11/09/2014 - 21:23

Cần hỗ trợ ứng phó sạt lở, xâm nhập mặn

Biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng đang đe dọa nghiêm trọng các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều tuyến rừng phòng hộ xung yếu có nguy cơ bị xóa sổ, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng, ảnh hưởng sinh hoạt, sức khỏe, sản xuất nông nghiệp của người dân. Công tác phòng tránh sạt lở, ứng phó xâm nhập mặn đang cần các ngành, các cấp, các địa phương nỗ lực thực hiện.

Nhiều tác động do nước biển dâng cao

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tác động tiêu cực của BĐKH đối với ĐBSCL đang ngày càng nhiều hơn. Mùa lũ hằng năm biến động thất thường, ngập lụt ở các đô thị trong vùng với diện tích và thời gian tăng hơn; hiện tượng sạt lở đất, triều cường, bão, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên; thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân... Đặc biệt là hiện tượng sạt lở, xâm nhập mặn dọc theo các tỉnh ven biển ngày càng lấn sâu vào nội đồng. Đây là những thách thức và khó khăn lớn nhất mà ĐBSCL phải gánh chịu và cần phải hành động ngay với những kế hoạch ứng phó kịp thời mang tính lâu dài.

Ở bờ biển Đông và biển Tây tỉnh Cà Mau hiện có trên 40km đang có nguy cơ bị sóng làm sạt lở nặng. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng, 1 đoạn sạt lở nghiêm trọng chiều dài khoảng 15km thuộc huyện U Minh và 4 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài gần 17km, tập trung ở khu vực xã Khánh Tiến huyện U Minh, xã Khánh Bình Tây Bắc huyện Trần Văn Thời và xã Tân Hải, huyện Phú Tân. Thời gian qua, tình trạng sạt lở hệ thống bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tục xảy ra, nhiều công trình dân sinh, kinh tế bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…

Bà Helen Clark, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (người thứ 2, từ trái sang) khảo sát điểm sạt lở tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền để có kế hoạch hỗ trợ khắc phục trong thời gian tới.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, trong những năm gần đây, hiện tượng nước biển dâng gây tràn ngập hệ thống đê sông và đê kênh, mương các cấp rất trầm trọng. Qua quan trắc, khảo sát mực nước biển những năm qua cho thấy đỉnh triều cường năm sau đều cao hơn năm trước, kèm theo đó là thiệt hại diện tích đất sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cũng tăng theo do tác động của BĐKH.

Tỉnh Bến Tre có chiều dài bờ biển là 65km, trong đó có trên 90% diện tích đất có cao độ địa hình từ 1-2 mét so mực nước biển, còn lại vùng thấp ven sông, biển chỉ dưới 1 mét nên thường xuyên bị ngập khi triều cường. Bến Tre được nhận định là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng. Theo dự báo vào năm 2020 nước biển dâng 12cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 272km2, chiếm 12,24% diện tích, có khoảng 97.890 người sống trong vùng bị ngập. Vào năm 2050 nước biển dâng 30cm, tỉnh Bến Tre với diện tích bị ngập là 342km2, chiếm 15,39% diện tích, có khoảng 102.054 người sống trong vùng bị ngập. Theo kịch bản ranh giới mặn 4‰ tiến vào trong nội đồng vào năm 2020 sẽ tác động trực tiếp đến tình trạng thiếu nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mặc dù Bến Tre đã có đề án "Ứng phó với BĐKH và nước biển dâng giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020" và kế hoạch triển khai ứng phó hằng năm, nhưng công tác ứng phó với BĐKH tại Bến Tre chỉ dừng lại ở mức độ triển khai các công trình quy mô nhỏ lẻ, kinh phí cho mỗi công trình dưới 15 tỉ đồng chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt; thiếu kinh phí đầu tư cho các dự án trọng điểm với quy mô rộng và có tính lâu dài.

Cần giải pháp hỗ trợ ứng phó BĐKH

Để kịp thời bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực bị sạt lở nghiêm trọng ven sông, biển, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: đầu tư trồng rừng phòng hộ; xây dựng trên 17km hệ thống bờ kè với kinh phí đầu tư trên 511 tỉ đồng; thực hiện các dự án tái định cư ven biển để sắp xếp, bố trí tái định cư các hộ di dân tự do, các hộ ở cửa sông, ngoài đê biển... Trong đó, công trình kè ngầm chắn sóng được đánh giá là tối ưu tới thời điểm hiện tại với chiều dài khoảng 8,2km. Hiện tuyến bờ kè kiên cố chống sạt lở tại Mũi Cà Mau với chiều dài trên 2,7km đang được triển khai nhằm ứng phó với những cơn sóng dữ, bảo vệ mũi Cà Mau. Theo kế hoạch năm 2014 này, Cà Mau đang khẩn trương thi công các công trình chống sạt lở tuyến đê biển Tây với tổng chiều dài 14km, nhưng do nguồn vốn đang gặp khó khăn nên triển khai rất chậm. Ngoài những điểm xung yếu, theo nhận định của các ngành chức năng, Cà Mau còn rất nhiều điểm sạt lở ở bờ Đông lẫn bờ Tây, đe dọa nghiêm trọng tới rừng phòng hộ ven biển. Cụ thể là bờ biển Tây từ xã Khánh Hội đến giáp ranh tỉnh Kiên Giang, đai rừng chỉ còn khoảng 30m. Nếu không triển khai các tuyến đê, kè bảo vệ vành đai rừng thì vài năm tới, sóng biển sẽ cuốn mất rừng, đe dọa vỡ đê. Tệ hại hơn vùng ngọt hóa U Minh và một số huyện lân cận sẽ bị xâm thực mặn; rừng tràm U Minh hạ có nguy cơ bị xóa sổ...

Ở tỉnh Bến Tre, thời gian qua cũng đầu tư thực hiện nhiều công trình ngăn mặn, ứng phó BĐKH. Ông Võ Văn Ngoan, Điều phối viên Văn phòng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH tỉnh Bến Tre, cho biết: "Từ tác động BĐKH, bắt đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Bến Tre đã đầu từ hàng trăm tỉ đồng cho các công trình đê, đập chống sạt lở, hạn chế xâm nhập mặn. Nhờ đó, những thiệt hại từ thiên tai do BĐKH gây ra đã được hạn chế, giảm tác hại".

Cụ thể từ năm 2011 đến nay, Bến tre được phân bổ vốn đầu tư là 95,243 tỉ đồng để triển khai đê biển Thạnh Phú và Bình Đại. Tuyến đê biển Ba Tri đã đầu tư 31km đê và xây dựng 11 cống qua đê bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Hiện công trình này còn 9 cống qua đê chưa được đầu tư nên vẫn chưa phát huy được tác dụng ngăn mặn. Mới đây, bà Rachel Kyte - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - sau khi có chuyến thực tế tại một vài điểm sạt lở nghiêm trọng nhất của tỉnh Bến Tre, hứa sẽ tăng cường nguồn vốn hỗ trợ ứng phó BĐKH ở Bến Tre, nhất là sinh kế cho người dân nông thôn. Ông Võ Văn Ngoan, Điều phối viên Văn phòng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH tỉnh Bến Tre, cho biết thêm: "Để ứng phó, giảm thiểu tác hại BĐKH, địa phương cũng rất cần sự hỗ trợ, đầu tư kinh phí từ các bộ, ngành Trung ương để thực hiện các công trình chống sạt lở, ngăn chặn xâm nhập mặn. Đặc biệt, địa phương cần có sự phối hợp trong việc thiết lập quy chế gắn kết giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL về việc triển khai công tác ứng phó BĐKH, đặc biệt là quy hoạch và triển khai đồng bộ hệ thống thủy lợi; đê, đập chống sạt lở, ngăn mặn; điều tiết sử dụng nước và chống ngập úng cho toàn vùng...".

Ở Trà Vinh, BĐKH cũng đang đe dọa đến vùng ven biển của tỉnh này. Từ năm 2008 đến nay, Bộ NN&PTNT cũng huy động nhiều nguồn vốn đầu tư gần 115 tỉ đồng cho Trà Vinh gia cố đê, xây dựng các tuyến kè. Năm 2014, Trà Vinh tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 để hoàn thiện đoạn kè tại xã Hiệp Thạnh có chiều dài 2km và gần 2,8km kè tại ấp cồn Trứng. Tổng nguồn vốn được phê duyệt thực hiện gần 420 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh văn phòng Ủy ban phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh: Tỉnh rất cần các nguồn vốn viện trợ từ Trung ương cho công tác ứng phó BĐKH, thời gian qua kinh phí thực hiện các công trình này quá ít, nếu đầu tư theo kiểu chắp vá như hiện nay, những đoạn đê, kè không hoàn chỉnh sẽ bị sóng biển tiếp tục làm sạt lở, lúc đó kinh phí sửa chữa, xây mới sẽ tăng nhiều lần…

Hiện các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu đang chịu nhiều ảnh hưởng từ BĐKH rất cần Trung ương đầu tư phân bổ nguồn vốn để xây dựng các tuyến đê, kè chắn sóng bức thiết, cứu lấy các tuyến rừng phòng hộ, ngăn mặn xâm nhập nội đồng…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết