Ngày 15-5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Tại buổi làm việc, Bộ Chính trị đã nghe đồng chí Hồ Xuân Mãn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII và những chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2020; ý kiến của các đồng chí lãnh đạo đại diện các Ban Đảng, các Bộ, ngành Trung ương.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ vị trí, tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên Huế. Đây là vùng đất văn hiến, có bề dầy lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Thừa Thiên Huế có thành phố Huế- Cố đô của nước ta, đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival. Theo quy hoạch, Huế là một trong 5 đô thị trung tâm cấp quốc gia. Huế còn là trung tâm văn hóa- du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước. Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt với miền Trung- Tây Nguyên và cả nước.
Bộ Chính trị ghi nhận và biểu dương những thành tích quan trọng mà Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua, nhất là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng và tích cực. Tỉnh tổ chức thực hiện có kết quả các chương trình, dự án trọng điểm, nhất là các dự án phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng lên rõ rệt. Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm và các chính sách hỗ trợ người nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, giải quyết nhà ở cho dân nghèo ở thành phố và nông thôn, nhất là nhà ở của nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt được triển khai tích cực.
Bộ Chính trị cơ bản đồng tình với những phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trung tâm lớn của cả nước và quốc tế về du lịch, văn hóa đặc sắc; khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây. Thừa Thiên Huế có quốc phòng, an ninh được tăng cường vững chắc, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Để thực hiện phương hướng trên, Bộ Chính trị yêu cầu tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới: Gắn xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế trong mối quan hệ hữu cơ với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công, thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây, trục quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc để thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Thừa Thiên Huế cần làm tốt công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, theo hướng thành phố dịch vụ, du lịch văn minh, hiện đại. Tỉnh phối hợp với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh đô thị hóa cụm đô thị động lực số 2: Chân Mây - Đà Nẵng - Điện Nam - Điện Ngọc - Hội An. Tỉnh cần khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả; chuyển dịch mạnh hơn cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Tán thành các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới với việc hình thành cụm đô thị động lực, trong đó, thành phố Huế là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân làm nòng cốt để đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Chính trị đồng ý cho thành phố Huế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính và ngân sách, đầu tư; đồng thời bố trí các nguồn vốn để phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế nhằm tạo đột phá để phát triển dịch vụ, du lịch.
HƯƠNG THỦY (TTXVN)