15/09/2009 - 08:46

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Cần qui định cụ thể để Luật đảm bảo tính khả thi

Tiếp tục chương trình phiên họp 23, sáng 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã cho ý kiến về dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tập trung chủ yếu về phạm vi điều chỉnh và tính khả thi.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, định hướng cơ bản của dự thảo là tập trung quy định về trách nhiệm sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, hiệu quả của tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng, không điều chỉnh các hoạt động sản xuất năng lượng. Dự thảo quy định nguyên tắc để điều chỉnh các đối tượng sử dụng năng lượng, phối hợp đồng bộ giữa biện pháp tuyên truyền, khuyến khích và quản lý bắt buộc đối với các đối tượng sử dụng nhiều năng lượng. Dự thảo tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sử dụng năng lượng trong công tác phối hợp, báo cáo hiện trạng sử dụng, lập và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại đơn vị.

Theo UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH, dự thảo đã bước đầu bổ sung những quy định về hỗ trợ tài chính, biện pháp để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nguyên tắc kiểm soát việc sử dụng năng lượng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để Luật có tính khả thi hơn, nhiều nội dung của dự thảo cần được hoàn thiện thêm như: phạm vi điều chỉnh, làm rõ các khái niệm, giảm bớt các quy định mang tính chính sách, xác định rõ khuyến khích hoạt động nào, còn hoạt động nào bắt buộc phải áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Một số nội dung quy định còn ở dạng khung, có tới 18 điều khoản phải chờ hướng dẫn mới thực hiện được. Để Luật đi vào cuộc sống, cần bổ sung, cụ thể hóa hơn nữa những quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân.

Đề cập phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đề nghị cần thiết phải điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong toàn bộ quá trình ngay từ khâu khai thác, sản xuất, truyền tải... Trong chiến lược năng lượng quốc gia của nhiều nước, vấn đề cốt yếu đặt ra là tiết kiệm nguồn năng lượng bởi thực tế, lãng phí năng lượng trước hết là ở khâu khai thác; 2 khái niệm sản xuất và sử dụng là không thể tách rời. Tiết kiệm năng lượng là điều ai cũng mong muốn, không cần luật quy định, các tổ chức và cá nhân cũng sẽ áp dụng các biện pháp quản lý và công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Luật này được xây dựng từ thực tế sử dụng năng lượng còn lãng phí, chưa hiệu quả như sử dụng điện, xăng dầu... Luật khoanh lại một vấn đề để điều chỉnh sâu như vậy là hợp lý; những nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất năng lượng đã được điều chỉnh ở các luật chuyên ngành, nếu đưa hết vào Luật này thì quá rộng. Tiết kiệm năng lượng để “ích nước lợi nhà” cần được khuyến khích; chỉ lưu ý cụ thể hơn về cách quy định như cần có chế tài rõ hơn đối với khu vực nhà nước và tổ chức xã hội, có những quy định mang tính chất khuyến khích đối với khu vực ngoài nhà nước. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền để tính khả thi của Luật cao hơn, nên đưa ra quy định sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cho từng loại năng lượng vì mỗi loại đều có đặc thù.

Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết nếu UBTVQH thấy cần thiết, Ban soạn thảo sẽ bổ sung thêm vào dự thảo nội dung liên quan đến tiết kiệm trong khai thác, sản xuất năng lượng; cụ thể hóa và tăng tính pháp lý đối với một số quy định; xác định rõ biện pháp quản lý bắt buộc đối với khu vực nhà nước và tuyên truyền, khuyến khích đối với tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước.

THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết