05/09/2010 - 20:09

Cách tạo bộ lọc trong Google Analytics

Google Analytics là một công cụ cho biết cách mọi người tìm thấy trang web của bạn, cách họ khám phá trang web và là cách bạn có thể nâng cao trải nghiệm với khách truy cập. Với thông tin này, bạn có thể cải thiện lợi tức đầu tư của trang web, tăng hiệu suất kinh doanh và kiếm thêm thu nhập từ trang web. Tuy nhiên, các báo cáo từ Google Analytics là đa dạng và mang tính tổng quát. Để tách dữ liệu cần xem thì bộ lọc (Filter) cần phải được thiết lập.

Có 2 cách tạo bộ lọc, đó là bộ lọc định sẵn (Predefined filter) và bộ lọc tùy chỉnh (Custom filter). Sau đây là các bước thiết lập.

* Bộ lọc định sẵn:

- Vào Analytics Settings trong trang Google Analytics (http://www.google.com/analytics/index.html), đăng nhập bằng tài khoản Gmail, nếu chưa có thì tạo tài khoản.

- Mở Filter Manager (ở góc dưới bên phải trang web).

- Click vào nút Add Filter. Một trang mới xuất hiện. Mặc định của trang này là bộ lọc định sẵn với các ô bạn cần điền thông tin vào, gồm tên và kiểu bộ lọc. Trong phần kiểu bộ lọc, có ba loại định sẵn bạn cần chọn như sau:

+ Traffic from the domains: Loại trừ tất cả các nhấp chuột khỏi một tên miền (tên máy chủ lưu trữ) cụ thể.

+ Traffic from the IP addresses: Loại trừ tất cả các nhấp chuột từ địa chỉ IP nhất định. Bạn có thể nhập một địa chỉ IP duy nhất hoặc một dải địa chỉ.

+ Traffic to the subdirectories: Sử dụng bộ lọc này nếu bạn muốn một cấu hình báo cáo về một thư mục phụ cụ thể.

- Phần “Apply Filter to Website Profiles” là nơi bạn cung cấp trang web để bộ lọc được áp dụng. Chọn trang web trong hộp “Available Website Profiles” và bấm nút “Add” để thêm vào hộp “Selected Website Profiles”.

- Sau khi điền thông tin và chọn kiểu bộ lọc, bạn bấm nút “Save changes” để lưu lại cấu hình.

* Bộ lọc tùy chỉnh:

Bộ lọc này giúp bạn lập báo cáo dễ dàng hơn vì bạn có thể yêu cầu Analytics lọc dữ liệu theo nhu cầu.

- Vào Analytics Settings

- Mở Filter Manager.

- Click vào nút Add Filter.

- Dưới phần điền tên bộ lọc, bạn chọn Custom filter.

- Sau đó bạn chọn các tùy chỉnh như sau:

+ Dạng loại trừ (Exclude): Bộ lọc này loại trừ các dòng của tập nhật ký (các hiển thị) phù hợp với dạng bộ lọc. Các dòng phù hợp được bỏ qua toàn bộ; ví dụ: bộ lọc loại trừ Netscape cũng sẽ loại trừ tất cả thông tin khác trong dòng nhật ký đó, chẳng hạn như khách truy cập, đường dẫn, giới thiệu và thông tin tên miền.

+ Dạng bao gồm (Include): Loại bộ lọc này bao gồm các dòng của tập nhật ký (các hiển thị) phù hợp với dạng bộ lọc. Tất cả các hiển thị không phù hợp sẽ bị bỏ qua và bất kỳ dữ liệu nào về các hiển thị không phù hợp cũng sẽ không có sẵn cho các báo cáo.

+ Chữ hoa/Chữ thường (Uppercase/Lowercase): Chuyển đổi nội dung của trường thành toàn bộ chữ hoa hoặc toàn bộ chữ thường. Những bộ lọc này chỉ ảnh hưởng đến chữ cái, không ảnh hưởng đến các ký hiệu hoặc chữ số.

+ Tìm kiếm và thay thế (Search and Replace): Đây là một bộ lọc đơn giản có thể được sử dụng để tìm kiếm mẫu bên trong một trường và thay thế mẫu tìm được bằng một dạng thay thế.

+ Nâng cao (Advanced): Bộ lọc này cho phép bạn tạo một trường từ một hoặc hai trường khác.

- Cung cấp trang web để áp dụng cho bộ lọc trong phần “Apply Filter to Website Profiles”.

- Bấm nút “Save changes” để lưu lại cấu hình.

* Xem báo cáo:

Khi cần xem báo cáo, bạn đăng nhập Google Analytics cùng tài khoản dùng tạo bộ lọc, sau đó bấm nút “View Reports” để xem.

Hoàng Đạt

Chia sẻ bài viết