05/10/2016 - 21:05

Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường ở vùng ĐBSCL

Cần cộng đồng tham gia đánh giá tác động môi trường

Theo quy hoạch của Chính phủ, ĐBSCL được xác định không chỉ là "vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu" mà còn là một trong các "trung tâm năng lượng quốc gia". Các trung tâm năng lượng đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Song, cũng đặt ra nhiều thách thức tác động đến môi trường, đời sống kinh tế, xã hội và sinh kế người dân. Làm thế nào để phát triển, đáp ứng nhu cầu điện năng nhưng vẫn bảo vệ môi trường cho vùng ĐBSCL là vấn đề được các chuyên gia quan tâm.

Mối lo điện than

Theo quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, điều chỉnh quy hoạch điện theo hướng giảm công suất, số lượng nhà máy, giảm tổng nguồn phát điện than, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo. Cụ thể, cả nước giảm 18 nhà máy, tổng công suất nhà máy điện than chỉ còn chiếm 42,7% so với 52% trước đây trong tổng công suất nguồn phát điện cả nước. Tổng công suất nguồn điện than ở ĐBSCL cũng được giảm khoảng 4.000 MW điện than, loại bỏ 5 nhà máy nhiệt điện than ở An Giang, Sông Hậu 3 (Hậu Giang), Kiên Lương 1, 2, 3 (Kiên Giang). Tuy nhiên, quy hoạch mới 3 nhà máy nhiệt điện Tân Phước 1, Tân Phước 2 (Tiền Giang) và Long An. Dự kiến đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ có 13 nhà máy nhiệt điện than.

 Các chuyên gia lo ngại sử dụng nước và ô nhiễm nguồn nước từ các nhà máy nhiệt điện than vùng ĐBSCL ảnh hưởng môi trường, đời sống người dân. (Phối cảnh Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3).

Theo bà Hà Thị Hồng Hải, Điều phối Chương trình nghiên cứu của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), các nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong cả giai đoạn xây dựng và vận hành. Bên cạnh đó, gây ô nhiễm đất do khí thải SO2 góp phần tạo nên mưa axit và từ bãi chứa tro xỉ. Sinh kế người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nước làm mát ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản; khói bụi ảnh hưởng đến đồng ruộng; mất đất làm nông nghiệp chưa kể tình huống chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các giải pháp theo cam kết đánh giá tác động môi trường của dự án. Ngoài ra, còn tác động đến sức khỏe con người, có thể nhiễm các bệnh, như: bệnh đường hô hấp, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim…

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, đánh giá: Nước là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất đối với sự phát triển của ĐBSCL. Vấn đề môi trường và xã hội cần quan tâm của các nhà máy nhiệt điện than đó là việc sử dụng nước. Bởi nhiệt điện than là loại tiêu tốn nhiều nước nhất, để sản xuất ra 1 MWH điện thì cần dùng khoảng 4.163 lít nước (nguồn Liên minh bảo vệ nguồn nước quốc tế). Các công nghệ xử lý ô nhiễm không khí được áp dụng có thể sẽ làm tăng thêm ô nhiễm nguồn nước vì các nguồn thải độc từ khí được thu giữ và sớm muộn sẽ thải vào nguồn nước. Bên cạnh đó, công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí không có tác dụng làm giảm ô nhiễm nguồn nước.

Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) là một phức hợp gồm 4 nhà máy điện than lớn với những công trình kèm theo như 3 cảng than và 1 cảng tổng hợp đã và đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã đi vào vận hành. TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Vấn đề đáng quan ngại là ĐBSCL không có nguồn nhiên liệu than cho các nhà máy. Nguồn than ở Việt Nam chỉ có ở Quảng Ninh, đường vận chuyển đến Trà Vinh là khá xa. Tương lai các nhà máy nhiệt điện than sẽ phải nhập than từ nước ngoài (trung Quốc, Úc hoặc Indonesia). Về mặt chiến lược và tầm nhìn phát triển bền vững, tương lai Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ gặp nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng do phụ thuộc nguồn cung nhiên liệu và thiết bị từ nước ngoài. Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện phát thải khí nhà kính lớn nhất gây tiêu cực đến biến đổi khí hậu.

Cần đánh giá tác động môi trường

Phát triển năng lượng là nhu cầu quan trọng, tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia cần xem xét kỹ lưỡng quá trình hoạt động của những nhà máy nhiệt điện than. Nhất là đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, tích lũy nhằm đảm bảo phát triển điện năng nhưng vẫn bảo vệ vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Ông Phạm Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược rất quan trọng. Bởi đánh giá từ khâu quy hoạch và đánh giá tác động của tất cả các dự án trong quy hoạch chứ không riêng rẻ từng dự án như đánh giá tác động môi trường.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, khuyến nghị: Cần xem xét và tiến hành đánh giá tác động tích lũy của ô nhiễm không khí và những tác động đến sức khỏe khi quy hoạch các nhà máy điện ở ĐBSCL. Công khai dữ liệu về mức phát thải của nhà máy tại từng thời điểm và hằng năm nhằm đánh giá các tác động và cải thiện việc thực thi. Bên cạnh đó, cập nhật các tiêu chuẩn về phát thải theo kịp các nước đang phát triển và các nước phát triển. Đánh giá lại phương án phát triển các nguồn phát điện ở ĐBSCL phù hợp với nhu cầu phát triển và liên kết vùng; cần đặc biệt chú trọng tác động sức khỏe, chi phí xã hội và sự đánh đổi.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, đối với những cụm dự án quy mô lớn như Trung tâm Nhiệt điện Trà Vinh cần thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược và đánh giá tác động tích lũy để giúp lãnh đạo ra quyết định ở tầm chiến lược giai đoạn sớm. Cụ thể, lãnh đạo có thể đặt lên bàn cân so sánh những phương án chiến lược, như: loại năng lượng, vị trí dự án, có xem xét đến tính nhạy cảm về sinh thái, dân sinh, chính trị của các phương án thay thế về vị trí, công nghệ, kích cỡ dự án.

Thực tế từ báo cáo đánh giá tác động môi trường Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3, dự án Điện gió Bạc Liêu, các chuyên giá đánh giá tham vấn cộng đồng là một trong các khâu còn rất sơ sài mang tính chiếu lệ. Đa phần người dân trong khu vực dự án không được cung cấp thông tin tác động của nhà máy đến cuộc sống và sinh kế. Hiện nay nhà đầu tư chỉ được yêu cầu gửi văn bản kèm theo bảng tóm tắt đánh giá tác động môi trường đến UBND, MTTQ xã và nhận lại phản hồi bằng văn bản. Để cộng đồng tham gia có ý kiến trong các dự án, ông Nguyễn Hữu Thiện, đề xuất: Bộ Tài nguyên và Môi trường nên sửa đổi hướng dẫn về tham vấn để việc tham vấn ý kiến cộng đồng có ý nghĩa hơn và các bên liên quan được tham gia thực tế trong tất cả các giai đoạn của quá trình đánh giá tác động môi trường. Việc này góp phần nâng cao sự tin cậy về kết quả đánh giá tác động và các biện pháp giảm thiểu tác hại của dự án đối với môi trường. Bởi cộng đồng địa phương có nhiều kiến thức về điều kiện địa phương có thể đóng góp cho quá trình đánh giá tác động và tìm biện pháp giảm thiểu tác hại của dự án đối với môi trường. Sự bày tỏ quan ngại của cộng đồng sớm sẽ giúp nhà đầu tư giải quyết được sớm và tránh xung đột giữa các dự án và cộng đồng. Xây dựng cơ chế khiếu nại để giải quyết xung đột giữa người dân và nhà đầu tư. Ngoài ra, tư vấn có trách nhiệm kiểm chứng độ chính xác của các dự báo và các giả định đưa ra thông qua việc quan trắc tác động trên thực tế đối với các hệ tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức khỏe con người và điều chỉnh đánh giá tác động môi trường cũng như các biện pháp giảm thiểu cho phù hợp.

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết