06/05/2020 - 07:59

BWF lên kế hoạch thay đổi luật thi đấu cầu lông 

Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) tận dụng thời gian các giải trong hệ thống Super bị hủy vì đại dịch COVID-19 để lên kế hoạch thay đổi một số luật chơi, với kỳ vọng môn thể thao này sẽ phát triển mạnh hơn.

BWF hy vọng thay đổi cách tính điểm sẽ làm cho môn cầu lông hấp dẫn hơn. Ảnh: Chụp từ màn hình

Một trong những đề xuất thay đổi đáng chú ý xuất phát từ Chủ tịch BWF - Poul-Erik Hoyer Larsen: Đổi cách tính điểm trong một trận đấu, từ điểm kết thúc 21 trong một trận đấu 3 set (21x3) sang điểm kết thúc là 11 trong một trận đấu 5 set (11x5). Đề xuất này từng được ông Larsen nói đến từ 2 năm trước; nhưng không thể thực thi bởi không đạt đủ 2/3 số phiếu đồng ý trong cuộc họp thường niên của BWF được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan) năm 2018. Larsen cần đến 129 phiếu thuận cho sự thay đổi này, nhưng ông vấp phải nhiều sự phản đối đến từ châu Á. Không chỉ các hiệp hội thành viên phản đối cách tính điểm này, ngay cả “Huyền thoại” Lin Dan khi được hỏi cũng không đồng ý. Nhà vô địch All England Open 2020 Viktor Axelsen thì cho rằng, cách tính điểm mới sẽ làm giảm sức hấp dẫn của cầu lông, bởi các tay vợt sẽ không còn phụ thuộc vào thể lực do thời gian thi đấu của các set ngắn.

Đây không phải lần đầu BWF có kế hoạch cải cách cách tính điểm môn cầu lông. Cách tính điểm 21x3 hiện nay được thay đổi vào năm 2006, từ cách tính 15x3 có điểm lợi giao - nghĩa là sau khi giành quyền giao cầu từ đối thủ, tay vợt giao cầu mới được lên điểm. Cách tính này làm cho trận đấu kéo dài, các tay vợt rất mất sức khi vào sâu các giải. Trước đó nữa BWF sử dụng cách tính điểm 7x5.

Bên cạnh sự phản đối, Larsen cũng nhận được sự nhất trí của các tay vợt, điển hình như tay vợt đánh đôi của Malaysia Lai Pei Jing. Cô cho rằng cách tính mới sẽ bớt hao tốn thể lực và vận động viên có thể kéo dài thời gian thi đấu đỉnh cao. Riêng Larsen, ông quyết tâm sẽ lại đề xuất ý kiến này trong những cuộc họp tới cùng với các hiệp hội thành viên.

BWF đã không ngừng cải tiến để phát triển đại trà môn cầu lông, thu hút ngày càng nhiều người tham gia cả chuyên nghiệp lẫn phong trào. Rào cản khá lớn để mở rộng người tham gia môn thể thao rất dễ chơi này đến từ kinh phí mua cầu. Tất nhiên, ở bất cứ môn thể thao nào, người chơi cũng phải đầu tư, nhưng ở môn cầu lông, với những tay vợt có lực đánh tốt, mỗi set đấu phải tốn vài trái cầu; bên cạnh vợt, lưới phải đan thường xuyên và giày, sân thảm… Trái cầu lông truyền thống được làm bằng lông ngỗng hoặc lông vịt, nên rất dễ hư. Ngay cả khi đế cầu còn nguyên, chỉ cần một cánh lông bị gãy là cầu sẽ chao, không đi đúng hướng. Vì vậy, BWF cũng có ý định đưa trái cầu làm bằng vật liệu hỗn hợp vào thi đấu tại Olympic sắp tới. Vật liệu mới được tin rằng sẽ làm cho tốc độ đường cầu nhanh hơn. Do đó, BWF cũng vấp phải sự phản đối vì thay đổi trái cầu thi đấu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỹ thuật cá nhân của vận động viên.

Các thay đổi vẫn chưa được thực hiện khi còn nhiều ý kiến bất đồng. Dẫu vậy, khi được đồng thuận thì các tay vợt sẽ dần thích nghi, điển hình như sự thay đổi cách tính điểm từ 15x3 sang 21x3 vào năm 2006, ban đầu cũng vấp phải nhiều sự phản đối.

H.T

Chia sẻ bài viết