09/02/2009 - 08:10

Cải tiến cơ chế, chính sách,tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh

* Chuẩn bị đưa vào khai thác nhiều dự án tăng năng lực sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu

Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Công Thương đang tập trung thực hiện đó là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thông thoáng.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, hình thành các sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới có sức cạnh tranh; đặc biệt chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu gia tăng sản xuất và sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, điều chỉnh và xây dựng mới cho giai đoạn tiếp theo các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại cũng như tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch và đề án được phê duyệt.

Bộ cũng yêu cầu các Tập đoàn và Tổng công ty tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh, hướng vào các ngành nghề kinh doanh chính để đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức mạnh. Đồng thời thực hiện tái cơ cấu về tổ chức, loại hình kinh doanh và địa vị pháp lý, về cơ chế, quy trình và cách thức quản lý nội bộ... theo đúng nguyên tắc và thông lệ quản lý của những doanh nghiệp có quy mô lớn.

Cùng với việc sớm xây dựng đề án Cơ chế cảnh báo sớm các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch và thị trường xuất khẩu lớn nhằm hạn chế rủi ro bị áp dụng các biện pháp đối kháng hoặc bị khiếu kiện đa phương ở các thị trường này, Bộ cũng nâng cao vai trò và trách nhiệm của hệ thống các Thương vụ ở nước ngoài trong hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư.

Song song với các hoạt động tăng cường quản lý nhà nước trên, Bộ Công Thương còn chú trọng kiểm tra, thanh tra an toàn công nghiệp, an toàn lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất...

* Với tổng nguồn vốn đầu tư năm nay khoảng 153.186 tỉ đồng, tăng 12,3% so với năm 2008, Bộ Công Thương đang tập trung giải quyết để tăng năng lực sản xuất và ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu một số ngành hàng. Đó là các dự án năng lượng, nhà máy lọc dầu Dung Quất, khai thác than, sản xuất phôi thép, thép tấm, sản xuất phân bón, bột giấy, các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, phụ tùng cho ngành...

Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các công trình điện đảm bảo tiến độ các dự án có vai trò rất lớn trong mùa khô năm 2009 ở khu vực miền Bắc như đuôi hơi Nhơn Trạch 1, nhiệt điện Sơn Động, Cẩm Phả và các dự án điện độc lập (IPP). Bên cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị ra sản phẩm đầu tiên vào ngày 21-2, các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực phát triển dịch vụ dầu khí như dự án đóng tàu vận tải dầu thô, đóng tàu chứa/xuất dầu, mua tàu khảo sát địa chấn, dự án đóng giàn khoan... đang được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đôn đốc triển khai.

Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam đang tích cực giải quyết một số hạng mục của dự án Nhà máy phân bón DAP tại Đình Vũ (Hải Phòng) để đưa nhà máy vào hoạt động đầu năm nay; đồng thời triển khai các dự án tăng thêm năng lực và sản phẩm mới như dự án NPK của Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Phân bón miền Nam; mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc lên 500.000 tấn/năm; dự án nâng công suất Nhà máy xút Biên Hòa lên 30.000 tấn/năm...

Các dự án đầu tư Nhà máy kéo sợi 5 vạn cọc và nhà máy may dệt kim Đông Xuân của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng đang được triển khai đúng tiến độ. Tổng Công ty Thiết bị Điện Việt Nam tiếp tục triển khai 6 dự án để đảm bảo kế hoạch sản xuất trong những năm tới.

Hiện Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam đang tập trung lắp đặt toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất dự án xi măng Thái Nguyên công suất 1,51 triệu tấn/năm, phấn đấu đưa vào vận hành khai thác quý 3 năm nay. Riêng dự án đầu tư thiết bị tách phân đoạn dầu cọ của Công ty Dầu thực vật-Hương liệu-Mỹ phẩm Việt Nam với mức đầu tư 115,8 tỉ đồng dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào sản xuất.

MAI PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết