26/03/2020 - 10:57

Cần phương án khả thi cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quyết định thay chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cần đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc này, để khai thác đồng bộ với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và TP Hồ Chí Minh – Trung Lương trong năm 2021. Do đó, cần đề xuất xuất phương án khả thi cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Vẫn loay hoay ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư

Ngày 8-3 vừa qua, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ, Bộ GTVT, các Bộ, ngành trung ương đã kiểm tra công trình dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chỉ có tinh thần quyết tâm làm mới hoàn thành tuyến cao tốc này tới Cần Thơ, đồng bộ với tuyến TP.HCM - Trung Lương, từ đó thông toàn tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2021”.

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tại Công văn số 463/TTg-KTN, ngày 21-3-2016). Đến ngày 28-8-2017, Bộ GTVT phê duyệt dự án, tháng 4-2018 phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, giao Ban Quản lý Dự án (QLDA) Thăng Long thực hiện công tác sơ tuyển. Ngày 29-6-2018, Ban QLDA Thăng Long báo cáo Bộ GTVT kết quả sơ tuyển. Ngày 17-7-2019, Bộ GTVT hủy kết quả sơ tuyển nhà đầu tư. Ngày 8-10-2019, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án.

Ngày 24-3-2020, Bộ GTVT có quyết định giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức PPP, hợp đồng BOT thay thế cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (tại Quyết định số 437/QĐ-BGTVT).

Như vậy, tính từ ngày dự án được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay đã tròn 4 năm, Bộ GTVT hiện vẫn loay hoay giai đoạn “chuẩn bị đầu tư”. Và hơn 2 năm dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt nhưng vẫn chưa triển khai giải phóng mặt bằng, dù Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách nhà nước cho Dự án. Hiện nay vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư, khó đảm bảo tiến độ thông tuyến vào năm 2021 theo như chỉ đạo của Thủ tướng.

Thi công Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: ANH KHOA

Có thể sớm thông tuyến cao tốc 

Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đèo Cả, khẳng định: Ngoài việc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải đáp ứng tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành năm 2021 thì Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án mở rộng phạm vi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hướng bổ sung 23km đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án này. Theo đó, điều chỉnh, mở rộng phạm vi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giao UBND các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định trong phạm vi địa giới hành chính của các tỉnh.

“Với kinh nghiệm thi công, quản lý vận hành một loạt các dự án lớn ở miền Trung, miền Bắc, nếu tiếp tục được tin tưởng và giao thực hiện, chúng tôi áp dụng mô hình quản trị điều hành và sẽ huy động máy móc thiết bị, nhân sự... đang có sẵn tại công trường để triển khai dự án này”- ông Lưu Xuân Thủy cho biết.

Ông Lưu Xuân Thuỷ, khẳng định sẽ thông tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ trong năm 2021, hoàn thành trong năm 2022, rút ngắn thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn 2 năm 2 tháng). Phương án này cũng nhận được sự thống nhất của các địa phương có dự án đi qua là Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ. Nhưng có thực hiện được hay không phụ thuộc vào cơ quan chủ quản là Bộ GTVT.

Nhận định về Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói: "Thật ra, khi đặt vấn đề xử lý đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, người ta đặt ngay vấn đề tiếp theo của Mỹ Thuận đó là cái gì? Bởi vì nguyên lý hiệu quả của giao thông là tính đồng bộ. Mục tiêu của tuyến này là giải quyết vấn đề phát triển cho miền Tây, tức là còn phía dưới Cần Thơ, chứ không phải đến Mỹ Thuận là ngưng lại. Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ, thì tính cấp bách của vấn đề sẽ trở thành một tắc nghẽn rất lớn cho phát triển".

Tính đồng bộ và cấp bách ở đây là cần sớm có giải pháp cụ thể, tối ưu để thông tuyến đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, nhằm vực dậy, khai thác tiềm năng phát triển cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ nếu được hoàn thành sớm sẽ có những đóng góp quan trọng cho đời sống kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn. Người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã mong mỏi có được tuyến cao tốc này từ rất lâu.

Tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, ngoài đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác, các đoạn khác gồm: Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều mới trong quá trình chuẩn bị. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai bằng vốn vay ODA và Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ thì đang trở lại vạch xuất phát.

Hồng Bảo

Chia sẻ bài viết