Những ngày cuối cùng của năm 2017, chúng tôi đã cùng nhau về huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Ở đây, không chỉ có những đồi cỏ khô vàng cháy nối nhau chạy tới chân trời, có mùa hoa sở trắng núi, trắng làng. Ở đây, còn có niềm tự hào được nhen lên từ thẳm sâu huyết quản những người con đất Việt. Ði dọc đường tuần tra, để cảm nhận rõ ràng về chủ quyền nơi đường biên, cột mốc. Ðứng trên đỉnh cao, chạm tay vào khối đá mang hai chữ Việt Nam, như cảm được từ trái tim mình chiều sâu của hai tiếng thiêng liêng - Tổ quốc.
Cung đường tuyệt đẹp lên cột mốc 1300.
Từ trải nghiệm...
Bình Liêu, nơi tình yêu không giới hạn - thông điệp du lịch mùa hoa sở đã hút du khách tới mảnh đất ở cực bắc của Tổ quốc, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Cách Hà Nội khoảng 250 km, cách Hạ Long chừng 100 km, mấy năm trở lại đây, Bình Liêu đã trở thành điểm đến được lựa chọn cho dịp nghỉ ngắn ngày, với mong muốn trải nghiệm vùng đất còn hoang trên bản đồ du lịch. Ai đã chọn Bình Liêu, sẽ không hối tiếc sau những khám phá thú vị trên mảnh đất biên cương xa xôi. Anh bạn trẻ dẫn đường hồ hởi nói với mọi người: - Em dẫn nhiều đoàn rồi, chưa thấy ai tiếc công lặn lội cả. Chu Xuân Cường, một thanh niên dân tộc Tày, với cái nick khá ngộ - Cường pin - để chia sẻ thông tin qua mạng xã hội với người thích du lịch Bình Liêu.
Là huyện biên giới có gần 45 km đường biên giáp Trung Quốc, điểm hút du khách đến với Bình Liêu chính là đam mê chinh phục các cột mốc. Theo chia sẻ của nhiều "phượt thủ", bốn cột mốc chính không nên bỏ qua gồm 1300, 1302, 1305 và 1327, trong đó, mốc 1305 là thử thách lớn nhất trong hành trình, nằm ở đỉnh núi cao nhất của huyện Bình Liêu. Cường cao hứng như gợi trí tò mò của cả đoàn, chạm được cột mộc 1305 nghĩa là đã chinh phục dãy núi Mã Thông Thuận, được mệnh danh là "sống lưng khủng long".
Vào bất cứ thời điểm nào trong năm, đi trên "sống lưng khủng long" cũng được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt diệu giữa bao la trời đất. Ðể băng qua nơi này, với sức khỏe tốt nhất và thời tiết thuận lợi cũng mất chừng hai giờ vượt núi. Nhưng thời điểm này, đường lên điểm 1305 đang sửa chữa, không thể đi được - nghe Cường nói vậy, cả đoàn nhìn nhau tiếc hùi hụi, đành ngậm ngùi hẹn lần sau.
Từ thị trấn Bình Liêu theo quốc lộ 18C hướng xã Hoành Mô, rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, chừng 15 km, là tới ba điểm mốc 1297, 1300 và 1302, thuộc xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu giáp địa phận huyện Ðình Lập (Lạng Sơn). Cung đường dưới chân cột mốc đang được duy tu, sửa chữa. Chiều muộn, các tốp thợ vẫn cặm cụi làm việc. Mấy trăm bậc thang lên đỉnh núi bao quanh là cỏ tranh và bông lau ngút ngàn, mây bay là là ngang mặt.
Chúng tôi gặp một đoàn du khách dắt theo nhiều trẻ nhỏ. Anh Phạm Ðình Hồng ở phường Hòa Lạc (TP Móng Cái) chia sẻ, anh cùng các bạn tổ chức cho gia đình tham quan Bình Liêu. Dù ở Quảng Ninh nhưng không phải ai cũng biết quê mình có nơi đẹp và hoang sơ như thế. Dẫn các con đi thăm đường biên, cột mốc là cách giáo dục thế hệ trẻ tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước. Những bài học thật sự sinh động và ý nghĩa.
Ðứng trên điểm mốc 1297, bao trọn trong tầm mắt là những dãy núi phủ một mầu vàng bánh mật của cỏ khô, óng lên trên nền trời xanh thẳm. Một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp nhưng lại tiềm ẩn những nỗi lo. Chỉ một đốm lửa nhỏ rớt lại cũng có thể gây cháy lớn. Ngay lúc chúng tôi ở đây, cách đó không xa, bỗng đâu xuất hiện đám cháy nhỏ, chỉ 15 phút sau, cả quả núi đã bị ngọn lửa thiêu rụi, sém đen. Tàn lửa theo gió phát tán khắp nơi rất dễ lây lan sang các ngọn núi khác.
Khác với cung đường lên cột mốc 1300, đường vành đai biên giới lên mốc 1327 - cột mốc cuối cùng trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thuộc địa giới huyện Bình Liêu, trước khi sang địa phận huyện Hải Hà, được đặt trên đỉnh núi Thanh Long Lĩnh, thuộc xã Ðồng Văn, có địa hình phong phú. Ðường qua khe suối, đi trên vực sâu, qua những bản người Dao lác đác những mái nhà cũ kỹ. Chúng tôi gặp những người phụ nữ Dao xập xòe váy áo sặc sỡ và độc đáo nhất là cái mũ hình trụ ngất ngưởng trên đầu. Từ mốc 1327 và gần đó là mốc 1326/2, vị trí lý tưởng để chiêm ngưỡng núi rừng nơi biên cương đông bắc. Trên đỉnh cao lộng gió rất dễ bao quát địa giới hai bên, cảm nhận niềm tự hào trào dâng khi hướng về Tổ quốc mình mà bất giác giơ tay chào Ðất Mẹ.
...Ðến cảm nhận một tình yêu
Là người dẫn đường vui vẻ, nhiệt tình, nhất là tình yêu quê hương, Cường nói về Bình Liêu với niềm tự hào tự nhiên từ trong huyết quản. Rong ruổi trên những cung đường tuần tra, Cường như thuộc hết mọi thứ hiện hữu trên rẻo đất này, khi giới thiệu về mảnh đất, con người và đặc sản nơi đây. Tới Bình Liêu không chỉ được thưởng thức gà bản nướng, cá suối nấu măng rừng, nhiều loại bánh dân tộc... mà đặc sản ở đây là hoa sở trắng rừng, đồi cỏ khô vàng mật nối nhau chạy mãi. Những cung đường biên hùng vĩ và không kém mộng mơ trong mùa bông lau trổ hoa… Cường bảo, đến Bình Liêu mùa nào cũng đẹp, qua mùa khô, những đồi cỏ kia lại xanh ngút một mầu. Càng đi em càng cảm nhận quê mình có nhiều điểm đến hấp dẫn, mà chính mình sinh ra và lớn lên ở đây còn chưa từng biết đến.
Trưởng "ngố" là tên gọi thân mật mà du khách đặt cho Ngô Quốc Trưởng, được coi là người đầu tiên khai phá du lịch "bụi" ở Bình Liêu. Anh là chiến sĩ bộ đội biên phòng, đồng thời là một trong những người khởi xướng mô hình homestay ở Bình Liêu. Trưởng tâm sự, trước năm 2008, khi chưa vào bộ đội, Trưởng không quan tâm nhiều về đường biên, cột mốc, không biết ở Bình Liêu lại có nhiều cảnh đẹp đến thế.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp biên phòng, Trưởng được điều động về quê làm nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày đầu tiên đi tuần tra biên giới cũng là lần đầu tiên Trưởng biết đến biên giới ngoài sách vở, cảm giác thật khó diễn được thành lời. Lúc đó, con đường tuần tra còn chưa đẹp như bây giờ, lên dốc, xuống dốc đều phải khiêng xe, rất mệt. Nhưng ngắm cảnh đẹp mà quên hết mệt mỏi. Thời đó cũng chưa có mạng xã hội như bây giờ cho nên việc quảng bá hình ảnh quê hương cũng không hiệu quả.
Năm 2013, khi con đường tuần tra cơ bản hoàn thành, xe máy có thể đi được, cũng là lúc mạng xã hội phát triển. Ðó là lúc những ấp ủ của anh trở thành hiện thực. Trưởng kể, dịp 26-3 năm đó, anh cùng mấy người bạn kêu gọi thanh niên trong huyện tham gia hoạt động "Thanh niên Bình Liêu tìm hiểu đường biên, cột mốc". Chương trình được tổ chức thành công với những hình ảnh đẹp lan truyền trên mạng. Nhiều bạn trẻ khắp nơi đã kết nối và xin chia sẻ kinh nghiệm từ anh. Từ năm 2013 đến 2015, anh đã cả trăm lần dẫn đoàn, với 80 lần chinh phục cột mốc 1305. Với anh, dù lên đó lần thứ bao nhiêu đi nữa thì, vẫn nguyên vẹn cảm xúc tự hào là người chiến sĩ biên phòng, được góp phần nhỏ bé bảo vệ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Ðến Bình Liêu, chúng tôi được mãn nhãn ngắm bạt ngàn hoa sở, loài hoa đã mang sứ mệnh du lịch Bình Liêu; được thưởng thức món gà bản dưới chân thác Khe Vằn; và hồi hộp săn mây trên núi Cao Ly, cùng các bà, các chị người dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ... la cà chợ phiên; được tận mắt xem dây chuyền sản xuất miến dong đặc sản ngon nức tiếng gần xa.
Trưởng cũng cho hay, Bình Liêu còn có rất nhiều điểm đẹp mà ngay lần đầu chúng tôi chưa thể khám phá hết được. Ví như núi Cao Xiêm, được coi là mái nhà của Quảng Ninh, ở độ cao gần 1.500 m so mực nước biển. Chinh phục Cao Xiêm, du khách sẽ tận hưởng quãng đường xuyên qua rừng thông bạt ngàn, điểm những vạt hoa mua, hoa sở rực rỡ. Vào những ngày mù sương, chỉ cách nhau vài bước chân là đã không rõ mặt. Ðể du khách được thể hiện cảm xúc khi chinh phục đỉnh Cao Xiêm, Trưởng đã đứng ra kêu gọi tài trợ, làm khối tháp hình chóp ghi dòng chữ Cao Xiêm 1.429 m, vừa hoàn thành năm 2017.
Trong câu chuyện của Trưởng về tình yêu quê, yêu nghề, có một điều day dứt thôi thúc chúng tôi đến thăm Di tích lịch sử - Ðài tưởng niệm Liệt sĩ Pò Hèn, xã Hải Sơn, trên đường ra Móng Cái. Nơi đây ghi dấu cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 17-2-1979. 58 cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pò Hèn, 28 nhân viên thương nghiệp và công nhân lâm trường đã ngã xuống mảnh đất này. Máu xương của họ đã hòa cùng đất, để hôm nay, những thế hệ trẻ như Trưởng, như Cường, như chúng tôi mãi mãi tự hào.
Theo Báo Nhân Dân