02/04/2008 - 09:24

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước phải là lực lượng nòng cốt kiềm chế lạm phát

* Kiên quyết xử lý tham nhũng một cách nghiêm minh, đảm bảo không để oan sai

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước về kiềm chế lạm phát ngày 1-4 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước là những đơn vị chủ lực của kinh tế nhà nước (trên 300 nghìn doanh nghiệp) chiếm 40% GDP, vốn tín dụng chiếm 60% và vay nợ chiếm 70% GDP; do vậy các đơn vị này phải là lực lượng nòng cốt tham gia cùng với đất nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng. Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng và Trương Vĩnh Trọng, cùng với lãnh đạo các Bộ ngành chức năng; Chủ tịch, Tổng Giám đốc các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước.

Sau khi phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra tình trạng lạm phát cao như hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước cần triển khai thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm bám sát ngành nghề, lĩnh vực chính của mình để rà soát lại các danh mục đầu tư theo hướng loại bỏ các dự án chưa đủ thủ tục và các dự án kém hiệu quả, đồng thời tập trung vốn cho các dự án hoàn thành để sớm đi vào hoạt động...Các đơn vị không được đầu tư quá 30% ra các lĩnh vực không thuộc ngành nghề chính và cơ cấu lại chiến lược đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong đầu tư kinh doanh nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Trước mắt, Thủ tướng đề nghị các đơn vị triển khai ngay việc rà soát lại chi phí sản xuất, thực hiện mọi biện pháp để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp. Chú trọng các biện pháp đổi mới công nghệ sử dụng ít nhiên liệu năng lượng, giảm tiêu hao nguyên liệu, tiết kiệm chi phí quản lý... Tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là những mặt hàng lớn có giá trị gia tăng cao và bảo đảm nguồn cung ứng cho thị trường. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện cắt giảm 10% chi tiêu hành chính đối với các cơ quan sử dụng ngân sách, nhất là việc sử dụng điện và xăng dầu.

Đối với các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, xi măng, điện, thuốc chữa bệnh, giá vé tàu hỏa, hàng không, xe buýt, nước sạch, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, học phí và viện phí... Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến tháng 6-2008 không được tăng giá và có trách nhiệm cùng với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc giữ ổn định giá cả. Theo đó, các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước và các hiệp hội cùng phối hợp để triển khai các giải pháp nhằm bình ổn giá như: Tổ chức tốt mạng lưới phân phối sản phẩm hàng hóa, hợp lý hóa các khâu trong lưu thông, thực hiện nghiêm các qui chế niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết... Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tập trung quản lý giá chặt chẽ, đặc biệt là chống tình trạng đầu cơ buôn lậu nhằm bảo đảm cân đối và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã giải đáp một số kiến nghị của các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước về chính sách xuất nhập khẩu, quản lý vốn đầu tư, cổ phần hóa... và yêu cầu Tổng Công ty đường sắt Việt Nam không tăng giá vé tàu.

l Đánh giá tình hình công tác quý I-2008 tại cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 1-4-2008, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: Công tác đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm về tham nhũng tiếp tục có chuyển biến tích cực, số vụ khởi tố giảm nhưng số bị can tăng và đều là các vụ vi phạm từ trước, nay được phát hiện và xử lý. Các cơ quan tố tụng, Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt và chỉ đạo công tác điều tra, truy tố và xét xử thận trọng, bảo đảm khách quan, chính xác trên tinh thần công lý nghiêm minh. Các cơ quan tố tụng phải bảo đảm vai trò độc lập tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Về chương trình công tác quý II và cả năm 2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng các tỉnh, thành phố vừa kiện toàn và củng cố tổ chức; triển khai thực hiện công tác phải bám sát các yêu cầu của Trung ương, tập trung xử lý các vấn đề bức xúc của địa phương. Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy chế quản lý tài sản công, đấu thầu sử dụng đất; thu, chi ngân sách... Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan báo chí đã cung cấp nhiều thông tin và coi đây là một kênh góp phần phòng, chống tham nhũng. Thông tin, tuyên truyền chính xác, khách quan của các cơ quan ngôn luận sẽ góp phần tạo nên sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về đấu tranh phòng ngừa, xử lý, ngăn chặn tham nhũng.

THIỆN THUẬT – HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết