16/02/2011 - 10:24

NHIỀU HỘ DÂN Ở DỌC TUYẾN KINH MƯƠNG LỘ (THỚI LAI, CỜ ĐỎ)

Bức xúc vì thiếu nước sạch

Hằng ngày, anh Nguyễn Văn Tâm ở ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng phải đi xin từng xô nước.

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người dân ở dọc theo tuyến kinh Mương Lộ cặp theo tỉnh lộ 922 (từ thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai đến thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) nhiều lần phản ánh tình trạng thiếu nước sạch sử dụng. Năm 2008, khi lấp tuyến kinh này để phục vụ cho việc mở rộng tỉnh lộ 922, Nhà nước đã cho đào tuyến kinh hậu để bảo đảm cung cấp nguồn nước cho các hộ sản xuất và sử dụng.Tuy nhiên, đến nay nguồn nước ở tuyến kinh này cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều hộ không có nước sạch sử dụng...

Dọc theo tuyến kinh Mương Lộ của tỉnh lộ 922, (dài khoảng 14 km) có hàng trăm hộ dân sinh sống. Trước đây, tuyến kinh Mương Lộ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp cho nhiều hộ dân. Năm 2008, khi Dự án nạo vét Kinh Đứng (từ Thốt Nốt đến Thới Lai), do Chi Cục Thủy lợi TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, được triển khai thì khối lượng đất nạo nét được thổi lên lấp tuyến kinh Mương Lộ để phục vụ nhu cầu mở rộng tỉnh lộ 922. Khi đó, chủ trương của thành phố về việc lấp tuyến kinh Mương Lộ và đào tuyến kinh hậu cách tuyến kinh cũ khoảng 100 m để phục vụ nhu cầu tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp của người dân và người dân ở dọc theo tỉnh lộ 922 cũng được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, từ khi lấp tuyến kinh Mương Lộ, vì nhiều nguyên nhân, cuộc sống nhiều hộ dân nơi đây gặp khó khăn do thiếu nước sạch sử dụng. Anh Nguyễn Văn Tâm ở ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hằng ngày, tôi phải đến nhà người thân cách đây khoảng 50 m để xin nước sạch về nấu ăn. Còn việc tắm rửa, giặt giũ gia đình phải ra tuyến kinh hậu cách nhà khoảng 100m. Nhưng tuyến kinh này nhỏ, nguồn nước bị ô nhiễm nặng do nhiều hộ nuôi cá, chăn nuôi thải nước dơ trực tiếp ra kinh, không thể sử dụng được... Những hộ không có điều kiện xây dựng các giếng khoan thì đành phải xài nguồn nước dơ này”. Tuy nhiên, một số hộ đầu tư vài triệu đồng để xây dựng giếng khoan cũng không có nước sạch để sử dụng. Chị Hứa Thị Hồng Thắm, một người dân ở ấp Thới Hiệp 1, xã Đông Thắng, cho biết: “Mặc dù cây nước nhà tôi được khoan rất sâu, nhưng nước vẫn có mùi hôi và bị phèn. Muốn sử dụng phải chứa trong các lu, hũ để vài ngày cho phèn lắng xuống mới xài được. Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm giúp chúng tôi có nước sạch sử dụng”. Ông Lê Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, cho biết thêm: “Phần lớn các hộ dân ở dọc theo tỉnh lộ 922 thuộc địa bàn xã đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để xây dựng giếng khoan. Trước bức xúc của nhiều cử tri, tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị đến Ngân hàng Chính sách - Xã hội đề nghị hỗ trợ vốn giúp các hộ dân nghèo xây dựng các giếng khoan để có nước sạch sinh hoạt”.

Tình trạng trên cũng khiến nhiều hộ dân sống dọc tuyến kinh này thuộc địa bàn thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ) bức xúc. Chị Đỗ Thị Nương ở ấp Thới Hiệp, thị trấn Cờ Đỏ, bức xúc: “ Từ khi kinh Mương Lộ bị lấp, tôi phải tốn tiền khoan giếng, nhưng nguồn nước thường xuyên bị phèn và có mùi hôi rất khó chịu”. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Đình Hoàng Phương, chủ một quán cà phê ở thị trấn Cờ Đỏ, tâm sự: “ Nguồn nước bơm từ giếng khoan bị nhiễm phèn nặng nhưng khu vực này chưa có hệ thống nước máy để sử dụng nên hằng ngày tôi phải chứa nước chờ lóng phèn vài ngày mới xài được. Nhiều người rất mong Nhà nước đầu tư xây dựng các trạm cung cấp nước sạch. Nhiều hộ dân ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai còn thiếu nước sạch sử dụng nghiêm trọng hơn. Bà Nguyễn Thị Bê, nhà ở xã Đông Thắng, cho biết: “ Mỗi ngày tôi phải mua nước 3.000 đồng/lu để nấu ăn, uống, sử dụng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi tiết kiệm từng ca nước”. Cũng như ở huyện Cờ Đỏ, trong khi nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân thì tuyến kinh hậu phục vụ nhu cầu tưới, tiêu của người dân nơi đây cũng đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng do nước thải từ các ao nuôi cá, thuốc sâu, phân bón của nhiều hộ xả ra kinh hằng ngày... Người dân nơi đây đang phải chung sống với những mầm bệnh đang rình rập, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống.

Trao đổi về tình trạng bức xúc trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thới Lai, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ trao đổi với Trung tâm cấp nước sạch của huyện tiến hành xây dựng các cụm cung cấp nước sạch theo các tuyến dân cư dọc tỉnh lộ 922. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo sớm xây dựng thêm nhà máy cấp nước qui mô lớn nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch cho bà con dọc theo đường tỉnh 922 nói riêng và cho bà con trên toàn huyện nói chung”.

Chủ trương của Nhà nước về lấp kinh để làm nền hạ, mở rộng đường tỉnh 922 sau này nhằm thúc đẩy kinh tế- xã hội các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh phát triển được đa số người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, thực trạng bức xúc do thiếu nước sạch sử dụng của nhiều hộ dân ở dọc tuyến kinh này cần được các cấp thẩm quyền quan tâm, nhất là sớm đầu tư xây dựng các trạm cung cấp nước sạch nhằm bảo đảm sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân.

Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết