31/10/2008 - 08:54

Quốc hội thảo luận về ngân sách nhà nước

Cần công khai, minh bạch nguồn tài chính công

* Đầu tư thích hợp theo hướng ưu tiên các vùng miền khó khăn

Ngày 30-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008; dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009.

Đa số các ý kiến thảo luận đều tập trung vào vấn đề hiệu quả của việc thu, chi ngân sách nhà nước; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến thất thoát nguồn thu, nguyên nhân làm bội chi ngân sách. Đó là đầu tư dàn trải; thất thoát nhiều ở thu thuế; hiệu quả đầu tư thấp; giải ngân chậm...

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định): Đồng bào miền núi đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, việc đưa tiến bộ khoa học vào cho nông dân là cần thiết. Tuy nhiên, khi phân bổ kinh phí cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản thì phân bổ không phù hợp. Nhiều tỉnh nghèo như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên... chủ yếu dựa vào cây rừng cần phải đưa cây, con giống mới nhưng chúng ta lại không đưa đến đây.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, việc xác định các công trình trọng điểm chưa đánh giá đúng mức, nên xảy ra tình trạng lãng phí nguồn vốn, chậm phát huy hiệu quả, nhất là các công trình có liên quan đến các hoạt động của đời sống xã hội. Trong khi đó chúng ta chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp đường trong nội thị, xây dựng nhà trường và bệnh viện thì đương nhiên là kém hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) đề nghị: QH, Chính phủ phải xem xét nghiêm túc việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, cần thực hiện linh hoạt hơn về chính sách tài chính tiền tệ, thay vì thắt chặt để bảo đảm cung tiền hợp lý, thúc đẩy sản xuất, ổn định tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, Chính Phủ cần bố trí đủ vốn để có thể đầu tư các công trình này kiên cố bảo đảm bền vững, chống lãng phí.

Hầu hết các ý kiến thảo luận đều nhất trí đề nghị tăng chi cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, giảm đầu tư cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, từ việc giảm bù lỗ, từ việc tiết kiệm các chi khác và từ các nguồn viện trợ. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nên cơ cấu lại ngân sách (cả thu và chi) cho phù hợp với thực tiễn quản lý nền kinh tế trong điều kiện lạm phát, tăng thu nhưng không làm tăng gánh nặng cho nền kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách, ưu tiên đầu tư cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, dành sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa... Các đại biểu đều nhất trí cao với giải pháp tăng tính kỷ luật trong chi tiêu ngân sách, bảo đảm chi tiêu hợp lý, chống lãng phí.

Về phân bổ ngân sách cho các địa phương, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư cho các tỉnh có nhiều khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt các tỉnh vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 6. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị: Chính phủ cần có lộ trình và phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các địa phương theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên.

Thứ sáu, ngày 31-10-2008, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác phòng, chống tham nhũng.

LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết