30/01/2008 - 09:27

Các ngành đào tạo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ

Năm 2008, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ tuyển 1.400 sinh viên, học sinh. Trong đó, bậc cao đẳng tuyển 850 sinh viên cho 10 chuyên ngành; tuyển 550 học sinh trung cấp chuyên nghiệp hệ THCS và THPT. Ở bậc cao đẳng, trường mở thêm 2 ngành học mới là Công nghệ thực phẩm và Quản lý đất đai.

* Các ngành đào tạo bậc cao đẳng: thời gian đào tạo: 3 năm

1. Ngành Tài chính- Ngân hàng:

- Khối tuyển: Khối A (Toán – Lý - Hóa) và Khối D1 (Toán – Văn - Anh văn).

Ngành Tài chính - Ngân hàng có 2 chuyên ngành Tài chính Nhà nước và Thuế Nhà nước. Ngành này cung cấp cho sinh viên nghiệp vụ tài chính, kỹ năng thực hành thành thạo nghiệp vụ quản lý tài chính. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm công việc quản lý tài chính chủ yếu tại các đơn vị doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; các cơ quan thuộc khu vực quản lý nhà nước, cơ quan thuế...

2. Ngành Kế toán:

- Khối tuyển: Khối A và Khối D1.

Có 2 chuyên ngành: Kế toán doanh nghiệp và Kế toán tài chính Nhà nước. Đây là ngành đào tạo về nghiệp vụ kế toán, giúp người học nắm vững lý luận cơ bản và kỹ năng thực hành, tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm kế toán viên tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan thuộc khu vực quản lý Nhà nước...

3. Ngành Quản trị kinh doanh

- Khối tuyển: Khối A và Khối D1.

Học ngành này, sinh viên được trang bị các kiến thức về chức năng quá trình kinh doanh và quản trị ở các doanh nghiệp; có kỹ năng cơ bản để vận dụng trong kinh doanh nói chung và thực hành thành thạo một số công việc chuyên môn trong lĩnh vực thương mại, du lịch nói riêng. Sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc ở các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc tất cả các thành phần kinh tế.

4. Ngành Tin học ứng dụng:

- Khối tuyển: Khối A và Khối D1.

Học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành trong các lĩnh vực có liên quan đến tin học, như: mạng máy tính, cài đặt các phần mềm có hiệu quả, thiết kế website, sử dụng thành thạo Internet, có kỹ thuật lập trình ứng dụng máy tính vào công tác quản lý... Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tổ chức thực hiện các nghiệp vụ tin học trong tất cả các ngành và thành phần kinh tế, có năng lực tự tạo việc làm.

5. Ngành Nông học:

- Khối tuyển: Khối A và Khối B.

Chương trình đào tạo của ngành này, giúp sinh viên nắm vững các kiến thức cơ bản, cơ sở, kỹ năng thực hành nghề nghiệp liên quan đến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản; có khả năng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng kiến thức đã học nhằm thích nghi với sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương... Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các cơ sở: nông trường, trạm trại; phòng nông nghiệp quận, huyện; các trung tâm, trạm khuyến nông, khuyến ngư...

6. Ngành Chăn nuôi

- Khối tuyển: Khối A và Khối B.

Sinh viên tốt nghiệp ngành chăn nuôi sẽ nắm vững các kiến thức cơ bản, cơ sở, kỹ năng thực hành nghề nghiệp; có khả năng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc ở các cơ sở: nông trường, trang trại, chi cục, trạm thú y; các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và thức ăn gia súc...

7. Ngành Nuôi trồng thủy sản

- Khối tuyển: Khối A và Khối B.

Ngành Nuôi trồng thủy sản, giúp sinh viên nắm vững các kiến thức cơ bản, cơ sở và kỹ năng thực hành nghề nghiệp liên quan đến nuôi trồng thủy sản... Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản, tự nghiên cứu, tự tạo việc làm; hoặc có thể làm việc ở các cơ sở: nông trường, trạm nuôi trồng thủy sản, phòng nông ngư nghiệp các quận, huyện; các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, hợp tác xã...

8. Ngành Công nghệ chế biến thủy sản

- Khối tuyển: Khối A và Khối B.

Sinh viên theo học ngành Công nghệ chế biến thủy sản sẽ được trang bị vững về kiến thức và khả năng thực hành tốt trong các lĩnh vực có liên quan đến công nghệ chế biến như: thiết bị máy phục vụ chế biến thủy sản; các quy trình sản xuất, công tác quản lý... Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, có khả năng tự nghiên cứu khoa học, tạo việc làm.

9- Ngành Công nghệ thực phẩm:

Khối tuyển: Khối A và Khối B.

Đây là ngành đào tạo sinh viên có kiến thức, tư duy năng động, có khả năng thực hành tốt trong các lĩnh vực có liên quan đến công nghệ chế biến, nắm vững các qui trình sản xuất, thực hiện công tác quản lý, có năng lực tự nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng thực hiện và tổ chức các nhiệm vụ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, làm việc ở các cơ quan Nhà nước và có năng lực tự tạo việc làm.

10- Ngành Quản lý đất đai

- Khối tuyển: Khối A và Khối B

Đào tạo các cá nhân nắm vững kiến thức cơ bản, cơ sở, có kỹ năng thực hành các nghiệp vụ quản lý đất đai, giải quyết vấn đề về kỹ thuật nghiệp vụ về quản lý hành chính, đo đạc, bản đồ và các vấn đề liên quan trong lĩnh vực đất đai. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các đơn vị: Sở Tài nguyên- Môi trường, Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, trung tâm thông tin lưu trữ tư liệu địa chính...

* * *

Ngoài các ngành đào tạo trên, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ còn tuyển 550 học sinh vào 9 ngành đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp ở 2 hệ THCS và THPT. Cụ thể, ở hệ THCS tuyển 100 học sinh ngành Nuôi trồng thủy sản và Chăn nuôi thú y. Hệ THPT, tuyển 450 học sinh ngành Quản lý đất đai, Quản lý Ngân sách Nhà nước, Tin học, Kế toán doanh nghiệp sản xuất, Kế toán thương mại dịch vụ, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và bảo quản thủy sản. Trường xét tuyển trên cơ sở điểm tổng kết các môn học của lớp 9 (đối với hệ tuyển THCS) hoặc điểm 2 môn Toán và Lý (hoặc Sinh, Văn, Hóa), tùy theo ngành của kỳ thi tốt nghiệp THPT (đối với hệ tuyển THPT).

Sau khi tốt nghiệp các ngành đào tạo cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, học sinh, sinh viên đều có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học.

LY GIANG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết