07/07/2011 - 10:38

Tăng năng suất và hiệu quả sản xuất cây trồng

Cần quản lý dinh dưỡng đúng và đủ

Theo đánh giá của các nhà khoa học, lượng phù sa bồi đắp trong mùa lũ ở ĐBSCL ngày càng ít, cùng với xu hướng thâm canh tăng vụ liên tục đã và đang làm giảm độ phì nhiêu của đất tại nhiều địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần giúp nông dân sử dụng phân bón và các chất dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng trong canh tác cây trồng một cách hợp lý, nhằm mang lại hiệu quả cao, hạn chế tốn kém, lãng phí.

Hiệu quả sử dụng phân bón thấp

Theo PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, đối với cây lúa, để tạo ra 1 tấn hạt, lượng dinh dưỡng mà cây lúa cần là 17,5kg đạm, 3kg lân, 17kg kali, 4kg can-xi, 3,5kg ma-giê, 1,8kg lưu huỳnh, 80kg si-lic, 0,5kg sắt và 0,5kg măn-gan... Cụ thể, đối với lượng đạm mà 1ha lúa đạt năng suất 7 tấn cần khoảng 122,5kg. Tuy nhiên, trong đất đã có sẵn một lượng đạm (nhờ các chất hữu cơ, phù sa bồi đắp...) chiếm 50% nhu cầu, nhưng nhiều nông dân vẫn bón khoảng 120kg phân đạm/ha như hiện nay làm dư thừa và lãng phí tới 50% trong số này.

Hiệu quả sản xuất sẽ tăng cao khi cung cấp phân bón và các dưỡng chất cho cây trồng một cách hợp lý. 

ĐBSCL là vùng đất phèn (có nhiều lưu huỳnh) và thường xuyên bị thiếu can-xi (vôi), nhưng do không nắm rõ đặc tính này, nên còn lạm dụng phân vô cơ, ít quan tâm sử dụng phân bón hữu cơ... Trong khi đó, vôi rất quan trọng trong việc hạ phèn, ngăn chặn sự thoái hóa của đất, chống ngộ độc cho lúa, hạn chế sự phát triển của nấm bệnh và cung cấp dưỡng chất can-xi cho lúa. Việc bón thừa đạm, cây lúa không hấp thu hết mà còn gây lãng phí cho người trồng lúa và làm giảm hiệu quả canh tác.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng phân bón chưa hợp lý và cân đối theo nhu cầu của cây ăn trái cũng đang diễn ra khá phổ biến ở ĐBSCL. Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho rằng, phần lớn các diện tích đất vườn ở ĐBSCL hiện nay có độ pH thấp, hàm lượng chất hữu cơ nghèo nàn; các cation trao đổi trong đất như: Ca, K, Mg và hệ số thấm nước của đất kém, đất dễ bị rửa trôi... Thế nhưng, nhiều nhà vườn có tập quán sử dụng phân vô cơ với liều lượng cao và chưa hợp lý, lại ít sử dụng phân hữu cơ nên càng làm cho đất trồng nhanh chóng bị suy thoái, năng suất cây trồng giảm. Thực tế cho thấy, có nhiều vườn cây ăn trái lâu năm, nền đất vườn bị cứng và rễ cây bị suy yếu. Thêm vào đó, nông dân bón phân hóa học không cân đối và áp dụng các biện pháp canh tác chưa hợp lý (như không làm đất, tưới nước đúng cách...) dù có sử dụng nhiều bón phân bón, các dưỡng chất cũng không mang lại hiệu quả cao, do cây không hấp thụ được và phân bón bị nước tưới, nước mưa làm chảy tràn, thất thoát đi...

Hạn chế lãng phí

Làm thế nào để giúp nông dân ĐBSCL có kỹ thuật canh tác đúng, hiểu rõ đặc điểm của đất và cung cấp dinh dưỡng đúng nhu cầu của cây trồng, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quản lý dinh dưỡng trên cây trồng” tại thành phố Cần Thơ vào đầu tháng 7-2011. Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp và hơn 260 nông dân đến từ các tỉnh, thành ĐBSCL tham dự. Theo các nhà khoa học và cán bộ ngành nông nghiệp, để quản lý tốt dinh dưỡng cho cây trồng, nông dân cần quan tâm tìm hiểu đặc tính của đất, chức năng của dinh dưỡng, chu kỳ của dinh dưỡng trong đất, nhu cầu cây trồng... Có như vậy mới cung cấp một cách hợp lý và cân đối các loại dưỡng chất theo nhu cầu cây trồng, tránh thất thoát.

Ngoài ra, để tăng cao hiệu quả sản xuất, các nhà khoa học cũng khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ để cải thiện dinh dưỡng cho đất và cung cấp dưỡng chất cho cây trồng. Nông dân cần quan tâm tìm hiểu và sử dụng các chất dinh dưỡng, điều hòa sinh trưởng nhằm giúp cây trồng tăng năng suất và không gây hại cho sức khỏe con người. Tiến sĩ Ramaswamy, Giám đốc xuất nhập khẩu Công ty Devi Crop Science (Ấn Độ), cho biết: “Thời gian qua, công ty đã nghiên cứu và đưa ra thị trường chế phẩm phân bón lá Boom Flower-n giúp kích hoạt cây trồng và gia tăng năng suất. Boom Flower-n hiện được tiêu thụ mạnh ở Ấn Độ, Úc và nhiều nước ở châu Phi...”. Tại Việt Nam, hiện Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã cung cấp sản phẩm này ra thị trường. Boom Flower-n có thể sử dụng cả trên lúa, cây ăn trái và rau màu, giúp nhiều loại cây trồng tăng năng suất từ 11-22% trở lên.

Hiện chế phẩm phân bón lá Boom Flower-n đã được Phòng Nghiên cứu khoa học đất, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ thực vật Nam Bộ nghiên cứu, xác định có hiệu quả tốt đối với nhiều loại cây trồng và ít độc hại... Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, sau khi phun phân bón lá Boom Flower-n trên cây trà và nhiều loại rau ăn lá ở nồng độ 2-3ml/lít nước với liều lượng 150-200lít/ha, thì sau 24 giờ phun đã không còn thấy tồn dư trên cây trồng và môi trường đất chất gây độc hại cho sức khỏe con người.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Như Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ thực vật Nam Bộ, trước đây những diện tích lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá khoảng 30-40% hầu như nông dân đều chọn giải pháp tiêu hủy do năng suất lúa đạt rất thấp. Tuy nhiên, theo kết quả thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu đặc tính sinh học của vi- rút gây bệnh và môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, các biện pháp quản lý tổng hợp cây trồng trong sản xuất lúa” thực hiện từ năm 2007-2010 tại các tỉnh ĐBSCL và Duyên Hải Nam Trung bộ cho thấy: Sử dụng các giải pháp như ngừng bón đạm, thay nước, bón bổ sung lân, vôi, kali. Đồng thời, tiến hành phun Boom Flower-n kết hợp với tiến hành phòng trừ môi giới truyền bệnh đã có hiệu quả rõ rệt trong việc phục hồi quần thể ruộng lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá dù tỷ lệ bệnh cao tới 30-40%. Tính ra hiệu quả cao hơn so với tiêu hủy lúa sạ lại.

Do vậy, việc quản lý dinh dưỡng trên cây trồng để cung cấp đủ, đúng lúc, đạt hiệu quả cao và bảo vệ môi trường là vấn đề bức thiết cần được nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết