06/05/2024 - 14:21

Các quy định về an toàn, vệ sinh lao động

Hỏi: Các điều kiện để được hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ)?

Đáp: Theo quy định Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động (NLĐ), xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện: bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ) hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị TNLĐ…

Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ về an toàn, vệ sinh lao động?

Đáp: Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định NSDLĐ có quyền sau đây: yêu cầu NLĐ phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; khen thưởng NLĐ chấp hành tốt và kỷ luật NLĐ vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật; huy động NLĐ tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, TNLĐ.

Bên cạnh đó, NSDLĐ có nghĩa vụ: xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho NLĐ và những người có liên quan; đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; không được buộc NLĐ tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của NLĐ…

Hỏi: NSDLĐ không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động như sau: phạt tiền đối với NSDLĐ có hành vi không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận với tổ chức hoạt động huấn luyện không huấn luyện mà nhận kết quả huấn luyện hoặc sử dụng NLĐ không được cấp thẻ an toàn theo quy định của pháp luật làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trước khi bố trí làm công việc này theo một trong các mức sau đây: từ 5-10 triệu đồng đối với vi phạm từ 1-10 người; từ 10-20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11-50 người; từ 20-30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51-100 người; từ 30-40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101-300 người; từ 40-50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người trở lên.

Mức phạt quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

H.Y

Chia sẻ bài viết