02/09/2015 - 16:29

Bước chuyển trong cải cách hành chính

5 năm qua (2011-2015), công tác cải cách hành chính (CCHC) ở các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã có bước chuyển biến tích cực. Cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" được thực hiện nề nếp và hiệu quả. Thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức có bước chuyển về nhận thức, năng lực, tính năng động, tác phong đạo đức với tinh thần ngày càng gần dân, sát dân... Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sau khi điền các thông tin cần thiết vào mẫu tờ khai khai tử, ít lâu sau đó, hồ sơ của chị Nguyễn Thị Thúy được công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) giải quyết xong. Nhận kết quả, chị Thúy phấn khởi nói: "Trước đây, tôi rất ngán ngại khi đến chính quyền địa phương để xác nhận giấy tờ hay làm thủ tục này nọ, do không rành về những quy định pháp luật. Bây giờ khác rồi, cán bộ ở đây rất nhiệt tình, chỗ nào người dân không biết thì được hướng dẫn đến nơi, đến chốn". Hoàn thành thủ tục đăng ký khai tử, chị Thúy tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất do cha để lại. Theo chị Thúy, những lúc đến Bộ phận TN&TKQ xác nhận giấy tờ, chị nghiên cứu, tìm hiểu, thậm chí là nhờ cán bộ chuyên môn hướng dẫn, thực hiện thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, nên bây giờ khi thực hiện không bị lúng túng...

Cán bộ Bộ phận TN&TKQ UBND thị trấn Cờ Đỏ đang trả kết quả cho công dân.

Nét nổi bật trong công tác CCHC ở huyện Phong Điền là các ngành, các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Ông Trương Minh Tâm, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phong Điền, cho biết: "Hằng năm, các kế hoạch CCHC của thành phố luôn được huyện cụ thể hóa và triển khai đến thủ trưởng các Phòng, ban, ngành huyện và xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện rất quan tâm tuyên truyền công tác này thông qua hội nghị, họp dân, niêm yết thủ tục hành chính tại nhà thông tin ấp; tổ chức giao lưu gặp gỡ đối thoại trực tiếp với nhân dân; phục vụ văn nghệ ngoài trời và tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh huyện và xã… Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa Kế hoạch của huyện thành chương trình hành động của mình".

Ngoài ra, huyện Phong Điền là một trong những địa phương tiên phong trong việc áp dụng mô hình "Một cửa liên thông" các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (trước khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương) và thực hiện mô hình liên thông 2 thủ tục là đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú, được người dân đồng tình ủng hộ. Bà Trương Kim Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Hiện nay, huyện đã triển khai, thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến, nhằm tạo thuận tiện cho người dân khi đến giao dịch, thực hiện các thủ tục. Mô hình "Một cửa liên thông" trên là một điển hình. Công tác CCHC là việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức. Nơi nào được tổ chức và công dân đồng tình ủng hộ là nơi đó hoàn thành nhiệm vụ cao, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đơn vị, địa phương đó cũng phát triển".

Còn ở huyện Cờ Đỏ, 5 năm qua, công tác CCHC ở địa phương này cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, đặc biệt là trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng hành chính, khả năng xử lý, giải quyết công việc của cán bộ, công chức ngày một tốt hơn. Hầu hết các tổ chức, công dân, doanh nghiệp đều hài lòng về thái độ phục vụ và việc thực hiện quy trình thủ tục hành chính, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã.

Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng phòng Nội vụ huyện Cờ Đỏ, việc công bố, công khai và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin và lấy mẫu đơn, mẫu tờ khai trực tiếp trên mạng; quy định rõ thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thẩm quyền, trách nhiệm, phối hợp giải quyết của từng cơ quan chuyên môn. Thủ tục hành chính đã được minh bạch, đơn giản hóa góp phần tích cực vào việc giảm bớt phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như tránh được tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn của một số cán bộ công chức. Ngoài ra, CCHC theo cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" tại UBND huyện và 10 xã, thị trấn, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của "Bộ phận TN&TKQ" tại UBND huyện và các xã, thị trấn đã mang lại hiệu quả rõ nét, thiết thực đáp ứng yêu cầu của tổ chức và công dân trong các quan hệ giao dịch hành chính...

Giống như nhiều địa phương khác, một trong những khó khăn, hạn chế trong công tác CCHC ở huyện Cờ Đỏ, đó là việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, có những trường hợp phức tạp thủ tục không có trong quy định của Bộ thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính hiệu quả chưa cao, nhiều phần mềm còn bị lỗi. Ngoài ra, Bộ thủ tục hành chính chưa thật sự ổn định, thường xuyên thay đổi, bổ sung nên việc áp dụng, chỉnh sửa theo đề án ISO gặp nhiều khó khăn... Ông Nguyễn Thanh Hiền kiến nghị: khi có thay đổi về chủ trương hay bộ thủ tục hành chính, ngành chức năng thành phố nên mở các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức phụ trách công tác CCHC ở cấp huyện, cấp xã để nắm bắt kịp thời, thực hiện chính xác.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác CCHC ở TP Cần Thơ được triển khai đồng bộ, đầy đủ trên tất cả lĩnh vực, đã hoàn thành 8/9 mục tiêu đề ra, chiếm tỷ lệ 88,88%. Tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận TN&TKQ; việc thực hiện Mô hình "một cửa liên thông", dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại sở, ban, ngành, quận, huyện đã góp phần tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cho tổ chức, cá nhân, hướng đến mô hình chính quyền điện tử, phục vụ nhân dân...

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết