05/03/2012 - 21:36

Phát triển mạng lưới chợ nông thôn ở TP Cần Thơ

Cần phải đồng bộ

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại theo chủ trương xã hội hóa đầu tư chợ của thành phố. Song, nhìn chung sự tham gia đầu tư phát triển hệ thống chợ của các nhà đầu tư mới tập trung tại khu vực nội thành - nội thị, nơi có đông dân cư...

DN ngại đầu tư

Nhiều chợ ở khu vực nội thành TP Cần Thơ được DN mạnh dạn đầu tư xây mới và trực tiếp tham gia quản lý, khai thác. Tuy nhiên, DN vẫn còn ngán ngại tham gia đầu tư phát triển chợ ở các huyện ngoại thành, do vốn đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm. Hiện có 13/36 xã tại các huyện của thành phố chưa có chợ, nhiều chợ tại các xã, phường đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp cần phải được đầu tư nâng cấp. Công tác xã hội hóa trong mời gọi đầu tư chợ còn nhiều bất cập, thiếu chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, DN khi tham gia xây chợ.

Huyện Vĩnh Thạnh còn nhiều chợ nông thôn cần được thu hút đầu tư nâng cấp trong thời gian tới,
đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Ảnh: ANH KHOA 

Xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đang có nhu cầu đầu tư xây dựng chợ phục vụ cho nhu cầu mua bán của khoảng 15.000 dân sống tại 2 xã Thạnh Thắng và Thạnh Lợi. Mặc dù đã có sẵn quỹ đất sẵn sàng chào đón nhà đầu tư, nhưng đến nay chưa có DN nào đến đặt vấn đề xây chợ. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, cho biết: “Xã đã được thành phố và Trung ương quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc mời gọi đầu tư xây dựng chợ gặp rất nhiều khó khăn, xã rất cần sự hỗ trợ của huyện và thành phố trong vấn đề này”. Thạnh Thắng là một xã vùng sâu, điều kiện đi lại còn khó khăn làm giảm khả năng kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Theo ông Lê Thanh Nhàn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện còn một số xã chưa có chợ như: Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, Vĩnh Bình. Huyện đang kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ cho các xã theo qui hoạch xã nông thôn mới. Việc xây dựng chợ nông thôn cũng gặp một số khó khăn như: tập quán mua bán, sinh hoạt của người dân đã quen mua hàng hóa qua các xe đẩy và ghe hàng bán dạo đến tận nhà. Các nhà đầu tư ngại đầu tư vào các chợ nông thôn, do thu hồi vốn chậm. Ngay cả chợ tại thị trấn Thạnh An đã có nhà đầu tư, nhưng hiện vẫn đang triển khai thực hiện với tiến độ chậm, huyện đang chuẩn bị làm việc với nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ... Còn Trung tâm Thương mại huyện Vĩnh Thạnh đã hoạt động một thời gian, nhưng đến nay vẫn chưa thu hút tiểu thương, người dân đến họp chợ đầy đủ như thiết kế...

Quận Bình Thủy thời gian qua đã kêu gọi các DN đầu tư xây dựng nhiều chợ khang trang, hiện đại như: chợ An Thới, Bình Thủy, Hồi Lực. Các chợ đều có qui mô lớn, mỗi chợ có vài trăm ki-ốt và lô sạp và tổng mức đầu tư trên chục tỉ đồng, đáp ứng rất tốt nhu cầu mua bán của người dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều chợ ven quận đang gặp khó trong thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: “Quận đang kêu gọi đầu tư xây dựng mới các chợ Trà Nóc (thuộc phường Trà Nóc), Rạch Cam (phường Long Hòa) và nâng cấp, mở rộng chợ Miễu Ông (phường Long Tuyền). Do chợ nằm ở vùng ven quận, nên khó thu hút đầu tư, qui mô nhỏ, mãi lực không cao, đi lại còn khó khăn... nên nhà đầu tư còn đắn đo”.

Mãi lực thấp, tiểu thương ngại vào chợ

Hiện một số chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại các huyện ngoại thành đã được DN đầu tư xây dựng khang trang, nhưng vẫn gặp khó trong thu hút khách đến mua sắm.

Ông Vũ Thế Hiển, tiểu thương bán hàng tạp hóa ở Trung tâm Thương mại huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Tôi bán hàng tạp hóa tại huyện hơn 10 năm nay, buôn bán được nhờ có nhiều mối quen. Nhưng khoảng 1 năm nay, khi Trung tâm Thương mại huyện được hình thành, dời về đây bán, lượng khách mua hàng không nhiều bằng lúc trước, dù thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy. Buôn bán ế vì trung tâm huyện mới thành lập, xung quanh khu vực trung tâm thương mại dân cư chưa đông, nên nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ít. Thêm vào đó, lượng khách vãng lai cũng không nhiều”. Theo ông Hiển, phải mất một thời gian nữa, cư dân ở đây đông đúc, tiểu thương đồng loạt dọn vào Trung tâm bán, hàng hóa được phong phú, khu thương mại này mới có thể “xôm tụ”, còn bây giờ phải tạm thời chịu đựng! Anh Đinh Hoàng Cung, tiểu thương bán bao bì hàng hóa tại Trung tâm Thương mại huyện Vĩnh Thạnh, đăng ký vào trung tâm được cả năm nay, nhưng anh mới ra trung tâm bán được hơn 1 tháng. Không chỉ anh Cung mà nhiều tiểu thương mua ki-ốt rồi để đó, vì trung tâm luôn vắng khách.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: việc thu hút đầu tư phát triển chợ tại các vùng ven nội ô và vùng ngoại thành gặp khó là điều dễ hiểu. Bởi các vùng này qui mô mua bán nhỏ lẻ, sức mua hạn chế. Do vậy, các địa phương cần phải xác định qui mô đầu tư phát triển các chợ một cách phù hợp, gắn với qui hoạch và nhu cầu mua bán, tiêu thụ hàng hóa của người dân. Trước mắt, cần tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển các chợ sẵn có, không nhất thiết phải xã, phường nào cũng phải xây chợ nếu gần đó đã có các chợ, siêu thị đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu mua bán của người dân.

Mặc dù chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển chợ đã và đang phát huy hiệu quả, khi ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển các chợ trên địa bàn. Trên thực tế, khi đã có chợ, mãi lực thấp, tiểu thương và cả DN đều ngán ngại mở rộng đầu tư, kinh doanh. Phát triển hệ thống chợ khu vực nông thôn, vùng ven ngoại thành để tạo điều kiện cho người dân nông thôn có nơi tiêu thụ hàng hóa, mua sắm, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Để làm được điều này rất cần một chiến lược dài hơi, từ qui hoạch, thu hút đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư.

VĂN CÔNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết