02/12/2018 - 09:23

Bức tranh đa diện mùa điện ảnh 2018-2019 

Cuối năm là thời điểm phim lễ hội nhộn nhịp, cũng là lúc bắt đầu giai đoạn cạnh tranh gay gắt các giải thưởng điện ảnh mùa giải 2018-2019. Hàng loạt giải thưởng Oscar, SAGs, DAGs, BAFTA, Quả cầu vàng... đã bắt đầu lên danh sách ứng cử viên tiềm năng.

Phim tiểu sử, âm nhạc lên ngôi

Chưa bao giờ Hollywood lại chứng kiến nhiều thành công của hàng loạt phim tiểu sử, âm nhạc như năm nay. Sau “La La Land” vào năm 2016, phim âm nhạc được kỳ vọng “sống lại”, thế nhưng năm 2017 lại thuộc về các chủ đề thời sự như: nữ quyền, sắc tộc, đồng tính. Đây cũng là những đề tài tiếp tục được khai thác trong năm 2018, nhưng bất ngờ phim tiểu sử, âm nhạc “bùng phát” với những cú ngược dòng ngoạn mục. Đó là thành công đáng kể của “A Star is Born”, “Bohemian Rhapsody”, “Fist Man”… Giới chuyên môn và các nhà sản xuất đều có chung nhận định: thể loại phim này sẽ thuần nghệ thuật với mục đích dự giải, cho nên không đặt kỳ vọng vào phòng vé hay lượng khán giả, truyền thông. Tuy nhiên, không ít bất ngờ đã xảy ra.

“Bohemian Rhapsody”.

“A Star is Born” đã mở màn thành công mùa phim lễ hội. Một đề tài quen thuộc được khai thác với góc nhìn mới, đã làm cho bản tình ca “A Star is Born”  thu hút khán giả toàn cầu. Ban đầu, phim chỉ là phép thử rẽ lối sự nghiệp của Bradley Cooper (ở vai trò đạo diễn) và Lady Gaga (ở vai trò diễn viên). Kinh phí đầu tư hạn hẹp (40 triệu USD) và đậm chất nghệ thuật, “A Star is Born” chỉ hướng tới tranh giải mùa cuối năm; nhưng bất ngờ mang đến hơn 356,8 triệu USD doanh thu.

Một tác phẩm âm nhạc nổi bật khác là “Bohemian Rhapsody”, về những thăng trầm của nhóm Queen, chủ yếu tập trung vào giọng ca chính kiêm thủ lĩnh Freddie Mercury. “Bohemian Rhapsody” hoàn toàn không có ngôi sao và vai Freddie Mercury được giao cho Rami Malek, diễn viên cũng không nhiều tiếng tăm. Thế nhưng, câu chuyện đầy cảm xúc của “Bohemian Rhapsody” cùng với diễn xuất xuất thần của Rami Malek đã khiến phim trở thành tác phẩm nổi bật trong đánh giá của giới phê bình và thành công phòng vé. Phim mang về hơn 484,3 triệu USD, với kinh phí sản xuất chừng 55 triệu USD, trở thành phim tiểu sử âm nhạc có doanh thu cao nhất mọi thời đại. “Bohemian Rhapsody” vẫn còn công chiếu đến giữa tháng 12, được kỳ vọng mang về nửa tỉ USD.

“Fist Man” là tác phẩm tiểu sử không thể bỏ qua khác. Sự tái hợp của đạo diễn Damien Chazelle và diễn viên Ryan Gosling, đã từng làm nên thành công của “La La Land” trước đó; giúp phim ra mắt vô cùng thành công tại ba liên hoan phim lớn Venice, Telluride và Toronto. Phản hồi tích cực của khán giả và giới phê bình không chỉ ở nội dung phim mà còn ca ngợi diễn xuất của các diễn viên, nhất là Ryan Gosling và Claire Foy. Với đề tài về khoa học khô khan, “Fist Man” gây kinh ngạc khi mang về hơn 98,8 triệu USD, gần gấp đôi kinh phí sản xuất.

“Green Book”, “Vice”, “On the Basis of Sex”, “The Front Runner” cũng là những tác phẩm tiểu sử đầy sức hút. “Green Book” là câu chuyện có thật, phiêu lưu, hài hước, về hành trình của Tony Lip và một nghệ sĩ piano mang dòng máu Phi - Mỹ Dr. Don Shirle. “Vice” là chuyện về Phó Tổng thống Dick Cheney dưới thời Tổng thống George W. Bush; trong khi “The Front Runner” là cuộc tranh cử tổng thống của chính trị gia Gary Hart; còn “On the Basis of Sex” thể hiện câu chuyện đấu tranh cho dân quyền kịch liệt của nữ thẩm phán nổi tiếng Ruth Bader Ginsburg. Tất cả đều sớm ra rạp trong tháng 11 và 12, trước khi chính thức bước vào danh sách ứng cử giải thưởng.

Bứt phá về nhiều vấn đề nhạy cảm

Tiếp nối thành công của năm 2017, những vấn đề nhạy cảm, mang tính thời sự như: nữ quyền, sắc tộc, dân chủ, đồng tính vẫn được các nhà làm phim ưa chuộng, khai thác; với góc nhìn đa diện, mới mẻ hơn.

“Blackkklansman” của đạo diễn Spike Lee có quá nhiều cái mới khi khai thác sâu nhiều vấn đề liên quan đến chính trị nước Mỹ. Phim xoay quanh Ron Stallworth - vị thám tử người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong sở cảnh sát Colorado Springs, nhận nhiệm vụ thâm nhập vào Ku Klux Klan - tổ chức phân biệt chủng tộc. Đây là câu chuyện có thật và phim là chuỗi liên kết các sự kiện và nhân vật, thách thức người xem suy luận và kết nối dữ kiện. Spike Lee cũng lồng ghép vào phim nạn phân biệt chủng tộc, tình trạng nhập cư… ở những góc nhìn sắc nét. “Blackkklansman” chiến thắng Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2018 và được Ban Giám khảo đánh giá: “Một tác phẩm tiêu biểu kể về cuộc khủng hoảng của người Mỹ nhưng lại khiến tất cả mọi người đều cảm thấy đồng cảm. Và điều đó, theo cảm nhận của chúng tôi, đã thực sự nâng tầm quan trọng của tác phẩm này lên một mức độ mới”.

“Boy Erased”.

Về vấn nạn phân biệt chủng tộc, “If Beale Street Could Talk” dựa vào tiểu thuyết cùng tên của James Baldwin, kể chuyện người phụ nữ đang mang thai trên con đường chứng minh sự vô tội của vị hôn phu. Giống như “Blackkklansman”, “If Beale Street Could Talk” không phải là tác phẩm dễ xem nhưng dễ cảm. Cốt truyện của “If Beale Street Could Talk” không nhức nhối, lớn mạnh như trong “Blackkklansman”, nhưng là vết thương âm ỉ với sự lắng đọng. Cả hai tác phẩm đều mang đến góc nhìn đa diện, cấp thiết về vấn đề sắc tộc, dân quyền.

Đề tài đồng tính được thể hiện quyết liệt trong “Boy Erased”, “The Favourite”.  “The Favourite” khiến người xem bất ngờ khi khai thác chuyện tình của ba người phụ nữ thế kỷ XVIII tại Vương quốc Anh. Tình yêu và quyền lực chính trị khiến câu chuyện đi theo hướng khó đoán và nêu ra nhiều vấn đề gây tranh cãi: nữ quyền, đồng tính. Trong khi đó, “Boy Erased” lại mang đến một câu chuyện đầy cảm xúc với góc nhìn đa chiều, đồng thời lồng ghép những giá trị và bài học nhân văn.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Variety, IndieWire, Nytimes)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
điện ảnh