23/05/2021 - 12:57

Cá mè vinh bay 

Truyện ngắn: Lương Minh Hinh

 

Rạch Trong có thêm ngư dân mới!

Thúy Ngần chạy chiếc ghe mới cảo tới gốc bần lão ở bờ bên tả của con rạch miệt nước nổi. Ở đây đã có vài chục gia đình mở bến, cất nhà, thành nên xóm rạch Trong. Nhà nhà tuy cất xa cách vì đất đai rộng, nhưng lòng người gần gũi, rôm rả chào hỏi trò chuyện mần ăn, khi tang hiếu, cưới xin, sinh đẻ, cũng như các cuộc viếng thăm hằng ngày.

Ðêm Thúy Ngần mới tới, cô khơi bếp lửa, ngọn khói tan hòa vào màn đêm. Xung quanh cô cũng có ánh lửa le lói từ những ngôi nhà của người rạch Trong. Vậy là tối tối Thúy Ngần đi tới những gia đình khơi bếp lửa hồng. Cô được nghe bao nhiêu là chuyện về trời mây, nước cá và kinh nghiệm sống với dòng rạch nước nổi này. Ngư dân rạch Trong đón Thúy Ngần với những câu chuyện niềm nở như gạo vàng. Người người khơi lòng hởi dạ kể cuộc bươn chải, từ đời “ghe di động” thành có gia cư đàng hoàng. Thúy Ngần được nghe nhiều nhất là “cổ tích” về ông Hai Muôn rạch Trong và “huyền thoại” ông Hai Muôn rạch Trong săn sấu và câu sấu!

“Thuở rạch Trong chỉ có nhà ghe trôi nổi, ngư dân buông chèo đầu rạch giáp đồng cỏ, thường nghe chuyện cá sấu từ lung đồng xa xa lên đồng cỏ săn mồi. Nhiều người sợ, nói nhau chạy mau. Hai Muôn là người đứng lên khuyên mọi người ở lại khai hoang, diệt thú dữ, mở đất lành cho thế hệ sau. Hai Muôn cùng mọi người bàn cách đánh lui cá sấu...

...Dăm ngày sau các nhà ghe lướt tới theo Hai Muôn diệt sấu. Các ghe quây vòng, sào chống đặt ngang be ghe, dùng cán búa gõ sào. Âm thanh từ những cây sào tre chắc nịch quanh vọng xuống đáy rạch. Sấu chạy lên đồng như Hai Muôn tính. Mọi người ào lên... vậy là diệt gọn một con sấu. Thời gian sau, một sớm mai Hai Muôn lại hội tụ các nhà ghe. Hai Muôn mở chèo dẫn mọi người tới chỗ bờ rạch, nơi khá trống trải để lên đồng xuống rạch, có con sấu đang nhô đầu. Hai Muôn ra tay bắt bằng lưỡi câu tự chế. Mọi người đều nể chuyện Hai Muôn mình ên câu sấu, nên thành cổ tích và huyền thoại”

Bến nhà ông Hai Muôn ở bờ rạch bên kia, ngang nhà Thúy Ngần.

Thúy Ngần đã mấy lần qua thăm nhưng chưa đúng dịp gặp ông. Còn ông Hai Muôn đã ghé bến nhà Thúy Ngần để thăm hỏi cư dân mới đến, nhưng lúc đó cô đã đi lưới cá. Ông quan sát, ưng bụng việc Thúy Ngần đặt ban thờ: bát nhang, ly nước, dĩa bông, ống nhang trong hốc cây bần lão, dân rạch lại qua là thắp nhang. Vậy là ông Hai mang một mảnh xương đầu cá sấu già đặt vào ban thờ gốc bần.

***

Nhà nhà rạch Trong cách nhau xa và chuyện Thúy Ngần thân gái một mình đã khiến một đêm có thằng trai chạy xuồng tới nhà Thúy Ngần. Hắn lẻn vô nhà, nhào lên giường. Tiếng kêu cứu, cuộc vật lộn quyết liệt. Cái gối của Ngần văng đổ cây đèn dầu loang lửa bùng bùng.

Ông Hai Muôn thấy lửa, phóng ghe bay qua bến nhà Thúy Ngần, thằng trai lẩn bờ rạch mất tiêu. Dân rạch đỏ đèn đuốc chạy ghe tới mà không bắt kịp, cũng nhốn nháo bất lực.

Ông Hai Muôn thấy vậy, nói Thúy Ngần:

- Từ nay ông cháu giúp nhau sống. Cháu lo đi chợ bán cá tôm mua đồ dùng, ông lo vá chài lưới, sửa đăng đó, vót cần câu, đan lờ rọ… của hai nhà!

Thúy Ngần:

- Dạ!

Bà con thở phào: Vậy mừng cho Thúy Ngần. Ông Hai phước đức quá!

Bà con mừng vì Thúy Ngần từ nay đỡ phải lo lưới cá vất vả. Ông Hai Muôn bắt cua cá như thò tay vô túi mình lấy đồ vật. Rạch Trong có loại thủy sản nào là ông có bài bản bắt loại đó, mà bài quan trọng thứ nhất của ông là không lờ lưới bất cứ giống nào đang mùa sinh sản. Ông dạy Thúy Ngần vào mùa mưa sa sấm rền, thì cứ tựa đầu vô gốc cây mà trông cá quẫy tôm búng, rồi chỉ cô coi có con cá lóc há miệng cho đàn ròng ròng chui vào để bảo vệ con. Học ông, Thúy Ngần cũng tự theo dõi thấy cá lóc mẹ nhảy lên bờ đất phơi mình. Mùi cá quyến rũ đàn kiến kéo đến, khi kiến bu đen bu đỏ, cá lóc tung mình “ùm” xuống nước. Bầy con đớp mồi kiến đã đời mới đi!

Qua mùa cá tôm sinh sản, ông Hai Muôn dạy Thúy Ngần độc chiêu ra tay với mè vinh bay! Ðó là ông dạy cô cách giăng lưới chặn cá bơi cao hơn người khác. Cách này giúp cô chỉ bắt cá mè vinh bay cao, bay xa, tức là cá to khỏe nhất.

Cũng vì vậy mà mỗi lần Thúy Ngần mang cá mè vinh ra chợ một chút là bán hết và quen biết Dũng. Lần nào cô cũng ngoắc tay hẹn lúc nào có cá mè vinh là chừa riêng cho Dũng những con ngon nhất.

Hẹn vậy mà bốn năm phiên chợ Dũng không tới. Thúy Ngần mang cá tới nhà Dũng. Bà Ba Chiêu - mẹ Dũng, đón Thúy Ngần, thanh minh con trai mắc công chuyện làm ăn trên huyện không dứt về được. Thúy Ngần thấy bà một mình, bèn làm cơm với cá mè vinh chiên cho bà.

Lần sau nữa Thúy Ngần đưa cá tới nhà Dũng. Anh vừa về nhà sau chuyến thu xếp chuyện làm ăn, để sau này có nhiều thời gian chăm sóc mẹ già. Nhìn Dũng xắn tay áo làm cá, nấu bữa cơm cho mẹ, Thúy Ngần không kìm được, chợt buột miệng:

- Anh Dũng có muốn đi bắt cá mè vinh bay hông?

Bà Ba Chiêu trả lời ngay:

- Nó cầu còn không được!

Dũng gật đầu lia lịa đồng tình với mẹ, mắt hấp háy sáng.

Thúy Ngần xin ông Hai Muôn hỗ trợ cuộc ra mắt với lưới cá của Dũng. Ðúng lời hẹn Thúy Ngần chạy ghe tới ngã ba chợ rước Dũng. Về rạch Trong, Thúy Ngần ới với ông Hai Muôn báo ghe cô sẵn sàng lùa cá mè vinh… Ông Hai Muôn giăng vật cản đường cá bơi. Cá mè vinh bay lên lưới tới tấp...

Chia sẻ bài viết