Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ tư, sáng 20-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua 6 luật và Thảo luận về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi),với 92,37% số đại biểu có mặt tán thành.
Luật Xuất bản (sửa đổi) gồm 6 chương, 54 điều. Theo Luật này, Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản.
Đối tượng thành lập nhà xuất bản gồm: Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật. Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản, tuy nhiên chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.
Đáng chú ý, Luật đã bổ sung một chương riêng về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, cập nhật hơn với sự phát triển công nghệ thông tin và hoạt động xuất bản điện tử trong nước cũng như trên thế giới hiện nay.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư với 90,16% số đại biểu có mặt tán thành.
Luật quy định rõ: Người có bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư. Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư; quy định việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài. Như vậy, thời gian đào tạo nghề luật sư đã được điều chỉnh để cân đối với chương trình đào tạo nghề của các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, nhằm nâng cao chất lượng luật sư, từng bước bảo đảm mặt bằng chung giữa luật sư với các chức danh tư pháp, chuẩn hóa việc đào tạo nghề luật sư.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế với 92,57% số đại biểu có mặt tán thành.
Luật giữ nguyên quy định hiện hành về ân hạn đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn. Cụ thể: Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Được thông qua với số phiếu tán thành 94,58%, Luật Dự trữ quốc gia có 6 chương, 66 điều quy định việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự trữ quốc gia.
Biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với số phiếu tán thành 87,55%, Quốc hội đã nhất trí: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực với số phiếu tán thành là 91,16%.
Liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về nghĩa vụ tuân thủ các quy định về an toàn đập thủy điện và vận hành hồ chứa; bổ sung vào quy định "Hồ chứa nước, đập thủy điện và các công trình phụ trợ phục vụ nhà máy thủy điện phải được xây dựng, quản lý, bảo vệ bảo đảm an toàn vận hành nhà máy điện và vùng hạ du".
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi).
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi dự án Luật khoa học và công nghệ. Các đại biểu đánh giá dự thảo Luật về cơ bản đã được xây dựng phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã được khẳng định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng.Tuy nhiên các đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm các quy định để dự án luật thật sự mang tính đột phá, thể chế hóa được chủ trương lớn nhất của Đảng và chính sách của Nhà nước là bảo đảm "phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu".
Các đại biểu đều cho rằng một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay chính là cơ chế tài chính. Cơ chế tài chính thể hiện trong luật còn nặng tính bao cấp, chưa phù hợp với đặc thù, đáp ứng yêu cầu về tiến độ của hoạt động khoa học, công nghệ, chưa tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ bảo đảm sử dụng đúng mục đích nguồn thu của nhà nước cấp cho khoa học công nghệ... Ý kiến nhiều đại biểu cho rằng việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ cho phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và có đề xuất cụ thể để vừa bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật, nhưng thể hiện rõ cơ chế đặc thù cho lĩnh vực khoa học, công nghệ được coi là quốc sách.
THANH HÒA-PHÚC HẰNG (TTXVN)