28/12/2009 - 21:01

THU HÚT FDI Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Cần định hướng và chọn lọc

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có gần 450 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 7,7 tỉ USD. So với 7 vùng khác trong cả nước, ĐBSCL xếp hàng thứ 3 (sau Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng) về số dự án được cấp phép, nhưng lại đứng thứ 5 (trước Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Bắc) về tổng vốn đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, theo ngành Kế hoạch – Đầu tư ĐBSCL, các dự án FDI đầu tư vào ĐBSCL quy mô còn nhỏ và công tác kêu gọi, thu hút đầu tư FDI còn nhiều khó khăn…

* Khó chồng khó

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu năm 2009, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu về thu hút số dự án và vốn đăng ký FDI so với các vùng khác trong cả nước. Vùng ĐBSCL đứng ở vị trí thứ 3 về thu hút dự án FDI và đứng hàng thứ 5 về nguồn vốn đầu tư đăng ký mới. Các thứ hạng này vẫn duy trì đến đầu tháng 12-2009, tuy nhiên có sự sụt giảm đáng kể trong thu hút đầu tư trong năm 2009 ở các địa phương vùng ĐBSCL so với năm 2008.

Từ đầu năm đến đầu tháng 12-2009, toàn vùng ĐBSCL thu hút thêm 31 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký mới khoảng 55,6 triệu USD. Kết quả này so với năm 2008 giảm trên 50 dự án và giảm trên 3,5 tỉ USD về vốn đăng ký mới. Nhìn vào bảng thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, số dự án và vốn đăng ký FDI năm 2009 giảm hầu hết ở các địa phương. Sụt giảm mạnh nhất là Long An, địa phương dẫn đầu các tỉnh – thành khu vực ĐBSCL trong thu hút đầu tư FDI, có số dự án FDI cấp phép trong năm 2009 giảm trên 50 dự án và giảm trên 850 triệu USD. Các tỉnh khác như Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau năm 2008 thu hút được từ 1-2 dự án FDI nhưng đến đầu tháng 12 – 2009, các địa phương này vẫn chưa thu hút được dự án nào. Một số địa phương như Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang có số dự án FDI trong năm 2009 so với năm 2008 tăng nhưng cũng chỉ từ 1-2 dự án và số vốn đăng ký mới cũng không kéo nổi sự sụt giảm chung của cả vùng ĐBSCL.

Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, ĐBSCL đang dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Tuyến đường Nam sông Hậu qua TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng giảm bớt quá tải giao thông cho tuyến QL 1A đang được thi công tại TP Cần Thơ.  

Năm 2009, theo ước tính của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm có khả năng đạt khoảng 20-22 tỉ USD. Dù kết quả này rất thấp so với khoảng 71,7 tỉ USD vốn FDI của năm 2008 nhưng theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, mức sụt giảm này ít hơn so với các nước trong khu vực. Và các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như trong năm vừa qua, con số 20-22 tỉ USD là một nỗ lực, một cố gắng rất lớn của các địa phương trong cả nước, trong đó có cả vùng ĐBSCL.

Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế thế giới, nhiều căn bệnh “trầm kha” của vùng ĐBSCL lâu nay vẫn chưa được khắc phục ảnh hưởng khá lớn đến kêu gọi, thu hút nguồn vốn FDI đầu tư phát triển vùng. Đó là cơ sở hạ tầng kinh tế, giao thông... vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế; hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài còn chồng chéo, chưa rõ ràng dẫn đến lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, quy định hiện hành về trách nhiệm của địa phương trong việc giao “đất sạch” cho nhà đầu tư nước ngoài dẫn tới áp lực lớn về chi ngân sách khi thúc đẩy giải ngân FDI. Điều này khiến nhiều dự án, nhất là các dự án lớn không thể triển khai thực hiện vì phía địa phương không chuẩn bị được mặt bằng giao cho nhà đầu tư. Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Cần Thơ, thừa nhận: Trình độ cán bộ thực hiện công tác quản lý đầu tư nói chung chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng nghiệp vụ trước tình hình phân cấp quản lý theo quy định mới. Một số ngành, địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, tuyên truyền, tổ chức, đề xuất giải pháp thực hiện các chính sách mới dẫn đến kết quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI còn hạn chế; thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư còn thiếu, sơ sài, không đủ cơ sở để các nhà đầu tư có thể lựa chọn và quyết định tiến hành đầu tư. Những khó khăn này được các ngành hữu quan nhận định sẽ còn ảnh hưởng lớn đến thu hút các dự án FDI của các địa phương vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

* Thu hút FDI cần định hướng và chọn lọc

Trong năm 2010, cùng với cả nước thu hút nguồn vốn FDI, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; chế biến nông sản, phát triển các vùng kinh tế khó khăn, nông nghiệp và nông thôn; các ngành có ý nghĩa về mặt an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vắc-xin, sinh phẩm)...

Để đảm bảo thu hút FDI có định hướng và có chọn lọc theo kế hoạch, các địa phương vùng ĐBSCL đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. TP Cần Thơ, “đầu tàu” phát triển kinh tế ở vùng ĐBSCL, đứng vị trí thứ 2 (sau Long An) về số dự án FDI còn hiệu lực và đứng thứ 3 (sau Long An, Kiên Giang) về tổng vốn đầu tư đăng ký. Năm 2010, TP Cần Thơ phấn đấu thu hút thêm 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 30 triệu USD. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường đối ngoại, thu hút tối đa và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn FDI. Song song đó, phát triển kinh tế – xã hội, cũng như thu hút FDI, thành phố chọn cải cách hành chính làm khâu đột phá. Trong đó, đặc biệt chú ý cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư và xây dựng, chuẩn bị tốt về thủ tục và các bước triển khai các dự án lớn, các dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Long An sẽ tiếp tục chấn chỉnh việc thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Long An tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư; thực hiện tốt thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tập trung đầu mối tiếp nhận, trao kết quả đúng hẹn, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, nhất là các dự án FDI...

Ngoài những giải pháp trên, theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, cùng với cả nước, vùng ĐBSCL cần tập trung giải quyết các yếu tố về cơ sở hạ tầng gây cản trở tới hoạt động FDI (hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông; sự ổn định về cung cấp năng lượng, công tác giải phóng mặt bằng...); tập trung giải quyết các khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án FDI có quy mô lớn, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư cần được đổi mới, nâng cao chất lượng; các ngành hữu quan cần đảm bảo thông tin, đánh giá tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp điều hành thu hút nguồn vốn FDI của Chính phủ một cách có hiệu quả.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết