Các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số (CĐS). Trong đó, tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao tỷ lệ, chất lượng cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Công chức phụ trách Bộ phận Một cửa, phụ trách công nghệ thông tin và kiểm soát TTHC được tập huấn hướng dẫn thực hiện DVC không giấy tờ và khai thác tái sử dụng dữ liệu trên Cổng DVC thành phố, do Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ tổ chức.
Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện DVC không giấy tờ và khai thác tái sử dụng dữ liệu trên Cổng DVC thành phố. Các công chức phụ trách Bộ phận Một cửa, phụ trách công nghệ thông tin và kiểm soát TTHC của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện và cấp xã, tham dự hội nghị tập huấn. Theo đó, công chức được tập huấn về cách thực hiện DVC không giấy tờ; hướng dẫn theo dõi Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, DVC theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Báo cáo viên còn hướng dẫn các công chức thực hiện tái sử dụng các kết quả giải quyết TTHC trên Cổng DVC thành phố; giới thiệu một số lợi ích khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, khai thác tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC; giới thiệu kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân trên Cổng DVC thành phố.
Trước đó, từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9-2024, Văn phòng UBND TP Cần Thơ phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ tổ chức tập huấn thực hiện khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trong tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa cho lãnh đạo các phòng chuyên môn, công chức phụ trách công tác TTHC của 6 Sở: Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Theo bà Lê Xuân Hoa, Phó chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, UBND thành phố đã ban hành danh mục DVC không sử dụng hồ sơ giấy với tổng số 77 TTHC, trong đó có 64 TTHC cấp thành phố, 8 TTHC cấp huyện và 5 TTHC cấp xã. Việc tập huấn giúp công chức cập nhật kiến thức, kỹ thuật trong thực hiện các nhiệm vụ số hóa dữ liệu, kết quả giải quyết TTHC. Thực tế cho thấy, trước khi tập huấn, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của một số đơn vị đạt rất thấp, có đơn vị 0%, nhưng sau khi tập huấn kết quả đã tăng lên 20%. Tỷ lệ này tăng lên đồng nghĩa với việc người dân sẽ giảm bớt giấy tờ, thời gian khai thông tin nhiều lần khi thực hiện TTHC bởi dữ liệu đã có trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố.
Các đơn vị, địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp mới, hiệu quả, thiết thực, gắn cải cách TTHC với CĐS, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện hồ sơ. Điển hình, UBND quận Ninh Kiều tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện TTHC, DVC từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, phối hợp xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dùng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để làm giàu kho dữ liệu để người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Trong năm 2024, quận phấn đấu tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC đối với 53 DVC thiết yếu và các lĩnh vực: cư trú, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cấp căn cước công dân… Tại quận Ô Môn, các ban, ngành, địa phương triển khai nhiều mô hình thúc đẩy cải cách TTHC gắn với CĐS. Tiêu biểu như tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến tại địa bàn dân cư; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về công tác cải cách hành chính và thực hành nộp hồ sơ DVC trực tuyến, mô hình “Ngày không hẹn, nộp hồ sơ trực tuyến và trả kết quả trước hạn 100%”.
Một số giải pháp được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả, thiết thực trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách TTHC gắn với CĐS, như: hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS cơ bản được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều chỉ tiêu về cải cách TTHC của thành phố đạt và vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Cụ thể, tính đến tháng 9-2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 64,2% (vượt 14,2% mục tiêu Chính phủ giao); tỷ lệ thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 60,81% (vượt 15,81% mục tiêu Chính phủ giao); mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp đạt 97,24% (vượt 7,24% mục tiêu Chính phủ). Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra, như: tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 69,8% (chỉ tiêu là 80%); tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 79,3% (chỉ tiêu là 100%); tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 9,48% (chỉ tiêu là tối thiểu 50%).
Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, đánh giá cấu trúc lại quy trình đối với các DVC trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia, bảo đảm nguyên tắc người dùng là trung tâm. Đồng thời, thúc đẩy triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tấm nhìn đến năm 2030, nhất là việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện DVC trực tuyến, DVC trực tuyến liên thông.
Bài, ảnh: TÚ ANH