31/03/2023 - 08:40

Cần quy định rõ việc thu phí ở các điểm tham quan, du lịch 

Bài, ảnh: ÁI LAM

TP Cần Thơ hiện có 36 khu, điểm du lịch được công nhận, 38 di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng. Tuy nhiên vấn đề thu phí tham quan tại những điểm này đang tồn tại một số bất cập. Ðịa phương và ngành Du lịch thành phố đang tìm cách giải quyết vấn đề này.

Ðền thờ Vua Hùng là điểm tham quan không thu phí dù lượng khách rất đông.

Vào trung tuần tháng 3-2023, có du khách phản ánh việc thu phí tại Nhà cổ Bình Thủy (Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia) không rõ ràng, không niêm yết công khai, không bán vé tại khu vực cổng. Trong khi đó, một du khách khác cho rằng việc thu phí tại một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở Phong Ðiền chưa hợp lý. Vé vào cổng cả trăm ngàn đồng, phải trả thêm khi sử dụng các dịch vụ khác.

Thực tế tại các khu, điểm du lịch ở Cần Thơ là có nơi thu tiền vào cổng, có điểm không. Giá thu cũng không giống nhau. Có điểm chỉ từ 20.000-30.000 đồng/khách, có điểm từ 50.000-70.000 đồng/khách, có nơi lại trên 100.000 đồng/khách. Từng đối tượng khách cũng thu khác nhau. Ông Huỳnh Công Thống, chủ vườn nho thân gỗ tại Thốt Nốt, cho biết: “Giá vé từ 10.000-30.000 đồng/khách, tùy theo đối tượng, ví dụ như sinh viên học sinh thì lấy giá rẻ, từ vùng khác thì 30.000 đồng/khách”. Trong khi đó, ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn 9 Hồng (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh), cho biết: “Ðiểm vườn của tôi chỉ thu phí khi khách tham quan vườn trái cây. Giá vé là 50.000 đồng/khách, du khách tham quan vườn, hái, thưởng thức trái cây, trải nghiệm bơi ghe, đu dây… Khu vực tham quan tách riêng”. Cùng là điểm vườn sinh thái nhưng tại Khu du lịch Lung Cột Cầu lại không thu phí vào cổng; trong khi đó một số điểm nổi tiếng khác thì thu phí cả trăm ngàn mỗi lượt khách.

Nhận được phản ánh du khách cho rằng phí tham quan ở một số điểm du lịch trên địa bàn không hợp lý, ngành chức năng huyện Phong Ðiền đã tổ chức tuyên truyền đến chủ cơ sở về việc này, khuyến khích không thu phí và nếu thu phí thì niêm yết rõ ràng. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: “Các khu, điểm du lịch thu phí tham quan phải niêm yết rõ ràng. Việc thu phí là vì các cơ sở cần có nguồn thu để đầu tư cho hạ tầng, dịch vụ. Tuy nhiên giá thu như thế nào vẫn còn là bài toán vì chưa có quy định cụ thể. Do đó, tôi đề nghị Sở Tài chính cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tham mưu với HÐND thành phố có những định hướng phù hợp, vì các tỉnh, thành khác đều có quy định về vấn đề này”. Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn 9 Hồng, chia sẻ: “Không thu phí thì rất khó cho chúng tôi vì vườn cây trồng lâu năm, chăm sóc tốn nhân công và nhiều chi phí. Khách đến vườn được hái và thưởng thức, nên chúng tôi chỉ thu phí khi khách tham quan vườn và có niêm yết rõ”. Nhiều chủ vườn chia sẻ có khi gặp khách nghịch phá vườn cây trái, thì thiệt hại không tính hết được.

Trong khi đó, hầu hết các điểm di tích, văn hóa trên địa bàn thành phố đều miễn phí vào cổng. Kể cả các điểm nổi tiếng như chợ nổi Cái Răng, Ðền thờ Vua Hùng… đều không thu phí. Việc thu phí tại Nhà cổ Bình Thủy là cá biệt vì nhà cổ là tài sản thuộc tư nhân và việc tham quan tại dây do chủ nhà quản lý. Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố, thông tin: “Theo quy định thì các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa được phép thu phí, còn về các khu, điểm vườn du lịch thì vẫn chưa có quy định và chúng tôi đang tìm giải pháp để tháo gỡ”.

Thông tư 85/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hướng dẫn danh mục, nguyên tắc, căn cứ xác định mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HÐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Thông tư, trong danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của HÐND cấp tỉnh, có phí tham quan danh lam thắng cảnh (thuộc địa phương quản lý); phí tham quan di tích lịch sử (thuộc địa phương quản lý)... Thông tư nêu rõ, phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí tham quan di tích lịch sử và phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí. Như vậy, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô, hình thức hoạt động của từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng để quy định mức thu phí phù hợp, nhưng phải bảo đảm mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài.

Trên cơ sở Thông tư trên, nhiều tỉnh, thành đã áp dụng để ban hành các quy định về phí tham quan tại các khu, điểm du lịch. Cụ thể, HÐND tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 38/2022/NQ-HÐND ngày 29-12-2022 gồm 5 nội dung: về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, mức thu phí tham quan, đối tượng được miễn và giảm phí tham quan, quản lý và sử dụng phí tham quan, tổ chức thực hiện. Một số điểm đến được quy định phí cụ thể, như: Di tích thắng cảnh quốc gia Hòn Chông (gồm Hòn Phụ Tử, Chùa Hang và Bãi Dương) thu 20.000 đồng/lượt/khách, Di tích thắng cảnh quốc gia Mũi Nai thu 30.000 đồng/lượt/khách, Di tích thắng cảnh quốc gia Thạch Ðộng là 20.000 đồng/lượt/khách. HÐND tỉnh An Giang cũng ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HÐND, ngày 19-8-2021 quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Khu du lịch núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Thành Ðông, Phó Chủ tịch HÐND TP Cần Thơ, cho rằng Sở VHTT&DL và Sở Tài chính phải phối hợp, nghiên cứu các Nghị quyết 59, Nghị quyết 45 về cơ chế đặc thù của thành phố, cũng như Thông tư số 85/2019/TT-BTC và các văn bản liên quan để đề xuất tham mưu UBND thành phố trình HÐND ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Việc thu phí, thu như thế nào, quản lý ra sao... cần được quan tâm bởi ảnh hưởng đến hoạt động và hình ảnh du lịch của thành phố, trong khi địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch.

Chia sẻ bài viết