25/01/2011 - 21:38

Bước tập dợt...

Xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng là 1 trong 11 xã nằm trong “Chương trình xây dựng 11 xã nông thôn mới” của cả nước. Vào tháng 9-2010 đã diễn ra Hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức trên cánh đồng mẫu 40ha. Rút kinh nghiệm từ cánh đồng mẫu này, nơi đây đã hình thành được tổ hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là bước tập dợt khá bài bản trong tiến trình xây dựng xã nông thôn mới ở xã Trường Khánh...

 Ông Liêng Văn Phước (phía trong) cùng thành viên trong Tổ hợp tác cánh đồng mẫu ấp Trường Thành A đang thăm đồng.

Cánh đồng mẫu ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh vào những ngày trung tuần tháng 1-2011 có đến hàng chục héc-ta lúa đang oằn bông chờ ngày thu hoạch. Cánh đồng mẫu hôm nào góp phần rất lớn vào sự thành công Hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam nay đã trở thành cánh đồng hợp tác. Nông dân Liêng Văn Phước, Tổ trưởng Tổ hợp tác cánh đồng mẫu ấp Trường Thành A, không giấu được niềm vui: “Từ lợi ích từ mô hình cánh đồng mẫu, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện mô hình này và đến giờ này có thể khẳng định mô hình đã thành công, dù không có nhiều sự hỗ trợ như lần trước”.

Theo ông Phước, từ sau Hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam, nông dân ở đây tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rất giỏi. Ở vụ đông xuân 2010 - 2011, dù không có mặt thường xuyên của cán bộ kỹ thuật, nhưng cánh đồng lúa vẫn đang xanh tốt, oằn bông, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Anh Vương Hiệp, thành viên của Tổ hợp tác, cho biết: Vụ này, Tổ hợp tác sản xuất bằng giống lúa VTR do nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn khuyến cáo. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng 102-105 ngày, cho năng suất và chất lượng cao. Anh Hiệp chắc nịch: “Chúng tôi đã từng nhân giống lúa VTR trong năm ngoái nên rất hiểu tánh ý của nó. Năng suất lúa khô vụ này ít gì cũng phải từ 7 tấn/ha trở lên và giá bán sẽ cao hơn thị trường 20% đối với lúa lương thực theo hợp đồng với Công ty Phú Hưng ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Còn nếu xử lý đúng chuẩn lúa giống, giá cao hơn đến 40%”. Theo tính toán của anh Hiệp, giá lúa hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khoảng 5.800 đồng/kg (lúa tươi), nếu cộng thêm 20% thì giá lúa lên đến gần 7.000 đồng/kg... Còn theo ông Liêng Văn Phước, khi nhận làm giống lúa VTR, tổ hợp tác không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Chủ yếu là làm sao cho giống lúa này có thương hiệu với người dân trong và ngoài tỉnh.

Để đạt kết quả trên, ông Liêng Văn Phước cho biết: “Chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương, từ xã đến huyện. Chúng tôi rất yên tâm khi tiếp tục thực hiện mô hình này vì sản xuất đã có đầu ra ổn định ở mức cao”. Theo Chủ tịch UBND xã Trường Khánh Dương Văn Dũng: “Tất cả đều do nông dân quyết định! Chính quyền chỉ làm trung gian trong vận động và liên kết với các ngành, các cấp, doanh nghiệp để hỗ trợ cho tổ hợp tác. Với thành công bước đấu từ tổ hợp tác Trường Thành A, xã đã vận động và thành lập được tổ hợp tác Hiệp Thành và Thành Đạt”. Theo ông Dương Văn Dũng, rút kinh nghiệm thất bại từ mô hình cánh đồng mẫu trước đây do không có đầu ra, lãnh đạo xã cùng với huyện đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nông dân...

Chủ tịch Dương Văn Dũng khẳng định: “Một khi tạo được liên kết “4 nhà” mô hình sẽ phát huy hiệu quả rất tốt. Trong vụ Hè Thu tới, lãnh đạo xã sẽ cố gắng liên hệ để tất cả các tổ hợp tác đều có được hợp đồng đầu tư, bao tiêu ổn định. Chỉ cần mỗi ấp có một tổ thành công thì việc nhân rộng sẽ không khó. Đây bước tập dợt khá bài bản trong quá trình xây dựng mô hình xã nông thôn mới ở xã Trường Khánh thời gian tới”...

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết