01/10/2010 - 08:40

CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP Ở ĐBSCL

Cần giải pháp đồng bộ

Những năm gần đây, nông dân ĐBSCL đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong khâu
thu hoạch lúa.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, số máy hiện có còn thiếu so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong vùng. Để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho nông sản và nhất là sản phẩm lúa gạo ở ĐBSCL, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp...

* TỐC ĐỘ CƠ GIỚI HÓA NHANH

Theo Cục Chế biến- Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL với công suất máy bình quân đạt 1,63 mã lực (CV)/ha (bình quân cả nước 1,16 CV/ha). Một số địa phương đạt tỷ lệ cao như: Tiền Giang 2,91 CV/ha, Vĩnh Long 2,27 CV/ha, An Giang 1,79 CV/ha, Long An 1,67 CV/ha... Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại vùng chủ yếu là ở ngành sản xuất lúa (đạt tỷ lệ cao ở một số khâu làm đất, gieo cấy, bơm tưới, thu hoạch, xay xát...). Trong đó, tỷ lệ sử dụng máy trong tuốt đập, xay xát lúa gạo đạt 90- 95%, diện tích đất được canh tác bằng máy 87%, diện tích gieo sạ bằng dụng cụ và máy khoảng 30%, diện tích được thu hoạch bằng máy 25-30%...

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL như Trà Vinh, An Giang, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ... đã có chính sách hỗ trợ vốn hoặc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy gặt đập, sấy lúa, máy bơm nước... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay số lượng máy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất nông nghiệp toàn vùng, dù nhu cầu cơ giới trong sản xuất ngày một tăng. Ông Nguyễn Văn Muôn, nông dân xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Những năm gần đây, rất khó tìm nhân công thu hoạch lúa do thanh niên nông thôn đã lên các thành phố lớn tìm việc làm. Tôi có ý định mua một máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để vừa thu hoạch lúa nhà, vừa thu hoạch thuê cho bà con ở địa phương để kiếm thu nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện tôi đã chấm một số máy GĐLH, nhưng đang tìm hiểu giá cả thị trường xem máy nào gặt tốt và có giá phù hợp với thu nhập gia đình”...

Tại hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam năm 2010 vừa được tổ chức ở Sóc Trăng, DNTN Nhựa Hoàng Thắng (TP Cần Thơ) đã đạt giải Nhất và giải Ba hội thi. Ông Phạm Hoàng Thắng, Chủ DNTN Nhựa Hoàng Thắng, cho biết: “Trước đây, doanh nghiệp chỉ sản xuất dụng cụ gieo sạ lúa và máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Đến năm 2006, thấy nhu cầu thu hoạch lúa bằng máy ngày càng lớn, chúng tôi tìm hiểu, học hỏi và bắt tay vào chế tạo máy GĐLH. Qua 3 năm thử nghiệm, đến hội thi máy thu hoạch lúa vào năm 2009 được tổ chức tại tỉnh An Giang chúng tôi mới đạt được thành công (hội thi này doanh nghiệp đạt giải khuyến khích) và mạnh dạn phát triển sản xuất hơn. Từ thực tế đồng ruộng ĐBSCL, chúng tôi chế tạo được máy GĐLH phù hợp như: gặt được lúa đổ ngã, ít hao hụt”. Theo nhận định của các nhà khoa học, trình độ công nghệ của các cơ sở, doanh nghiệp chế tạo máy GĐLH trong nước ngày một tiến bộ và đáp ứng cơ bản về kỹ thuật, thực tế đồng ruộng tại ĐBSCL.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia (Bộ NN&PTNT), để phục vụ cho việc cơ giới hóa thu hoạch lúa, cần có các giải pháp hạn chế lúa đổ ngã. Phải làm đất và chuẩn bị đồng ruộng thật kỹ; chọn giống lúa cứng cây, có bộ rễ tốt; sạ thưa và sạ hàng; tăng cường bón các loại phân hữu cơ, phân lân... để giúp rễ lúa tốt hơn; thu hoạch lúa đúng độ chín (khi lúa đã chín 85-90%) nhằm đạt năng suất và chất lượng lúa cao nhất.

* ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU CƠ GIỚI HÓA...

Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia đã phối hợp với Sở NN&PTNT các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức được 4 hội thi máy thu hoạch lúa. Qua đó, tuyển chọn những mẫu máy GĐLH có khả năng vận hành tốt trên thực tế đồng ruộng của vùng để phổ biến và giới thiệu cho bà con nông dân lựa chọn. Đồng thời, hội thi còn tạo điều kiện cho các cơ sở chế tạo máy GĐLH trao đổi kinh nghiệm, thi đua cải tiến các mẫu máy ngày càng tốt hơn... Số lượng máy GĐLH trong vùng ĐBSCL cũng ngày càng tăng lên. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư quốc gia, năm 2007 vùng ĐBSCL chỉ có 476 máy GĐLH và 2.947 máy cắt xếp dãy thì đến tháng 9-2010 đã có 4.923 máy GĐLH và 4.067 máy cắt xếp dãy. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng để thúc đẩy cơ giới hóa vùng phát triển.

Theo Cục Chế biến- Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối, để đạt mục tiêu trang bị công suất máy bình quân cả nước 1,5-2 CV/ha vào năm 2015 và 2,5-3 CV/ha vào năm 2020 (riêng vùng ĐBSCL có thể đạt cao hơn) cần tập trung một số giải pháp đồng bộ. Cụ thể như quy hoạch, cải tạo đồng ruộng và cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Kết hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tích tụ đất đai tập trung với việc cải tổ lại sản xuất, cải tạo và chỉnh trang đồng ruộng, đầu tư đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn và hệ thống tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy phục vụ nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhất là lao động vận hành máy nông nghiệp, bảo quản nông sản; có chính sách cho nông dân vay tín dụng mua thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức vốn vay 100% giá máy với lãi suất 0% trong vòng 2 năm đầu, năm thứ 3 giảm 50% lãi suất vốn vay...

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: “Vùng ĐBSCL với diện tích gieo trồng lúa khoảng 3,9 triệu ha/năm. Ngoài 2 vụ chính là đông xuân 1,5 triệu ha và hè thu 1,6 triệu ha, còn có lúa mùa 296.000 ha và lúa vụ 3 (xuân hè-thu đông) khoảng 490.000 ha. Trong những năm gần đây, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân thường gieo sạ đồng loạt né rầy nên thường thiếu nhân công khi thu hoạch rộ. Hiện nay, lao động nông thôn có xu hướng di chuyển lên đô thị, thành phố lớn để tìm việc. Vì vậy, việc cơ giới hóa trong sản xuất rất cần thiết”. Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, một trong những khó khăn của việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa hiện nay là diện tích lô thửa của nông hộ nhỏ, phân tán rất khó cho máy móc xoay trở, quay vòng ngay cả trong khâu làm đất, gieo cấy, dùng máy GĐLH thu hoạch... Để có diện tích lô thửa ruộng thuận lợi cho việc cơ giới hóa, một số địa phương ĐBSCL đã khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và xây dựng vùng chuyên canh lúa. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tế phải mất nhiều thời gian.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Những năm gần đây, nông dân ĐBSCL đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa.

Chia sẻ bài viết