12/04/2008 - 09:18

Phiên họp thứ 4 Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Cần quan tâm đúng mức công tác thi đua, khen thưởng trong các thành phần kinh tế và nhân dân

Tiếp tục phiên họp thứ 4 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, sáng 11-4, các thành viên đã đóng góp ý kiến vào báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Đa số ý kiến cho rằng, Luật Thi đua, Khen thưởng hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung vào công tác thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước mà chưa quan tâm đúng mức đến thi đua, khen thưởng trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các đối tượng khác và nhân dân.

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày, hơn 3 năm thực hiện, Luật Thi đua, Khen thưởng bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều nơi còn nặng về khen thưởng, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Do vậy, dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung 26 điều, trong đó tập trung vào một số vấn đề còn vướng mắc cấp bách trong quá trình thực thi Luật như: Làm rõ thẩm quyền khen thưởng và đề nghị khen thưởng của một số tổ chức, lĩnh vực kinh tế đặc thù; Điều chỉnh về tiêu chuẩn ở một số danh hiệu thi đua và một số hình thức khen thưởng để bảo đảm được yêu cầu quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng...

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và góp ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau; đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn những vấn đề bất cập trong công tác thi đua và khen thưởng hiện nay để có cơ sở tiến hành lựa chọn một số vấn đề bức xúc nhất cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này.

Cho ý kiến về việc bổ sung, mở rộng thẩm quyền của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thi đua, khen thưởng, đa số thành viên của Ủy ban các vấn đề xã hội tán thành quy định như trong dự thảo Luật, bởi các quy định này là cần thiết nhằm mở rộng thêm hình thức khen thưởng ở các cấp để kịp thời động viên và tránh xu hướng dồn khen thưởng ở cấp trên; đồng thời việc quy định như vậy phù hợp với tính đặc thù về quy mô và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này. Tại điều 83 khoản 1 và 2 quy định Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, cờ thi đua cho các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế, một số ý kiến cho rằng không nhất thiết phải do Thủ tướng khen thưởng mà do ban lãnh đạo Tổng công ty tự quyết định nhằm hạn chế các thủ tục rườm rà. Về vấn đề thi đua, khen thưởng trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước và nhân dân, có ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần có quy định cụ thể ai ra quyết định khen thưởng cho doanh nghiệp tư nhân, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân có 2 loại doanh nghiệp nhỏ và lớn, vậy dự thảo Luật quy định như thế nào để cho loại hình doanh nghiệp này có cách khen thưởng cho đúng để thống nhất với công tác thi đua, khen thưởng trong các thành phần kinh tế.

Việc xem xét vấn đề thi đua, khen thưởng trong các cơ quan dân cử cũng được nhiều thành viên của Ủy ban về các vấn đề xã hội quan tâm. Có ý kiến cho rằng, cần thiết phải tổ chức thi đua, khen thưởng ngay trong nội bộ các cơ quan này cho phù hợp với tính chất mỗi cơ quan và nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước đã được Hiến pháp quy định. Do vậy, trong dự thảo Luật và các văn bản dưới Luật chỉ cần bổ sung quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục đề nghị tặng thưởng các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng đối với các đối tượng này. Đối với việc xét tôn vinh và trao giải thưởng chất lượng sản phẩm phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, có ý kiến không tán thành với quy định này, bởi nếu đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước sẽ “hành chính hóa”, tạo ra “giấy phép con” đối với phong trào thi đua khen thưởng các doanh nghiệp. Do vậy, không nên bổ sung vấn đề này ở khoản 3, điều 101 dự thảo Luật, mà cần hướng dẫn thực hiện khoản 2 và phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác này...

* Chiều 11-4, tại phiên họp toàn thể xem xét Dự thảo báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhất trí kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội khóa XII xem xét, bãi bỏ điều 199 của Bộ Luật Hình sự.

Điều 199 về “Tội sử dụng trái phép chất ma túy” được đề nghị sửa theo hướng “người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng tái nghiện trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh thì có thể quay lại cơ sở chữa bệnh để tiếp tục cai nghiện”, thay cho quy định cũ là “Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm”. Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai, nên coi người nghiện là người mắc bệnh, một loại bệnh đặc biệt, phức tạp về mặt tâm lý, không phải tội phạm...

LƯU THỊ THOAN - PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết