09/10/2015 - 09:24

Cần giải pháp đồng bộ đào tạo nghề cho nông dân

Tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân và định hướng cho giai đoạn 2016-2020" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, các chuyên gia đầu ngành đánh giá, công tác đào tạo nghề nông nghiệp thời gian qua đã nâng cao năng lực sản xuất của đại bộ phận nông dân; góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề nông nghiệp đi vào chiều sâu, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương.

* Nhiều bất cập

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tổng số lao động được đào tạo nghề nông nghiệp cả nước giai đoạn 2010-2014 là 803.740 người. Trong đó, có 672.696 người tìm được việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ, trên 26.230 người được đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc; khoảng 9.240 người thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp... Kết quả nêu trên cơ bản đạt mục tiêu đề ra; bước đầu đáp ứng nhu cầu nâng hiệu quả sản xuất của nông dân và các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp được tăng cường; người lao động dần có ý thức trong việc tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới... Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song công tác đào tạo nghề nông nghiệp vẫn tồn tại bất cập và phát sinh khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chăn nuôi ở ĐBSCL hiện nay chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Do đó, các hộ nuôi cần tham gia các lớp đào tạo nghề để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Mô hình nuôi gà lôi tại một hộ dân trên địa bàn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Nhiều ý kiến của các địa phương vùng ĐBSCL phản ánh, nhận thức về học nghề để có việc làm của lao động nông thôn còn thấp, một số người đăng ký học nghề nhưng không kiên trì bám lớp nên sỉ số biến động, kết quả học tập không đạt yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Nhiều trường hợp chúng tôi khuyến khích, vận động bà con tham gia lớp học nhưng không ai đến học. Đến khi xảy ra dịch bệnh trên cây trồng thì bà con đổ xô đến lớp. Mỗi lớp đến 60-70 học viên trong khi quy định chỉ 30 người/lớp. Ngoài ra, giới hạn tuổi người lao động nông thôn tham gia học nghề chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện. Điển hình như một số lao động (nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi) có nhiều thời gian nhàn rỗi, có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với ngành nghề cần học nhưng không được giải quyết hỗ trợ học nghề". Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở một số địa phương còn dàn trải, chưa tập trung vào đối tượng nông dân nòng cốt; chưa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chia sẻ: "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần dành nhiều thời gian cho học viên thực hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình. Vì đối với nông dân, chỉ có thực hành mới giúp bà con nắm bắt kiến thức tốt nhất và tin tưởng vào các mô hình, kỹ thuật sản xuất mới để áp dụng vào thực tế sản xuất. Tuy nhiên, do đặc thù lĩnh vực nông nghiệp thường sản xuất theo mùa vụ, trong khi kinh phí lại rót xuống chậm nên nhiều lớp dạy nghề tổ chức không phù hợp với thời điểm xây dựng các mô hình thực hành". Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thời gian đào tạo nghề nông nghiệp tương đối dài, định mức hỗ trợ học nghề thấp nên khó thu hút được học viên. Một số địa phương, cơ sở dạy nghề chưa quan tâm gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, thiếu khảo sát và chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế nên một số lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm...

* Đào tạo sát thực tiễn sản xuất

Giai đoạn 2016-2020, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho 1,4 triệu lao động. Công tác đào tạo nghề đảm bảo chất lượng và hiệu quả; tập trung có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng vào các đối tượng nông dân nòng cốt. Để đạt được mục tiêu đề ra, công tác đào tạo nghề thời gian tới cần gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ được điều chỉnh theo từng giai đoạn để phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất và thị trường lao động. Đồng thời, ưu tiên và phát triển hình thức ký kết hợp đồng dạy nghề có sự phối hợp, tham gia của ba bên (cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp sử dụng lao động) trong việc xây dựng "Cánh đồng lớn"...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: "Thời gian tới, An Giang tăng cường vai trò quản lý nhà nước về dạy nghề; tập trung kiểm tra, giám sát chấn chỉnh khắc phục tồn tại, yếu kém liên quan chất lượng dạy nghề đã phát hiện vừa qua. Bên cạnh sự nỗ lực từ phía địa phương, các bộ, ngành trung ương nghiên cứu đề xuất Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho học viên thuộc đối tượng quy định của Đề án, nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, có điều kiện tham gia học nghề để tìm được việc làm, từng bước thoát nghèo. Hiện nay, hộ cận nghèo hoàn cảnh kinh tế cũng rất khó khăn, để giúp họ có điều kiện tham gia học nghề, đề nghị nên có chính sách hỗ trợ tiền ăn và được tiếp cận vốn vay tín chấp cho đối tượng này với mức hỗ trợ như hộ nghèo". Do đặc thù sản xuất nông nghiệp, hộ gia đình thường sản xuất nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi (trồng lúa, nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu…). Vì vậy, theo quy định mỗi lao động chỉ được học một nghề là chưa phù hợp. Một số địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị Chính phủ sửa đổi như sau: tùy theo điều kiện sản xuất, mỗi lao động nông thôn được tham gia học nhiều nghề phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của gia đình.

Tiến sĩ Trần Đăng Bổng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ, cho rằng: Hiện ngành NN&PTNT cùng với ngành Lao động Thương binh xã hội đã xây dựng và ban hành hơn 100 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp. Các chương trình này còn mang tính khung và dùng chung cho cả nước. Do vậy, căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát, các cơ sở đào tạo cần tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, cần bổ sung một số nội dung cần thiết như: kỹ thuật sử dụng và bảo trì máy móc, thiết bị; vấn đề an toàn trong sản xuất nông nghiệp; hạch toán kinh tế và quản lý hộ, trang trại...

Theo ông Ngô Thế Hiên, Phó cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành cần hướng dẫn các quận, huyện, thành phố, thị xã thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp hàng năm và từng giai đoạn, đảm bảo sát hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp và nhu cầu đào tạo lao động theo ngành, nghề của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mỗi địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề gắn với giải quyết việc làm; tập trung vận động lực lượng lao động chưa qua đào tạo nghề, chưa có việc làm; học sinh THCS, THPT không có điều kiện học lên các bậc trên.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết