31/05/2010 - 20:55

HỌC TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH VÀO LỚP 1

Cần biết cách rèn dạy đúng

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều trong giờ học.

Nhiều phụ huynh cho rằng chương trình sách giáo khoa mới hiện nay khá nặng, nhất là chương trình lớp 1. Vì vậy, nếu không cho học sinh học trước, sợ các em sẽ khó bắt kịp chương trình, học không tốt khi bước vào học chính thức. Và giải pháp mà nhiều phụ huynh chọn là cho trẻ học trước chương trình lớp 1 ngay khi còn học mẫu giáo. Chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 nhìn chung là tốt, nhưng theo các nhà quản lý giáo dục thì cần phải biết cách rèn dạy đúng…

Trước khi vào học lớp 1, Lương Quốc A., nhà ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, đã có thể đọc chữ vanh vách, làm những bài toán đơn giản, vì ngay khi còn học mẫu giáo gia đình đã cho cháu học chữ trước. Vì vậy, khi vào lớp 1, cháu không khó khăn gì trong cách cầm viết, cầm phấn và ráp vần so với các bạn khác. Tương tự như Quốc A., cháu Nguyễn Văn L., nhà ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cũng khá dễ dàng khi vào học lớp 1. Bởi vì, em có tới 3 năm học tại một trường mầm non nổi tiếng “dạy chữ giỏi” của quận. Học hết mẫu giáo 5 tuổi, L. cũng đọc giỏi và học rất tốt khi mới vào lớp 1. Cô Nguyễn Thị Xuân Mai, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Phú 1, quận Cái Răng, cho biết: “Lớp tôi dạy chỉ có 2 học sinh được học chữ, ráp vần trước khi vào lớp 1. Tuy hai em chưa thể đọc vanh vách nhưng so với các bạn, các em tiếp thu bài nhanh hơn, học tốt hơn”.

Ngược lại, Nguyễn Thị Yến N., nhà ở ấp Nhơn Thọ 1, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, bước vào lớp 1 như “một tờ giấy trắng”. Vì cha mẹ em bận mua bán, không nghĩ đến việc cho N. học trước. Khi vào lớp 1, tất cả mọi việc, N. đều phải học từ đầu. Trong khi, một số bạn đã có thể viết được chữ cái, ráp vần... thì N. phải học cách cầm phấn, cầm viết, học chữ cái, tập đếm... Mặc dù, giáo viên rất tích cực trong việc cầm tay giúp N. tập viết nhưng N. vẫn rất khó khăn để theo kịp các bạn. Kết thúc năm học, N. chỉ vừa đạt điểm để lên lớp. Lúc ấy, mẹ của N. mới chạy đôn, chạy đáo để tìm thầy cho con học ôn chương trình lớp 1 trong hè để cháu vững vàng hơn khi vào học lớp 2. Chị Trần Thị Phượng- mẹ cháu N., nói: “Mới vô, giáo viên đã hỏi các cháu biết đọc, biết viết chưa. Mấy bạn cháu học trước nên đọc rành rọt từng chữ cái. Cháu về than không học bằng các bạn nên nản, cầm viết chưa quen nên cháu than mỏi tay, cứ đòi nghỉ học. Nếu biết cháu vất vả mà vẫn không theo kịp bạn bè, tôi đã cho cháu học trước để vào lớp 1 học hành dễ hơn”.

Ở lứa tuổi mầm non, các em chỉ tập trung chơi đùa nên khi bước vào lớp 1 phải tiếp nhận một lượng kiến thức khá lớn, như: học vần, ráp vần, tập đọc, tập viết, làm toán... nhiều em không theo kịp. Vì vậy, tìm hiểu trước chương trình lớp 1 để vững vàng hơn khi vào học cũng là một lợi thế, giúp trẻ tự tin hơn. Tuy nhiên, không phải cách học trước nào cũng có lợi. Chẳng hạn, như trường hợp của cháu Quốc A.. Chị Nguyễn Thị Hải, mẹ cháu Quốc A., kể: “Học kì 1 cháu học rất tốt, tự nhiên qua học kì 2 cháu học xuống thấy rõ. Những bài toán hơi lắt léo một chút là cháu làm không được. Viết chính tả thì nhiều từ sai một cách ngớ ngẩn. Những ngày gần thi học kỳ 2, vợ chồng tôi phải thiết lập “kỷ luật sắt”, phân công kèm cặp cháu mỗi ngày để cháu không bị hụt hẫng kiến thức”. Còn trường hợp cháu L., càng học càng đuối và không thể vươn lên loại giỏi dù thường xuyên được mẹ cho học thêm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, cán bộ phụ trách Tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ô Môn, cho biết: “Chương trình Tiểu học được xây dựng bắt đầu từ những chữ cái, nên học sinh theo học bình thường cũng có thể tiếp thu được nếu có sự quan tâm của giáo viên và gia đình, không cần phải học trước”. Còn cô Lưu Thị Thu Ngọc, giáo viên Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, dạy lớp 1 đã 20 năm, cho biết: “Mỗi năm, lớp tôi dạy có khoảng 20% học sinh học trước chương trình lớp 1. Các cháu này tiếp thu tốt ngay sau khi vào học nhưng sau đó, các bạn khác theo kịp thì một số cháu đâm ra chán nản, học hành giảm sút”. Kết thúc năm học 2009-2010, số học sinh lãnh thưởng ở lớp cô Ngọc không có những em đã học trước chương trình. Lý giải cho nguyên nhân những học sinh này học không được lãnh thưởng và học chững lại, cô Ngọc cho rằng do đã học trước nên khi vào học, cái gì các em cũng thấy mình biết hết nên không chú ý. Nhiều em cứ nghĩ mình biết đọc rồi nên không nhìn từng chữ trên bảng để viết mà đọc cả câu rồi viết lại nên thường xuyên sai chính tả. Ngoài ra, những học sinh này còn thường làm sai những bài toán hơi lắt léo do không chú ý nghe giáo viên giảng bài.

Ông Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi chủ trương không cho phép dạy trước chương trình lớp 1, vì khi các em đã được học trước sẽ ỷ lại khi vào học thật sự mà không chú ý nghe giáo viên giảng bài. Do đó, khi các bạn khác đuổi kịp thì các em lại đâm ra chán nản. Mặt khác, lứa tuổi mầm non là lứa tuổi để các em vui chơi. Bắt các em học sớm là tạo nên một áp lực học tập, không tốt lắm cho sự phát triển thể chất, trí tuệ ở độ tuổi này”. Tuy nhiên, qui mô lớp học ở các trường tiểu học hiện nay khá đông nên nếu tất cả 30/ 30 học sinh vào lớp 1 đều chưa có khái niệm về việc đọc, viết thì sẽ rất vất vả cho giáo viên. Một mình giáo viên khó có thể cầm tay, hướng dẫn cách viết bảng, viết tập cho tất cả các em trong lớp trong khi thời lượng chương trình qui định lại khá nặng và chặt chẽ. Theo cô Ngọc phụ huynh chỉ nên tập các cháu cách cầm phấn viết bảng, cầm viết cho quen tay, làm quen với chữ cái qua những bộ đồ chơi của lứa tuổi mẫu giáo...

Chuẩn bị tâm thế tốt cho các cháu trước khi vào lớp 1 để các cháu tự tin hơn mà không rơi vào trường hợp lơ là, ỷ lại là điều rất cần thiết. Điều này còn có lợi hơn khi các em không phải chúi mũi vào việc học quá sớm, rút ngắn thời gian vui chơi của mình để sau này áp lực từ việc học sẽ làm các em chán nản, hậu quả sẽ nặng nề hơn!

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết