13/11/2009 - 21:02

Bùi Hoàng Tân
vượt khó, học giỏi

Bùi Hoàng Tân bên góc học tập.

Gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng Bùi Hoàng Tân, sinh viên năm thứ hai, lớp Sư phạm Lịch sử (Trường Đại học Cần Thơ), vẫn không ngừng phấn đấu học tập, đạt thành tích Sinh viên giỏi trong năm học đầu tiên, được lãnh học bổng mỗi học kỳ. Không chỉ thế, Hoàng Tân còn tích cực tham gia các phong trào của trường, lớp...

Bùi Hoàng Tân đang ở trọ với bạn Cao Quốc Thái (bạn học cùng lớp Sư phạm Lịch sử) trong căn phòng nhỏ chỉ 2 người ở, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Hằng ngày, hai bạn cùng nấu ăn chung, cùng giúp nhau trong học tập. Năm đầu đại học, Hoàng Tân có số điểm tích lũy khá cao: 3,93 điểm (điểm tích lũy tính theo thang điểm 4,0). Với kết quả này, Hoàng Tân được lãnh học bổng của trường vào mỗi học kỳ. Vào tháng 10 vừa qua, Hoàng Tân được lãnh học bổng của Hội Khuyến học tỉnh Hậu Giang. Số tiền 500.000 đồng này, Hoàng Tân dùng để trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân và mua sách tham khảo.

Quê Hoàng Tân ở phường 4, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Suốt từ bậc tiểu học đến những năm trung học phổ thông, Hoàng Tân luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi. Năm học lớp 12 đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp đối với Hoàng Tân. Sau khi đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử, Hoàng Tân tham gia và đoạt huy chương bạc môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh giỏi Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tại Đồng Tháp. Không dừng lại ở đó, Hoàng Tân tiếp tục đoạt giải khuyến khích môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh giỏi cấp quốc gia. Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hoàng Tân luyện thi môn Văn tại trường của mình - Trường THPT Vị Thanh. Các môn còn lại, Hoàng Tân tự ôn tập. Điều làm gia đình và bạn bè bất ngờ là ngay kỳ thi tuyển sinh đại học năm này, Hoàng Tân đã đậu cả 2 ngành: Công nghệ thông tin (khối A) và Sư phạm Lịch sử (khối C). “Khi đậu cả hai khối như vậy, các bạn thường chọn khối A, sao Hoàng Tân lại chọn khối C?”, tôi hỏi. Hoàng Tân bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi vốn yêu thích môn Lịch sử. Mỗi lần nghe thầy cô kể về các triều đại lịch sử, các cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ đầy hào hùng của dân tộc... là tôi lắng nghe một cách chăm chú, say sưa...”. So với các bạn cùng lớp Sư phạm Lịch sử, Hoàng Tân có kết quả thi đại học khá cao: 20 điểm, đứng hàng thứ hai trong lớp, chỉ sau 1 bạn cùng lớp 0,5 điểm. Qua 1 năm đại học, kết quả học tập của Hoàng Tân luôn đứng nhất, nhì trong lớp.

Không chỉ học giỏi, Hoàng Tân còn là một lớp phó học tập gương mẫu. Bạn Nguyễn Thị Duyên (học cùng lớp với Hoàng Tân) cho biết: “Trong lớp, bạn Hoàng Tân là lớp phó học tập rất năng nổ, xông xáo và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bạn Tân hay giúp đỡ bạn bè, có nhiều đóng góp cho lớp học. Nhiều lần, do các bạn bận học bài thi, không có thời gian tìm tài liệu để chuẩn bị thuyết trình cho môn học khác, Hoàng Tân tự mình đi tìm tài liệu, sau đó đi photo, phát tài liệu cho cả lớp cùng tham khảo, nhờ đó, buổi thuyết trình của các bạn diễn ra thành công...”. Dáng người ốm yếu, gầy gò, nhưng Hoàng Tân luôn đảm nhận làm nhiều chương trình cho lớp, Bộ môn Lịch sử. Tháng 5-2009, Hoàng Tân đứng ra tổ chức chương trình “Đố vui Sử học” với chủ đề “Sống mãi Điện Biên” cho các bạn trong lớp cùng tham gia. Được sự tín nhiệm của lớp và bộ môn, tháng 10-2009, Hoàng Tân tiếp tục tổ chức Câu lạc bộ Lịch sử, với chủ đề “Hành trình đến tự do” cho các bạn sinh viên cùng tham gia. Dự kiến tháng 12-2009, Hoàng Tân sẽ tổ chức chương trình “Tọa đàm lịch sử” với chủ đề “Nguyễn Trường Tộ - quá khứ và hiện tại”, các bạn trong lớp của Hoàng Tân và các chi đoàn bạn cùng nhau viết bài, Tân có nhiệm vụ kiểm tra nội dung, trình bày với giáo viên hướng dẫn, sau đó, các bài được duyệt sẽ thuyết trình trước các chi đoàn bạn, các bạn cùng nhau đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến. Không chỉ thế, Hoàng Tân còn tích cực tham gia hoạt động của Chi hội Sinh viên huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Hoàng Tân cùng với chi hội đi thăm trẻ em mồ côi, khuyết tật ở Trường Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ. Đến những nơi này, các bạn cùng nhau nấu ăn cho các trẻ em, rồi trò chuyện với các em nhỏ... Ngoài ra, Hoàng Tân còn tham gia biểu diễn văn nghệ cho Liên Chi hội Sinh viên Hậu Giang...

Ít ai có thể ngờ rằng, bề ngoài Hoàng Tân vui vẻ, cởi mở với mọi người, nhiệt tình, xông xáo trong công việc, thì ẩn bên trong là nỗi băn khoăn, trăn trở về những khó khăn của gia đình. Bà nội của Hoàng Tân nay đã cao tuổi. Trước giờ, trụ cột gia đình là cha của Hoàng Tân. Ông thường đi làm thuê, làm mướn, thu nhập một ngày được khoảng 70.000 đồng. Thế nhưng, hơn 1 tháng trước, trong 1 lần mưa to, gió lớn, cha leo lên nhà sửa lại máng xối thì bị trợt té. Sau lần đó, ông bị đau cột sống và thắt lưng, không làm được việc nặng nữa, đi phải chống gậy. Do gia đình khó khăn, cha của Hoàng Tân chỉ có thể hốt thuốc nam uống và đi châm cứu. Từ khi cha bị tai nạn, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của mẹ. Khoảng 4 năm nay, mẹ Tân đi nấu cơm mướn, mỗi tháng được vài trăm ngàn đồng. Tuy gia đình khó khăn, nhưng 3 chị em của Hoàng Tân đều được học hành đến nơi đến chốn. Chị gái của Hoàng Tân - Bùi Thị Hồng Ngọc, đang làm văn thư cho Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang; chị Bùi Thị Hồng Điệp đang theo học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, ngành Tin học, năm cuối.

Thấu hiểu sự khó khăn của gia đình, thời gian qua, ngoài việc học, Hoàng Tân còn đi dạy kèm và gần đây xin chạy bàn (ngoài giờ học) cho 1 căn tin trong Trường Đại học Cần Thơ, mỗi tháng được 200.000 đồng, được bao ăn ngày 2 buổi. Đam mê đọc sách nhưng không có tiền mua, nên mỗi lần được lãnh học bổng, Hoàng Tân đều để dành tiền mua sách. Biết được điều này, một số thầy cô trong Bộ môn Lịch sử tặng cho Hoàng Tân mười mấy quyển sách. Hoàng Tân thổ lộ ước mơ của mình: “Từ lâu, tôi ấp ủ ước mơ là sau này sẽ có một công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử Việt Nam, đặc biệt sẽ viết sách về triều đại của vua Quang Trung...”.

Mặc dù đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng sinh viên Bùi Hoàng Tân vẫn có thành tích học tập rất đáng ngợi khen. Mong rằng dù bận rộn với công việc làm thêm, Hoàng Tân vẫn giữ vững thành tích học của mình, để sau này còn thực hiện được ước mơ hằng ấp ủ với những đóng góp có ích cho ngành sử học.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết