(TTXVN)- Sáng 24-11, ngay khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn, đã có 24 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, tập trung vào các vấn đề về chất lượng giáo dục phổ thông, đại học; việc thành lập quá nhiều trường đại học dẫn đến không tuyển đủ sinh viên; vấn đề thiếu trường mầm non công lập, chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên mầm non; giải pháp đảm bảo công bằng và chất lượng giáo dục ở vùng miền núi, dân tộc...
Trả lời câu hỏi của các đại biểu: Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) liên quan đến sự yếu kém của chất lượng giáo dục bậc đại học: nhiều trường đại học được thành lập nhưng không tuyển đủ sinh viên,... Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Gần đây Bộ đã từng bước giảm nhịp độ thành lập mới trường đại học. Từ 2006 - 2011), cả nước có thêm 84 trường đại học, trong đó 33 trường thành lập mới và 51 trường nâng cấp từ cao đẳng lên, bình quân mỗi năm thành lập 14 trường. Trong 3 năm đầu (từ 2006 - 2008) đã thành lập mới 24 trường và nâng cấp 25 trường, bình quân mỗi năm thành lập 16 trường. Trong 3 năm sau (2009-7/2011) có 26 trường cao đẳng nâng cấp thành đại học và thành lập 9 trường đại học mới, bình quân mỗi năm thành lập 12 trường. Như vậy, số lượng trường đại học thành lập mới trong 3 năm gần đây đã giảm nhiều. Các điều kiện thành lập trường và cho phép trường đại học hoạt động cũng đã được điều chỉnh theo hướng nâng cao, tránh tình trạng chất lượng đào tạo kém.
Về lý do các trường không tuyển đủ sinh viên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, không chỉ năm nay một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu mà trong những năm trước đó cũng có hiện tượng này. Nguyên nhân do một số ngành học dù rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội như nông lâm ngư nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm, khoa học xã hội, nhân văn... nhưng do sau khi tốt nghiệp khó xin được việc làm, công việc không hấp dẫn; Một số trường không đủ điều kiện, không đảm bảo chất lượng đào tạo nên không thu hút sinh viên vào học. Bên cạnh đó hiện nay nhiều trường cùng mở các chuyên ngành đào tạo giống nhau như kế toán, tài chính- ngân hàng, quản trị kinh doanh... làm phân tán nhu cầu học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu công khai thông tin về số lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác, do vậy, phụ huynh và học sinh có điều kiện tìm hiểu rõ về chất lượng nhà trường... Trước tình trạng một số trường đại học kiến nghị hạ điểm sàn để tuyển đủ chỉ tiêu nhưng để đảm bảo chất lượng Bộ kiên quyết không chấp thuận hạ điểm chuẩn đầu vào đại học, cao đẳng.
Trước băn khoăn của một số đại biểu về giáo dục mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận thiếu sót trước đây trong việc nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và vị trí của giáo dục mầm non. Hiện nay, theo Quyết định 60, 61 của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là cần giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất; tiếp tục xóa bản trắng, làng trắng cơ sở giáo dục mầm non; khắc phục những bất cập về chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non ngoài công lập. Theo Bộ trưởng, điều kiện chung hiện nay Chính phủ mới phê duyệt cho Bộ thực hiện đề án phổ cập mầm non 5 tuổi, đối với các bậc nhỏ hơn còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Bộ đang phối hợp nghiên cứu, triển khai xã hội hóa các hình thức như nhóm trẻ gia đình; chế độ chính sách đối với giáo viên, bảo mẫu; khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng lớp mẫu giáo, mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình: Tái cấu trúc ngân hàng không phải vì hệ thống yếu kém.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu yêu cầu Thống đốc trình bày cụ thể phương án tái cấu trúc ngân hàng cũng như cụ thể lộ trình thực hiện. Các đại biểu cũng phản ánh, lãi suất cho vay vẫn còn cao so với hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp nhưng việc tiếp cận vẫn khó khăn. Đại biểu Minh Thắm (Lâm Đồng) phản ánh việc vay vốn giữa doanh nghiệp và nông dân có sự chênh lệch. Doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn và được giải quyết nhanh hơn. Trong khi đó, nhiều hộ dân thực sự đang rất cần vốn để sản xuất thì chưa được đáp ứng kịp thời...
Đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định tái cấu trúc ngân hàng không phải vì hệ thống yếu. Hoạt động ngân hàng có quy mô và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời là hoạt động nhạy cảm để có nhìn nhận đúng đắn về tái cấu trúc ngân hàng nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng vẫn phát triển ổn định, trợ giúp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Chính phủ, NHNN coi việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống các TCTD an toàn, hiệu quả; từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh.
Thống đốc phân tích: Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là chuyện bình thường. Trước đây, suốt chặng đường đổi mới, Việt Nam phát triển chủ yếu theo chiều rộng, theo hướng khơi dậy tiềm năng của đất nước, khuyến khích mọi tầng lớp tham gia xây dựng phát triển xã hội. Hệ thống ngân hàng bám sát quá trình phát triển đó của đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển theo chiều rộng tốn rất nhiều vốn và hiệu quả không cao. Tuy nhiên, khi đạt đến mức độ phát triển nhất định, cần phải xem xét phát triển theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả chứ không phải hệ thống ngân hàng yếu kém mà phải chuyển dịch.
Nếu chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng thì Việt Nam có 37 ngân hàng cổ phần và 8 trong số đó rất lành mạnh, có thể làm trụ cột cho cả hệ thống. Cùng đó là 7 ngân hàng hoạt động ở mức trung bình, 8 ngân hàng có quy mô nhỏ hoạt động lành mạnh và 8 ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động chưa lành mạnh... Như vậy, số ngân hàng hoạt động yếu kém chỉ ở mức không quá 5% tổng số ngân hàng.
* Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã phần nào giải tỏa được những bức xúc của cử tri khi thẳng thắn trả lời vào ba nhóm vấn đề nổi bật gồm: Điều hành giá xăng dầu, điện; quản lý tài chính công, nợ công, chống thất thu thuế và hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Bộ trưởng Huệ khẳng định: Minh bạch là giải pháp căn cơ của mọi giải pháp để giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay.
Trả lời một loạt câu hỏi của các đại biểu: Đặng Thế Vinh (Long An), Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), Lê Thị Thu Nga (Hà Nội)... xoay quanh công tác điều hành, quản lý, giám sát giá điện, than như: “Giá bán lẻ xăng dầu, điện hiện nay đã đúng?”, “Bao giờ công khai, minh bạch hoạt động của hai ngành độc quyền là xăng, dầu”, “đâu là giải pháp đột phá trong công tác điều hành giá điện và xăng dầu thời gian tới”?, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nhắc lại nguyên tắc quản lý điều hành giá điện, xăng dầu, than, dịch vụ công và các mặt hàng thiết yếu khác là theo thị trường và có sự quản lý Nhà nước. Nguyên tắc thị trường là tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, tôn trọng việc hạch toán đầy đủ các khoản chi phí hợp lý trong giá thành, đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế có mức lãi phù hợp; đảm bảo thu hút được đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành sản xuất như điện. Nguyên tắc thị trường cũng không cho phép bao cấp tràn lan hoặc bù chéo nhau.
Nhà nước hiện điều hành giá trên cơ sở ban hành các quyết định, chính sách nhằm quản lý các mặt hàng này. Trong trường hợp cần bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu thì đây cũng là các biện pháp nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, giá thành điện hiện nay vẫn chưa được tính đúng, tính đủ do có sự bù chéo và bao cấp. Hiện giá than cho điện mới được tính bằng 57-63% giá tiêu thụ của than- thấp hơn rất nhiều so với giá bán cho các hộ khác. Giá điện hiện vẫn bao cấp với sản xuất thép và xi măng. Theo kết quả của kiểm toán Nhà nước năm 2010, sản lượng điện cho thép và xi măng chiếm trên 11% tổng sản lượng điện chung với giá bán bình quân 914 đồng/kWh. Theo đó, riêng năm 2010, ngành điện đã bao cấp cho thép 2.547 tỉ đồng. Đây là một vấn đề cần lưu ý trong điều hành giá điện thời gian tới. Bộ trưởng Huệ khẳng định.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu quốc hội về khoản lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN), Bộ trưởng Huệ cho biết: Theo kết quả kiểm toán năm 2010, EVN lỗ 8.040 tỉ đồng do mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành bán và 15.463 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá nâng tổng số lỗ lên 23.503 tỉ đồng. Trong đó, khoản lỗ 8.040 tỉ đồng không liên quan đến đầu tư ra ngoài ngành của EVN. Do đó, không có chuyện phân bổ lỗ do đầu tư ra ngoài ngành của EVN vào trong cơ cấu giá điện.
