26/12/2010 - 21:04

Vụ lúa Đông Xuân 2010-2011

Cần chủ động ứng phó dịch bệnh

Đến nay, nông dân tại các địa phương ở TP Cần Thơ đã cơ bản xuống giống dứt điểm 88.000ha lúa đông xuân 2010-2011. Hiện có hơn 9.526ha lúa bị thiệt hại do bị ngập nước, phải gieo sạ lại hoàn toàn hoặc phải sạ giặm và cấy giặm. Theo các ngành chức năng, thời tiết còn diễn biến phức tạp và sẽ xảy ra hạn vào cuối vụ đông xuân. Ngoài ra, các loại sâu bệnh và dịch hại như: sâu cuốn lá, chuột, ốc bươu vàng… đang tấn công nhiều ruộng lúa và có nguy cơ bộc phát thành dịch nếu không xử lý kịp thời...

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 44.400ha lúa ở giai đoạn đẻ nhánh, 2.700ha lúa ở giai đoạn làm đòng và một số diện tích lúa trổ. Ngành nông nghiệp khuyến cáo, bà con nông dân cần tổ chức thăm đồng thường xuyên để phòng, trị kịp thời các loại sâu bệnh, dịch hại lúa, cũng như giảm thiệt hại trước những tác động xấu của thời tiết. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa, đẩy mạnh áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”...

Thời gian qua, nhiều diện tích lúa đông xuân 2010-2011 bị thiệt hại, phải giặm và gieo sạ lại, không chỉ do ảnh hưởng của thời tiết, mà có phần do sự chủ quan của nhiều nông dân. Ngay từ rất sớm, khi mới bước vào mùa vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đã đưa ra lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2010-2011 chia thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 27-11 đến 2-12-2010 (22 đến 27-10 âm lịch) và đợt 2: 27-12 đến 2-1-2011 (22 đến 27-11 âm lịch). Song, giá lúa ở mức cao, nhiều bà con đã nôn nóng xuống giống lúa trước thời gian khuyến cáo của ngành nông nghiệp thành phố. Nước lũ rút chậm, cộng với mưa nhiều nên nông dân không kịp trở tay, nhiều diện tích lúa xuống giống sớm đã bị thiệt hại. Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tổng diện tích bị thiệt hại do nước ngập là hơn 9.526ha. Trong đó, thiệt hại trên 70% hơn 5.219ha và 4.300ha thiệt hại từ 30-70%. Huyện Thới Lai hơn 1.400 ha bị thiệt hại trên 70%; huyện Cờ Đỏ 497ha bị thiệt hại trên 70% và hơn 1.250ha bị thiệt hại từ 30-70%; quận Ô Môn 1.190ha bị thiệt hại 30-70%...

 Nông dân xã Thới An Đông, quận Ô Môn dùng tấm nhựa cao su bao quanh ruộng lúa để ngăn chuột vào cắn phá.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tính đến ngày 20-12-2010, tổng diện tích lúa đông xuân trên địa bàn thành phố bị nhiễm các loài dịch hại là 1.492ha, giảm 182ha so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là diện tích nhiễm rầy nâu giảm). Còn diện tích bị ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn đều tăng. Hiện chuột đã tấn công hơn 760ha lúa dọc theo bờ vườn, bờ ruộng, bờ lộ và các khu vực đồng gò cao thuộc các huyện Cờ Đỏ, quận Ô Môn, Thốt Nốt. Từ đầu vụ đến nay, chuột gây hại có chiều hướng gia tăng về diện tích. Trong khi đó, hiện có 198ha lúa bị ốc bươu vàng tấn công, với mật độ 2-5 con/m2, tăng 72 ha so với cùng kỳ năm trước; hơn 260ha lúa nhiễm sâu cuốn lá (tỷ lệ nhiễm 5-10 con/m2), tăng 173 ha so với năm trước; 198 lượt ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng 67ha so với 2009, với tỷ lệ bệnh phổ biến 5-10%.

TIẾN SĨ HỒ VĂN CHIẾN, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM BẢO VỆ THỰC VẬT PHÍA NAM:
TĂNG CƯỜNG THĂM ĐỒNG ĐỂ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH

(CT)- Ngày 23-12, Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam, cho biết: “Tình hình dịch hại trên lúa đông xuân 2010- 2011 ở vùng ĐBSCL đang có chiều hướng giảm so với đầu vụ, nhưng nông dân và các địa phương không được chủ quan mà phải thường xuyên thăm đồng, phòng trị kịp thời dịch bệnh trên lúa. Cần tuân thủ lịch gieo sạ để tập trung né rầy đồng loạt. Năm nay, mực nước lũ thấp, nên lượng phù sa không nhiều, phải làm đất kỹ và bón kali, lân ngay đầu vụ, nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng lúa đông xuân”. Theo Tiến sĩ Chiến, dù dịch bệnh không diễn biến phức tạp, nhưng đầu vụ do nông dân sạ dày, bón phân nhiều lần nên bệnh đạo ôn xuất hiện sớm trên trà lúa 17- 20 ngày tuổi. Hiện diện tích nhiễm đạo ôn toàn vùng khoảng 18.000ha; diện tích nhiễm rầy nâu khoảng 20.000ha, nhưng tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá còn tiềm ẩn cao, nếu không kiểm soát kịp thời sẽ bùng phát thành dịch. Do vậy, ngoài việc thăm đồng thường xuyên, nông dân cần tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp và có biện pháp canh tác hợp lý, tăng cường áp dụng “3 giảm, 3 tăng”…

Tính đến hiện tại, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ gần 1 triệu ha lúa đông xuân 2010- 2011, chậm hơn vụ đông xuân trước khoảng 300.000ha. Diện tích còn lại theo kế hoạch khoảng 700.000ha, nên nông dân cần làm đất kỹ trước khi gieo sạ, kết hợp với chọn giống canh tác, không chủ quan.

T.H

Ngày 21-12-2010, tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT thành phố cùng các sở, ngành và quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, để vụ sản xuất lúa đông xuân đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp và các địa phương cần nhanh chóng triển khai việc hỗ trợ tiền cây giống, giống lúa cho bà con nông dân có diện tích lúa và cây trồng bị thiệt hại. Đồng thời, tập trung hướng dẫn nông dân gieo sạ và cấy giặm lại các diện tích lúa thiệt hại để đảm bảo năng suất và sản lượng. Cùng với nông dân, cần tăng cường thăm đồng để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh, dịch hại lúa và có biện pháp phòng trị đạt hiệu quả cao nhất. Cần phải có kế hoạch cụ thể đối phó với các loại sâu bệnh, dịch hại ở thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2011 và chủ động thực hiện các biện pháp nhằm chống hạn cho lúa nếu khi xảy ra hạn vào cuối vụ. Ngoài ra, các sở, ngành chức năng của thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt giá cả và chất lượng của các loại vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, thời tiết đang có diễn biến phức tạp và đang có nhiều yếu tố thuận lợi cho các loại sâu bệnh và dịch hại lúa phát triển, có nguy cơ bộc phát nhanh thành dịch. Hiện nay, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá giảm so với năm trước, nhưng bà con nông dân không được chủ quan, phải thăm đồng thường xuyên và theo dõi sát sự phát triển của cây lúa. Nguy cơ tái phát dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá còn rất cao, hiện có 15% tỷ lệ rầy nâu ở ĐBSCL có mang vi rút bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Chính quyền địa phương và nông dân cần tổ chức ra quân duyệt chuột, ốc bươu vàng đồng loạt, chú ý áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tránh sử dụng các loại thuốc cấm.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết