* Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) m Phiên họp toàn thể lần thứ 9 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
Sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về một số nội dung, ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm y tế.
Trước đó, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, nhưng vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân; BHYT cho nông dân; đối tượng tham gia; quản lý quỹ và vấn đề cùng chi trả...
Về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, một số đại biểu nhất trí việc xác lập lộ trình BHYT đến năm 2014 là phù hợp với thực tế. Bởi đây là thời gian cần thiết để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tham gia BHYT, tiếp tục nâng cao năng lực cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị không nhất thiết phải đến năm 2014 như dự thảo Luật để bảo đảm một số đối tượng như học sinh, sinh viên, nông dân... được tham gia BHYT, sớm hơn với sự hỗ trợ của Nhà nước. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) bày tỏ băn khoăn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo, nông dân, sinh viên. Thực tế hiện nay, những đối tượng này rất khó khăn, không có khả năng đóng BHYT.
Vấn đề bảo hiểm y tế cho nông dân cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo quy định của dự thảo Luật, nông dân nếu không thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo chỉ có cơ hội tham gia BHYT tự nguyện với mức đóng 250.000 đồng/thẻ/người/năm. Trong khi đó, mặc dù Nhà nước đã có quy định hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi... song vẫn còn hàng chục triệu nông dân chưa tham gia BHYT. “Hiện nay mới có khoảng 43,4% số nông dân được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT. Do đó, nếu không cân nhắc, vô hình trung Dự thảo Luật lại khiến nông dân có tâm lý muốn trở thành người cận nghèo để được Nhà nước hỗ trợ”- đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lo ngại. Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) cho rằng, mức hỗ trợ cho nông dân như trong dự thảo là thấp, nên hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT cho người nông dân để họ có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhất là các đối tượng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Việc cấp thẻ BHYT hiện nay quá bất cập, gây khó khăn cho người tham gia, nên rút ngắn lại việc cấp thẻ từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để người dân có bệnh kịp thời khám chữa bệnh. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu khi đề cập đến tình trạng cấp thẻ BHYT cho người dân. Một số đại biểu cho rằng, người có thẻ BHYT nên được khám, chữa bệnh ở tất cả các bệnh viện trong phạm vi cả nước, miễn là các cơ sở này đã có hợp đồng với BHYT. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Nên chăng chúng ta phải linh hoạt, coi thẻ BHYT như thẻ ATM, có thể dùng khám chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện nào trong cả nước”. Các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Trần Đông A (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Hiện nay, do chênh lệch mức sống và nhiều yếu tố khách quan khác dẫn đến chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh giữa nông thôn và thành thị là rất lớn. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Luật nên xem xét lại vấn đề này.
* Chiều 21-10, Quốc hội làm việc các tại tổ thảo luận về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), tập trung vào các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: đối tượng chịu thuế, mức thuế suất đối với các mặt hàng ô tô, rượu, bia, thuốc; thẩm quyền điều chỉnh thuế suất; việc miễn giảm thuế...
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất lên tới 20% đối với loại rượu từ 20 độ đến 40 độ là đột ngột, nên có lộ trình để không gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh một số nước láng giềng đều có mức thuế thấp hơn 50% sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu rượu, nếu không quản lý chặt sẽ dẫn đến thất thu thuế ở mặt hàng này. Ngoài ra, việc tăng thuế đối với loại rượu từ 20 độ đến 40 độ sẽ dẫn đến thất thu thuế đối với loại rượu do người dân nấu, thậm chí sẽ dẫn đến tâm lý muốn trốn thuế, khuyến khích người dân uống rượu không sạch bởi việc kiểm soát rượu nấu tại nhà dân là rất khó khăn... Đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) và nhiều đại biểu khác đề nghị không nên phân biệt giữa rượu thuốc và rượu thông thường để đánh thuế mà nên đánh thuế theo độ cồn đối với mặt hàng rượu thuốc và rượu hoa quả với mức 20% là hợp lý.
Các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến vào việc điều chỉnh mức thuế suất đối với mặt hàng bia bao gồm bia hơi, bia lon, bia chai; một số đại biểu đề nghị nên đưa mặt hàng bia hơi ra khỏi đối tượng chịu thuế, coi đây là loại nước giải khát có ga, phục vụ nhu cầu bình dân...
Đa số đại biểu Quốc hội khi góp ý vào Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cho rằng khi đời sống người dân đang ngày được nâng lên thì điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng xa xỉ, xa lạ mà đã trở nên cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày. Việc quy định điều hòa nhiệt độ là đối tượng chịu thuế trong điều kiện hiện nay là không còn phù hợp. Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng) và nhiều đại biểu khác thẳng thắn yêu cầu “loại” mặt hàng điều hòa nhiệt độ ra khỏi danh sách các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân nâng cao điều kiện sống, đảm bảo công bằng, hợp lý trong xác định đối tượng chịu thuế.
Một số đại biểu cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật thì số lượng mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn ít, có loại không nên đánh thuế như mặt hàng điều hòa nhiệt độ thì được đưa vào điều chỉnh; có loại dịch vụ cao cấp, xa xỉ như chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ... thì bị bỏ sót. Đại biểu Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) đề nghị bổ sung vào đối tượng chịu thuế loại hình dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ, dịch vụ làm đẹp, mỹ phẩm cao cấp với lý do đây là những mặt hàng phục vụ những người có thu nhập cao. Việc bổ sung các loại hình dịch vụ này vào Luật cũng góp phần tạo ra sự bình đẳng đối với các loại hình dịch vụ khác...
* Tối 20 và 21-10, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 9, nhằm thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các hiệp định, hiệp ước về biên giới trên bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Campuchia; dự thảo báo cáo hoạt động đối ngoại năm 2008 và phương hướng năm 2009 của Quốc hội; dự thảo báo cáo hoạt động năm 2008 và phương hướng hoạt động năm 2009 của Ủy ban Đối ngoại; dự thảo báo cáo thẩm tra chính thức dự án Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; dự thảo báo cáo thẩm tra báo cáo tình hình công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2008 và phương hướng hoạt động năm 2009.
NHÓM PV TTXVN