Bộ trưởng Huệ khẳng định: Năm 2012, giá điện vẫn tăng nhưng tăng ở mức kiềm chế. Giá điện bán cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ như hiện nay và thấp hơn mức bình quân chung. Tuy nhiên, EVN cần đẩy nhanh việc thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành để tập trung tài chính đầu tư, nâng cấp lưới điện hạ áp, truyền tải, giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí và hạ giá thành sản xuất điện. Ngoài ra, Chính phủ, Quốc hội cũng đề nghị EVN giảm chi phí quản lý, giảm chi thường xuyên từ 5-10%/năm nhằm giúp giảm giá thành sản xuất điện.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu: Đặng Thế Vy, Ngô Văn My... về tình hình kinh doanh xăng dầu và minh bạch giá xăng dầu, Bộ trưởng Huệ thông tin: Trước 2008, kinh doanh xăng dầu chỉ có lỗ do mục tiêu điều hành giá xăng dầu phục vụ sản xuất. Từ 2008 trở đi, việc điều hành giá xăng dầu đã theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Kết quả kiểm toán quốc tế do Công ty Deloitte tiến hành tại Petrolimex đã ghi nhận: Năm 2008, Petrolimex lãi 913,7 tỉ đồng; trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỉ đồng. Năm 2009, lãi 3.217 tỉ đồng; trong đó lãi từ xăng dầu là 2.660 tỉ đồng . Năm 2010, lãi tổng thể từ kinh doanh xăng dầu vẫn đạt 314 tỉ đồng. Năm 2011, Tổng Công ty Xăng dầu Petrolimex báo cáo lỗ 1.800 tỉ đồng đến hết tháng 6 đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; trong đó, lỗ từ chênh lệch tỉ giá đã là 1.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hao hụt về xăng dầu năm 2011 dự kiến trên 800 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, tình hình lãi lỗ của Petrolimex sẽ được làm rõ hơn sau khi có kết quả kiểm tra xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối do Bộ Tài chính đang tiến hành. Theo đó, nếu không có sự điều chỉnh tỉ giá vào các tháng đầu năm và nếu các đầu mối xăng dầu thực hiện đúng định mức bán hàng 600 đồng/lít xăng dầu thì các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối không thể lỗ.
Trả lời các câu hỏi về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Huệ đã chỉ ra kịch bản vẫn là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường, phù hợp với giá xăng dầu quốc tế do Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 70%. Đặc biệt, ngay cả khi thị trường đã có xăng dầu Dung Quất nhưng giá bán xăng dầu Dung Quất cũng theo giá quốc tế. Vì vậy, trên thực tế, giá xăng dầu vẫn được tính như giá xăng dầu nhập khẩu 100%.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình hình nợ công hiện nay của Việt Nam cũng như chiến lược quản lý nợ công thời gian tới, Bộ trưởng Huệ khẳng định: Nợ công của Việt Nam đang ở mức an toàn do cơ cấu nợ công của khác thế giới. Việt Nam chủ yếu vay ODA và vay ưu đãi lớn. Năm 2011, nợ Chính phủ là 43,6%, nợ quốc gia là 41,5% và nợ công là 54,6%.
Hiện cơ cấu nợ công của Việt Nam có khoảng 79% vay ODA, chỉ có 7% vay thương mại và khoảng 19% vay có ưu đãi. Trong ODA, vay của Ngân hàng Thế giới WB kỳ hạn 40 năm, 10 năm ân hạn nên sau 10 năm nữa mới phải trả và lãi suất rất thấp là 0,75%. Vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng là 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất khoảng 1%. Vay của Nhật Bản cũng 30 năm, thời gian ân hạn 10 năm, lãi suất từ 1- 2%.
Như vậy, tổng chi phí để trả nợ gốc và lãi khoảng 15% trong tổng thu ngân sách và ngưỡng của thế giới khoảng 30%. Trong 15% chi trả cho nợ công hàng năm, ngân sách chỉ trả 13,5%; còn 1,5% là các dự án và các nhà đầu tư phải trả. Nợ công Việt Nam rất khác với các nước là Nhà nước vừa là chủ nợ, nhưng vừa là khách nợ.