6-2013 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc Phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 từ 2016 đến 2017 (QĐ 1738), dự án ảnh hưởng đến 3 xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Do chậm triển khai thực hiện khiến đời sống các hộ dân bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn.

 Thực trạng sạt lở ở bờ Nam kênh Chợ Gạo hiện nay.

QĐ 1738 nêu rõ: Giai đoạn 2 Dự án kênh Chợ Gạo dự kiến từ năm 2016 đến 2017 được đầu tư khi điều kiện nguồn vốn cho phép và vào thời điểm thích hợp. Do khó khăn về nguồn vốn, khi kết thúc giai đoạn 1 năm 2015, giai đoạn 2 dự án bị gián đoạn và có sự thay đổi về nguồn vốn đầu tư. Bộ GTVT cũng có Quyết định 3143/QĐ-BGTVT ngày 7-10-2016 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức PPP. Theo đó, tổng chiều dài dự án là 9.850 mét, tổng mức đầu tư là trên 1,3 tỉ đồng; kinh phí giải phóng mặt bằng 427.397 triệu đồng. Tổng diện tích thu hồi trong dự án là 297.909 m2 và có 644 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó: xã Bình Phục Nhứt có 322 hộ, xã Bình Phan có 245 hộ và thị trấn Chợ Gạo có 77 hộ.

Cục đường thủy nội địa Việt Nam đang tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Theo mốc ranh giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2 trên địa bàn huyện ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đường giao thông (khoảng 10 km tuyến đường huyện 25B) và tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trong vùng dự án nhất là khu hành chính UBND huyện Chợ Gạo, chợ và khu hành chính xã Bình Phục Nhứt.

Do thời gian chờ giai đoạn 2 của dự án triển khai kéo dài nên đời sống của các hộ dân cặp theo bờ Nam kinh Chợ Gạo (xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống đường giao thông cặp bờ Nam kênh Chợ Gạo trên địa bàn 2 xã, thị trấn này hầu như bị sạt lở hoàn toàn. Nhiều ngôi nhà của các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở vì bị nước thủy triều xâm thực, gây nguy hiểm cho người và thiệt hại về tài sản… Đơn cử như hộ bà Trần Thị Thi, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thuận Phát (xã Bình Phan). Từ một cơ sở đang "ăn nên, làm ra" nhưng cơ sở nước mắm này nhiều năm nay rơi vào cảnh sản xuất đình trệ, có nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, nhiều nhà cửa của các hộ dân cũng bị xuống cấp trầm trọng nhưng lại lâm vào cảnh "đi không được, ở cũng không xong". Hai cơ sở sản xuất nước mắm Nam Phương và Sông Hương trên địa bàn xã Bình Phan cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy… Theo một số hộ dân ở ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt, tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong thời gian qua đã làm tê liệt hoàn toàn tuyến đường giao thông, thậm chí còn đe dọa đến tài sản và tính mạng của những hộ dân sống cặp theo bờ Nam kênh Chợ Gạo.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt, cho biết: Tình trạng chậm triển khai giai đoạn 2 của dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đã gây xáo trộn đến đời sống người dân và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Điều mong mỏi của chính quyền địa phương cũng như người dân sống dọc theo bờ Nam kênh Chợ Gạo là dự án sớm được triển khai để ổn định sản xuất và an cư lạc nghiệp tại nơi ở mới".

Theo UBND huyện Chợ Gạo, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án này từ khi khởi động lại đến nay, huyện Chợ Gạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như: Thời gian thực hiện dự án và nguồn vốn đầu tư làm cho địa phương nơi có dự án đi qua gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian triển khai dự án kéo dài 3-5 năm kể từ khi họp dân công bố đến khi có nguồn vốn khởi động lại dự án (năm 2010) đến nay. Các khu hành chính trên địa bàn huyện phải giải phóng mặt bằng để di dời trụ sở làm việc đi nơi khác nhưng đến thời điểm này chủ đầu tư chưa bố trí vốn đầu tư xây dựng khu hành chính mới. Các khu tái định cư (4 khu tái định cư của 3 xã, thị trấn) để bố trí các hộ dân bị giải tỏa trắng đến thời điểm này chủ đầu tư vẫn chưa tách ra thành nhiều tiểu dự án và chưa có phân bổ vốn giải phóng mặt bằng. Diện tích sạt lở sau khi điều chỉnh quy mô dự án không còn hiện trạng như thực tế ban đầu, dẫn đến diện tích của các hộ dân bị ảnh hưởng bị giảm so với hồ sơ kỹ thuật nên các hộ dân không đồng tình hưởng ứng dự án và ký biên bản kiểm kê, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng… Hệ thống đường giao thông dài khoảng 10km hiện đã sạt lở hoàn toàn xuống kinh, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, nhất là học sinh đi học trong mùa mưa bão rất nguy hiểm.

Ông Trịnh Văn Phong, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Chợ Gạo, cho biết: Xuất phát từ tình hình trên, để thực hiện tốt các bước tiếp theo của giai đoạn 2 được thuận lợi và đúng theo tiến độ, trình tự trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, UBND huyện Chợ Gạo đề xuất chủ đầu tư một số nội dung thực hiện giai đoạn 2. Cụ thể như: Sớm triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án trong công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Bố trí vốn thực hiện trước các khu tái định cư phục vụ cho các hộ dân sau khi giải phóng mặt bằng. Bố trí vốn đầu tư các khu hành chính trên địa bàn huyện trước khi đi vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án. Bố trí vốn đầu tư xây dựng lại hệ thống đường giao thông bị ảnh hưởng trong dự án (đường huyện 25B)... 

Bài, ảnh: Nguyễn Hữu Chí

Chia sẻ bài viết