19/04/2021 - 08:16

Cải thiện thu nhập với nghề đan giỏ nhựa 

Với ưu điểm tiện lợi, độ bền lâu, giỏ nhựa đang chiếm thị phần khá lớn trên thị trường. Từ đó, nghề đan giỏ nhựa ngày càng khởi sắc, được rất nhiều người lựa chọn để mưu sinh. Hơn 10 năm khởi nghiệp xây dựng mô hình đan giỏ nhựa, anh Huỳnh Hồng Trác, chủ cơ sở dạy nghề và đan giỏ nhựa khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt đã giúp cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương có việc làm ổn định.

Cơ sở đan giỏ nhựa của anh Huỳnh Hồng Trác, chủ cơ sở dạy nghề và đan giỏ nhựa khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.  

Anh Hồng Trác chia sẻ cơ duyên đến với nghề: “Trước đây, tôi từng tốt nghiệp ngành xây dựng. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng thị trường đối với mặt hàng giỏ nhựa khá cao, nhất là ở những vùng trồng trái cây, cần chuyên chở nông sản, nên tôi đã mạnh dạn mở cơ sở tại nhà, tự sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Hồng Trác làm với quy mô nhỏ, chỉ có 5-7 thợ gia công. Ðể tìm kiếm khách hàng, anh Hồng Trác không quản ngại đường xa, đi chào hàng ở các chợ đầu mối khắp các tỉnh ÐBSCL. Theo anh Hồng Trác, chất lượng cũng như mẫu mã, giá cả là những yếu tố chinh phục được các khách hàng khó tính. Ðể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, anh tự nghiên cứu, sáng chế ra máy móc và thiết kế kiểu dáng mẫu mã. Anh Hồng Trác kể, dù chưa từng học chuyên về điện, cơ khí, nhưng qua quá trình mày mò, anh Trác đã lên ý tưởng thiết kế ra máy căng dây chạy bằng điện, chuyên phục vụ việc đan đế giỏ. Thông thường, người thợ làm giỏ phải tốn rất nhiều thời gian để đan hoàn chỉnh đế giỏ. Từ khi thiết kế máy hỗ trợ làm đế giỏ đã giúp cho cơ sở của anh Hồng Trác tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, nguyên vật liệu dây nhựa. Anh Trác nhẩm tính: “Mỗi ngày, nếu không có đế sẵn, người thợ lành nghề chỉ có thể làm 6 cái giỏ. Trong khi sử dụng máy làm đế giỏ, sản phẩm sẽ tăng gấp đôi. Mặt khác, sản phẩm lại đẹp mắt hơn khi dây đế giỏ được đan chặt hơn, ít hao hụt dây nhựa hơn. Máy này được tôi sáng chế và thử nghiệm qua rất nhiều lần mới thành công”.

Bên cạnh đó, cơ sở đan giỏ nhựa của anh Hồng Trác có rất nhiều mẫu túi đa dạng. Cùng với mẫu giỏ nhựa thông dụng trên thị trường, anh còn nghĩ ra việc làm giỏ nhựa ốp bánh xe. Anh Trác bộc bạch: “Trước đây, thấy những chiếc giỏ nhựa chuyên chở nông sản thường hay bị sờn, rách góc. Tôi đã sáng chế lắp thêm vỏ bánh xe bên ngoài giỏ. Chính vì thế, giỏ rất bền, có thể sử dụng 2-3 năm trở lên. Thiết kế này được cơ sở của tôi làm 4 năm nay. Ðể làm giỏ nhựa ốp bánh xe khá vất vả, phải qua nhiều công đoạn, như: cắt, rửa, đục lỗ, kết bằng dây…”. Hiện nay, anh lại có ý tưởng mới đó chính là may mút xốp vào bên trong lòng giỏ để phục vụ việc chuyên chở trái cây, hạn chế việc va đập. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh Hồng Trác cung ứng ra thị trường từ 5.000-7.000 giỏ lớn và 1.000-2.000 giỏ loại nhỏ. Giá bán các loại giỏ phụ thuộc theo kích thước khác nhau; cụ thể với size 20 thông dụng có giá 85.000 đồng/cái, giỏ ốp bánh xe size 20 có giá 180.000 đồng/cái;…

Không chỉ làm giàu cho mình, cơ sở đan giỏ nhựa của anh Hồng Trác còn đào tạo nghề và tạo việc làm cho hơn 80 lao động trong và ngoài địa phương. Theo anh Hồng Trác, làm nghề đan giỏ nhựa khá đơn giản, chỉ cần chịu khó, khéo tay, sau 2-3 ngày học nghề đã có thể làm được. Một người thạo việc, bình quân mỗi ngày có thể đan được 5-6 cái giỏ, thu nhập từ 150.000-200.000 đồng. Ðược anh Hồng Trác dạy nghề và tạo việc làm, nhiều hộ đã cải thiện cuộc sống gia đình. Chị Trần Ngọc Phượng, khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, chia sẻ: “Hiện nay, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, sau thời gian lo cơm nước cho gia đình, mỗi ngày, tôi đan được 5-6 cái giỏ. Từ đó, giúp tôi có thu nhập ổn định khoảng 200.000 đồng/ngày”.

Không riêng chị Phượng, anh Trác đang hỗ trợ cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn phường Thới Thuận. Chị Lưu Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Thuận, cho biết: “Trong năm 2020, Hội LHPN phường vừa tổ chức ra mắt tổ liên kết “Ðan giỏ nhựa”, liên kết với cơ sở của anh Trác, giới thiệu cho chị em hội viên đến học nghề và nhận gia công sản phẩm để có thêm nguồn thu nhập”.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN    

Chia sẻ bài viết