08/09/2013 - 19:37

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ TRONG TUYỂN SINH Ở ĐBSCL

Cần có quyết sách phù hợp hơn

Chính sách đặc thù trong công tác tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ đã tạo sức bật trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các vùng khó khăn. Thế nhưng, tại Hội nghị triển khai thực hiện Công văn số 6977/BGDĐT-GDĐH ngày 19-10-2012 về chính sách đặc thù trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ cho các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (công văn số 6977); Công văn số 4007/BGDĐT-GDĐH ngày 14-6-2013 của Bộ GD&ĐT về việc bổ sung huyện có học sinh ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ (công văn số 4007), do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) tổ chức tại Vĩnh Long vào ngày 6-9 vừa qua, việc thực hiện các chính sách trên không phải dễ dàng.

* Nghịch lý!

Hỗ trợ kinh phí cho đối tượng thuộc chính sách đặc thù sẽ giúp các trường ĐH và người học có điều kiện dạy và học tốt hơn. Trong ảnh: Sinh viên trường Đại học Cần Thơ đang truy cập tài liệu trên mạng Internet. 

ĐBSCL là vùng có kinh tế phát triển nhưng thực trạng giáo dục vẫn là "vùng trũng", bởi tỷ lệ sinh viên trên vạn dân chỉ đạt 130, trong khi mặt bằng chung cả nước là 270 sinh viên trên vạn dân. Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của vùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai thực hiện chính sách đặc thù cho 22 huyện của 8 tỉnh trong khu vực gồm: Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp và Hậu Giang (công văn 4007). Học sinh tốt nghiệp THPT thuộc 22 huyện của 8 tỉnh này sẽ được tuyển thẳng vào ĐH. Trước đó, năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 6977. Theo đó, những học sinh thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy, được ưu tiên xét tuyển thấp hơn 1 điểm so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Thực hiện chính sách đặc thù trên, 9 trường ĐH công lập và ngoài công lập ở ĐBSCL đã nhận và xét tuyển được trên 3.700 thí sinh. Giáo sư Tiến sĩ Bùi Song Cầu, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), cho biết: "Chính sách đặc thù trong tuyển sinh là một trong những giải pháp góp phần đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, tạo điều kiện giúp học sinh ở vùng khó khăn có thể học bậc học cao hơn". Năm 2013, Trường ĐH Cửu Long tuyển được 59 thí sinh theo chính sách đặc thù.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của chính sách đặc thù trong tuyển sinh đối với các vùng khó khăn nhưng trong quá trình thực hiện không phải dễ dàng. Vấn đề chỉ tiêu đào tạo và nguồn kinh phí là một trong những khó khăn lớn đối với các cơ sở đào tạo. Qua thống kê, số lượng thí sinh được xét tuyển thẳng tập trung nhiều ở các trường ĐH: Cần Thơ (2.853 thí sinh), An Giang (trên 400 thí sinh), Trà Vinh (trên 260 thí sinh)... PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, lo lắng: "Phần lớn những thí sinh này ở các tỉnh ĐBSCL. Trường đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đào tạo bổ sung kiến thức cho đối tượng này đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, điều làm chúng tôi lo lắng là tổng chỉ tiêu năm 2013 của trường chỉ khoảng 8.000 em mà số lượng thí sinh thuộc đối tượng này chiếm trên 30%; trong khi chỉ tiêu này không thuộc chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT giao nên các trường sẽ không được sự hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước, do đó gặp rất nhiều khó khăn". Theo tính toán của Trường ĐH Cần Thơ, đối tượng được xét tuyển thẳng phải học bổ sung kiến thức 1 năm (2 học kỳ), với kinh phí khoảng 6 triệu đồng/ thí sinh. Sau 1 năm học, nếu người học đủ điều kiện vào khóa học ĐH chính thức, trường sẽ thu học phí theo số tín chỉ sinh viên đăng ký trong từng học kỳ nhân với đơn mức học phí/tín chỉ theo ngành đào tạo và nhân thêm hệ số 1,5. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, băn khoăn: "Nghịch lý là những thí sinh diện xét tuyển thẳng thuộc đối tượng khó khăn, nhưng do đối tượng này không thuộc chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT phân giao, không được Bộ GD&ĐT cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo nên trường buộc phải thu cao gấp 1,5 lần so với sinh viên bình thường. Chúng tôi đã gửi công văn đề nghị xin hỗ trợ kinh phí cho đối tượng này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phản hồi từ Bộ".

Khó khăn của Trường ĐH Cần Thơ là khó khăn chung của các trường ĐH khác trong vùng ĐBSCL. Hầu như, các trường ĐH bị động trong lập kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, do không có chỉ tiêu xét tuyển và khó dự đoán được số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển (ÐKXT). Thí sinh ÐKXT thẳng vào các ngành học có sự chênh lệch lớn, nhà trường khó tổ chức lớp học... Đó là chưa kể những năm tiếp theo, nếu như Bộ GD&ĐT chưa quy định cụ thể hơn về chỉ tiêu đào tạo này (nằm hay không nằm trong chỉ tiêu chính quy), không khéo chỉ 4-5 năm sau, các trường sẽ không còn chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy. Thạc sĩ Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, đề xuất: "Những thí sinh thuộc đối tượng chính sách đặc thù, Bộ GD&ĐT không nên tính chỉ tiêu vào tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. BCĐ TNB cần kiến nghị Bộ GD&ĐT có biện pháp bổ sung kinh phí cho đối tượng này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học".

* Bài toán chất lượng

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã "mổ xẻ" khá nhiều về chất lượng đào tạo của đối tượng xét tuyển thẳng. Các đại biểu kiến nghị, ngoài các điều kiện xét tuyển thẳng trong quy định hiện hành, cần có thêm điều kiện xếp loại học tập của học sinh phù hợp với khả năng theo học của từng bậc học, cụ thể: học sinh được xếp loại học tập lớp 12 đạt loại khá và thi tốt nghiệp THPT đạt loại khá trở lên mới được nộp hồ sơ ĐKXT thẳng vào ĐH, các học sinh không đạt điều kiện như trên chỉ được nộp hồ sơ ĐKXT thẳng vào CĐ, nhằm tạo động lực cho học sinh phấn đấu đạt kết quả tốt trong học tập. Theo đại diện Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, nên chăng cho phép học sinh tốt nghiệp THPT được vào học dự bị. Sau một năm học dự bị, nếu kết quả đạt loại khá trở lên mới được học ĐH, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học ĐH.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra, "đầu vào" khá thấp, liệu chất lượng có đảm bảo? Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH- Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho rằng: "Do trường đào tạo các ngành đặc thù nên việc xét tuyển thí sinh thuộc diện đối tượng này phải kỹ, nhằm đảm bảo chất lượng. Trường quy định, đối tượng xét tuyển thẳng là thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm THPT tại các huyện được qui định trong qui chế tuyển sinh. Các thí sinh này phải có xếp loại học lực các năm lớp 10, 11, 12 và thi tốt nghiệp đạt loại giỏi". Đó là nguyên nhân mà Trường ĐH Y Dược Cần Thơ chỉ xét đạt yêu cầu được 161 hồ sơ, trong tổng số 303 hồ sơ dự tuyển. Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thành Tiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An, nói: "Điều bất hợp lý là học sinh có học lực yếu mà vẫn được xét tuyển thẳng vào ĐH, như vậy chất lượng đào tạo sẽ khó đảm bảo đạt yêu cầu. Nên chăng, các trường ĐH chỉ xét tuyển những học sinh có học lực 3 năm học THPT và thi tốt nghiệp THPT đạt loại khá trở lên. Còn những ngành đặc thù như sư phạm, y dược thì sẽ có quy định riêng".

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, đối với việc thực hiện công văn số 6977, tùy theo thực tế của một số đơn vị mà áp dụng chính sách này hiệu quả hơn, không nên quá cứng nhắc là phải buộc các đơn vị thực hiện. Bởi thực tế có một số trường ĐH (Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ) nguồn tuyển sinh khá dồi dào, đạt chất lượng thì không thể "chừa" chỉ tiêu để tuyển thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm. Mặt khác, để giải quyết bài toán chỉ tiêu-kinh phí và chất lượng đào tạo, BCĐ TNB, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách của Trung ương và địa phương để tạo điều kiện cho đối tượng này học tập. "Có thể xem xét lại việc tuyển sinh đối tượng này giống như đối tượng cử tuyển. Nghĩa là các địa phương hỗ trợ kinh phí đào tạo cho người học. Sau khi đã học xong, người học có nghĩa vụ về địa phương để phục vụ vài năm"- thạc sĩ Phương đề xuất.

Bài, ảnh: B.Kiên

 

Trao đổi với PV Báo Cần Thơ bên lề hội nghị, Tiến sĩ Hà Hữu Phúc - Phó Vụ trưởng - Phó giám đốc cơ quan phía Nam - đại diện Bộ GD&ĐT, cho biết: Do đây là chính sách mới nên Bộ GD&ĐT chưa kịp ban hành quy định cụ thể về chính sách tài chính, cũng như chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Tuy nhiên, đây là chính sách đặc biệt dành cho vùng khó khăn nên sẽ có cơ chế đặc biệt riêng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường và người học. Sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ có cuộc họp với sự tham dự của BCĐ TNB, các địa phương và các trường ĐH để “ngồi lại” với nhau bàn bạc cụ thể về kinh phí, chỉ tiêu, như: kinh phí do ai cấp, địa phương hay người học đóng học phí? Có thể địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí người học. Người học được hỗ trợ có trách nhiệm về địa phương phục vụ trong 5 năm... Khi có chính sách cụ thể ban hành thì sẽ có ràng buộc về trách nhiệm giữa các bên.

Chia sẻ bài viết