18/12/2019 - 15:35

Cá tra vào mùa thấp điểm 

Những tháng cuối năm thị trường cá tra vào mùa thấp điểm. Dân nuôi cá tra ĐBSCL tới lứa bán lỗ đậm, chờ sang năm mới. Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra tin rằng qua một năm lận đận cung vượt cầu, nhưng nếu có giải pháp kiểm soát sản lượng vùng nuôi tốt cơ hội vẫn mở ra.

Tồn kho, giá thấp

Ở vùng nuôi cá tra ven sông Hậu dân nuôi cá than thở từ sau 3 tháng đầu năm đến nay cá rớt giá thấp sâu dưới đáy. Từ tháng 11 đến nay phần nhiều chủ ao cá trông chờ cá tra phục hồi nhưng giá cá vẫn thấp là đà. Có hộ nuôi cá tới lứa bán trôi nổi bên ngoài gánh nặng lỗ lã, nợ nần. Hậu quả cá nuôi tới lứa dư thừa, các DN có vùng nuôi cá riêng chỉ ưu tiên tiêu thụ hết số ao cá trong vùng nuôi của công ty họ, sau đó DN mới thu mua cá của hộ nuôi cá bên ngoài.

Chế biến thủy sản ở Công ty CP Thủy sản Biển Đông.

Hiện nay cá tra đang ở mức giá thấp điểm nhất trong năm. Cá tra tới lứa đúng size (cỡ) 700-800 gram/con giá cao nhất 19.500 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Trong khi giá thành của người nuôi cá tra giỏi không dưới mức 20.000 đồng/kg. Nếu cá tra quá lứa cỡ 1,2-1,3 kg/con giá 18.500-19.500 đồng/kg. Do vậy, người nuôi cá tự phát bên ngoài thua lỗ nặng nề. Còn với các hộ nuôi cá theo hợp đồng gia công cho DN cũng không nằm trong phạm vi an toàn. Trong tình hình khó khăn chung, xuất khẩu cá tra tiêu thụ chậm vì còn tồn kho. Một số chủ hộ có ký hợp đồng gia công từ đầu vụ cho biết, phía công ty cử nhân viên đến thương thảo đề nghị giảm bớt 1.000 đồng/kg trong mức khoán giá nuôi gia công, lý do là để chia sẻ khó khăn bởi thị trường xuất khẩu cá tra khó khăn.

Anh Toàn, một chủ hộ nuôi cá ở cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, lo âu:  Hiện thời nhiều bà con nuôi cá đã thu hoạch bán hết, nhưng vẫn chưa ai dám đặt mua cá giống về thả nuôi. Tình hình chưa đoán được đầu năm tới cá tra tiêu thụ ra sao. Trong khi hiện thời cá tra giống, giá tăng giảm thất thường. Cách 2 tuần trước cá tra giống ra nhiều, không mấy người mua, giá 17.000-18.000 đồng/kg (loại cá 30-40 con/kg). Nhưng đến nay cá giống đã lên 25.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ quý II sang quý III-2019 cá tra xuất khẩu sụt giảm. Trong đó xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh trong quý II (giảm gần 42%), kéo kết quả xuất khẩu nửa đầu năm giảm gần 28%, do lượng tồn kho tại Mỹ còn khá lớn. Ngoài ra, ảnh hưởng của thuế chống phá giá tại thị trường Mỹ cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà nhập khẩu (tháng 4-2019 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, giai đoạn từ 1-8-2016 đến 31-7-2017). Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9-2018.

Thị trường thay đổi

Trong những tháng đầu năm cá tra xuất sang các thị trường khác có hướng xấu đi kể cả thị trường Trung Quốc, nhưng từ quý III-2019 cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bất ngờ đảo chiều phục hồi trở lại, đạt trên 198 triệu USD tăng hơn 56% so cùng kỳ 2018, vượt lên dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra. Nếu trước đây chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con qua một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, thì hiện nay cá tra philê đã bán vào các thành phố lớn: Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên.

Đối với thị trường Mỹ, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông, nói: Các DN xuất khẩu cá tra phải nỗ lực phấn đấu bền bỉ rất nhiều năm mới mang lại sự ổn định để cá tra Việt Nam có mặt trên thị trường Mỹ. Thị trường Mỹ khó tính. Cá tra Việt Nam đã chứng minh đủ điều kiện tương đồng, từ đó dẫn dắt sang các thị trường khác. Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ sản lượng đến kim ngạch xuất khẩu cá tra đều tăng, chúng ta quên mất- cần xem lại giá trị xuất khẩu cá tra với mức giá nào. Từ đó chúng ta đề ra một chiến lược giá phù hợp cùng với sản lượng, chứ không thể chạy theo sản lượng mà không chú trọng đến giá trị.

Ông Trường dẫn chứng: Năm 2018 sản phẩm cá tra xuất khẩu vào Mỹ giá gần 5 USD/kg, nhưng hiện nay xuất khẩu sang thị trường nầy chỉ hơn 3 USD/kg. Từ đó kéo vấn đề trở lại vùng nuôi, từ đầu năm 2018 có nhiều khuyến cáo không có cá giống đủ để nuôi, từ đó dẫn đến tháng 6-2018 không có cá nguyên liệu để bán. Đó là do hệ quả từ năm 2017 giá tra nguyên liệu thấp, người nuôi không muốn mua cá giống thả nuôi. Các cơ sở ương nuôi cá tra giống giảm hoặc không sản xuất. Sang năm 2018 giá cá tra nguyên liệu lên cao đỉnh điểm 35.000 đồng/kg, người nuôi cá tra đạt lợi nhuận rất cao. Hiện nay cá tra thương phẩm giảm còn 20.000 đồng/kg, mất 15.000 đồng/kg so năm 2019. Như vậy bài toán nuôi ít lời nhiều hay cứ bỏ mặc công sức, tiền của nuôi cho sản lượng thật nhiều chỉ để ôm về lỗ lã? Sự bấp bênh giá cá tra nguyên liệu dẫn tới hệ lụy cá tra giống lúc tăng lúc giảm, vậy liệu rằng trong 6 tháng tới cá nguyên liệu có để bán không?

Chủ một DN tại tỉnh Đồng Tháp, băn khoăn: Trong khi so với ngành hàng lúa gạo còn có bệ đỡ là thị trường nội địa trong trường hợp dư thừa sản lượng. Còn cá tra thì không có kênh tiêu thụ nội địa để hạn chế rủi ro. Người nuôi cá đã lỡ đào ao thì không dễ gì để lấp lại. Vì vậy nếu thị trường nội địa khai thông, cá tra có thêm kênh phân phối để tự cứu mình, để chủ động đối phó rủi ro. Bởi toàn chuỗi giá trị cá tra hiện nay gần như nằm ở ao nuôi. Mỗi khi thị trường dội chợ, cá tra dư thừa bán không được sẽ gia tăng áp lực lên người nuôi cá tra rất lớn.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cá tra