18/09/2018 - 21:29

Cần nhiều yếu tố 

Sau 2 năm kể từ khi Chính phủ phát động, phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL diễn ra rầm rộ thể hiện qua số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tăng qua từng năm. Nhìn nhận lại những kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi cho phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL trong thời gian tới là những nội dung được đề cập tại Hội thảo “Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả” vừa diễn ra tại tỉnh Bến Tre.

Nỗ lực phát triển DN

Từ năm 2016, VCCI Cần Thơ đã xây dựng Chương trình Khởi nghiệp cấp vùng (còn gọi là Đề án Mekong Startup) nhằm thúc đẩy và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong giới trẻ, người lao động và cộng đồng tiến tới hình thành một lực lượng DN mới. Từ đó, Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL hình thành, đồng thời ra mắt Câu lạc bộ Nhà tư vấn khởi nghiệp, Ban cố vấn cùng với Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo và Trung tâm Đổi mới ICT Việt Nam - Nhật Bản tại TP Cần Thơ đi vào hoạt động... VCCI Cần Thơ đã tổ chức thành công các cuộc thi khởi nghiệp trong năm 2016, 2017 và tiếp tục trong năm 2018 với số lượng hồ sơ dự thi đang gia tăng nhanh chóng. Các chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên trong năm 2018 tại các địa phương, nhiều hoạt động hội thảo, phân tích đánh giá hệ sinh thái, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp diễn ra... Điều này cho thấy tinh thần tích cực hỗ trợ khởi nghiệp của ngành chức năng và nhiệt huyết khởi nghiệp từ thế hệ trẻ, sinh viên, DN...


Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được khuyến khích tại ĐBSCL. Trong ảnh: Rau trồng thủy canh theo công nghệ Israel của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, cho biết: “Qua hai năm phát động phong trào, môi trường khởi nghiệp của Bến Tre đã bắt đầu phát triển, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương. Tỉnh có trên 12.000 hộ kinh doanh cá thể được thành lập, nâng tổng số DN của tỉnh lên 3.920 DN, quy mô vốn trong DN tăng 1,7 lần; đóng góp của các DN tăng từ 3,4% lên 13,1% trong năm 2017. Tỷ lệ DN giải thể trên DN thành lập mới là trên 40%, thấp hơn tỷ lệ chung của toàn quốc (năm 2017)...”.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, đánh giá: Nếu xét về điều kiện để khởi nghiệp, ĐBSCL có thể nói đang hội đủ các yếu tố cho việc thúc đẩy quá trình khởi sự kinh doanh. Thứ nhất, ngoài chủ trương chính sách từ Trung ương, các địa phương đều có sự quan tâm đến khởi nghiệp và xem đây là yếu tố then chốt để phát triển DN. Thứ hai, điều kiện hạ tầng cho khởi nghiệp thuận lợi như: hệ thống trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu được hình thành đủ điều kiện cho khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) đặt tại TP Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ DN khởi nghiệp. Thứ ba, lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường của vùng là cơ hội lớn cho khởi nghiệp trong các ngành chế biến, công nghệ sinh học, giống, lương thực thực phẩm, nông nghiệp kỹ thuật cao, vật liệu kỹ thuật mới... Và yếu tố cuối cùng rất quan trọng là con người (văn hóa và bản chất con người Nam bộ) của nhà khởi nghiệp cũng là yếu tố tích cực phải kể đến.

Cần ”cánh chim đầu đàn”

  Trong 2 năm qua (2015-2017), ĐBSCL tăng 12% số DN thành lập mới. Trong đó, có một số tỉnh vượt trội như Bến Tre tăng 32%; Hậu Giang 35%; Long An 16%; Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An tăng 11%. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, sau 2 năm thực hiện NQ35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, những cam kết của các địa phương trong vùng về phát triển DN đều đạt và vượt trên 50% so với mục tiêu đề ra.

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để hệ sinh thái khởi nghiệp ĐBSCL hình thành và phát triển. Song, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL mới đi những bước đầu của quá trình khởi nghiệp với nhiều khó khăn, thử thách phía trước. So với tốc độ phát triển DN cả nước, ĐBSCL thấp hơn mức 16% bình quân cả nước. Tính trên bình quân 1.000 dân, đến năm 2017, cả nước có 6,05 DN, trong khi con số này ở ĐBSCL là 2,7 DN. Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà đầu tư e ngại bơm vốn cho các DN khởi nghiệp. Điều này xuất phát từ việc nhà khởi nghiệp không đủ sự kiên trì, chịu đựng, bỏ ngang; có tính hoang tưởng về tính chất sản phẩm, thị trường hoặc sự tự tin quá mức; thiếu tính trung thực và minh bạch; thiếu tính kỷ luật, nhất quán giữa lời nói và việc làm. Do đó, các nhà khởi nghiệp cần nói ít và triển khai thực tế nhiều; thấu hiểu khách hàng và những quan tâm thực sự của nhà đầu tư về sản phẩm, dịch vụ của DN; quyết tâm đầu tư trọn thời gian, tiền bạc của mình cho công việc, cho sản phẩm và dịch vụ.

Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty Chế biến dừa Lương Quới, chia sẻ: “Để khởi nghiệp thành công, DN phải có sự đam mê, kiên trì và quyết tâm cao mới có thể đi đến cuối đường. Song song với việc xây dựng đội ngũ lao động trung thành, bản thân người lãnh đạo DN cần có sự chân thành, quan tâm tới người lao động để giữ được lòng tin với người lao động. Mặt khác, để khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi nhà khởi nghiệp phải đạt các chứng nhận trong và ngoài nước về môi trường, an toàn thực phẩm…”. Theo nhiều chuyên gia, khởi nghiệp trong nông nghiệp đang rất phát triển, đặc biệt là hoạt động ứng dụng khoa nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy, các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp ở ĐBSCL cần tận dụng các thế mạnh sẵn có hoặc kết hợp với các ngành lợi thế lớn như kinh tế biển, sản xuất chế biến, du lịch, năng lượng tái tạo.... Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ về những cơ hội và thách thức như: vấn đề hội nhập, biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0...

Nhìn thẳng vào thực tiễn, khởi nghiệp ĐBSCL đang cần thêm những yếu tố: tư duy sáng tạo, tầm nhìn và tinh thần kinh doanh của những chuyên gia, những người đi trước; các kỹ năng cần có cho startup (xây dựng kế hoạch kinh doanh, thuyết trình, hợp tác cộng đồng...); nối kết thị trường và DN dẫn dắt; nguồn lực tài chính cho quá trình khởi nghiệp. “ĐBSCL đang thiếu những DN đầu đàn và chưa có chương trình nào thật sự nổi bật để giúp các DN khởi nghiệp thương mại hóa sản phẩm. Bản thân người khởi nghiệp thường là quá tự ti hoặc quá tự tin làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động khởi nghiệp. Cần phải hiểu, khởi nghiệp là quá trình, như là một “chuỗi sản xuất DN”, đòi hỏi thời gian và cần nhiều yếu tố: sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía với những chính sách tốt; sự tham gia các tổ chức tín dụng bổ trợ tài chính; sự đón nhận của người tiêu dùng trong nước...” - ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ nhận định.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết