Một làng chài ven biển cũ kỹ như bừng sáng sau khi bà tiên gõ đũa thần. Những bức tường rêu phong loang lổ bỗng chốc lộng lẫy. Làng biển Tam Thanh của Quảng Nam như được "phép màu" từ tài hoa của các họa sĩ Hàn Quốc.
 |
Những bức bích họa như tấm áo mới khoác lên làng chài Tam Thanh. |
Như bao làng chài nằm giữa vùng duyên hải miền Trung đầy nắng gió, làng Tam Thanh- cũng là một xã còn khó khăn thuộc thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam)- nằm trên những dải cát trắng sau rặng thùy dương. Du khách đến Quảng Nam và Đà Nẵng thường quen thuộc với biển Non Nước, Cửa Đại, Mỹ Khê, Sơn Trà hoặc phố cổ Hội An; mà ít có thông tin về biển Tam Thanh. Cho tới một ngày, những bức tranh vẽ trên tường nhà dân trong làng được hình thành, du khách kéo đến chiêm ngưỡng. Làng biển trở thành một điểm phải đến khi đặt chân ở miền duyên hải này.
Bước qua cổng làng, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những bức bích họa với gam màu tươi sáng trên tường. Một mảng tường lớn với cái ngoéo tay tượng trưng cho tình hữu nghĩ Việt- Hàn, cùng dòng chữ "art for a better community" (tạm dịch "nghệ thuật cho một cộng đồng tốt đẹp hơn") và những dấu bàn tay đầy màu sắc của các họa sĩ. Đi vào làng, rẽ theo các con hẻm, ngóc ngách đâu đâu cũng có những bức vẽ. Phần lớn là những bức ảnh sinh hoạt đời thường của cư dân bản địa. Trước cửa tiệm hớt tóc có bức bích họa tái hiện cảnh mưu sinh của chủ nhà trông vui mắt. Ở một góc khác, những đứa trẻ đang đùa giỡn cùng quả bóng. Đường vào làng có bức ảnh một cô ngồi bán cá từ biển Tam Thanh
Có khi là những bức chân dung của chính chủ nhà. Có một vài bức vẽ ngẫu nhiên dễ thương về chim cánh cụt. Ngoài ra, còn có những bức vẽ như cổ tích với thần đèn hay thủy cung lung linh ngay bên hiên nhà.
Người dân địa phương cho biết, đây chỉ mới là giai đoạn 1 của dự án góp phần phát triển du lịch, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương. Ở Hàn Quốc cũng đã từng có những dự án "Mural Village" (tạm dịch "Làng bích họa") tương tự và rất hiệu quả. Ở Việt Nam, làng bích họa khá mới, nhất là khi thực hiện cho cộng đồng. Ngay lập tức, nó có sức lan tỏa mạnh mẽ. Du khách truyền tai nhau sau một vài mẩu tin đăng báo. Đến Đà Nẵng, Hội An, người ta không ngại đổ đường 40-70 cây số để đến với làng biển Tam Thanh, chiêm ngưỡng những bức bích họa đong đầy tình cảm của họa sĩ Hàn Quốc. Người làng biển tranh thủ thời gian làm việc nhà mở thêm quán nước nhỏ, điểm giữ xe cho du khách thăm thú trong làng. Người có nhà rộng thì chừa vài phòng mở homestay phục vụ du khách nghỉ lại qua đêm. Từ làng biển vắng lặng chỉ có người già và trẻ em, giờ trở nên nhộn nhịp. Du khách xuất hiện khắp các ngõ ngách trong làng. Tam Thanh trở thành điểm đến vừa để chiêm ngưỡng những bức vẽ đầy hơi thở cuộc sống, vừa "sống ảo" độc đáo của giới trẻ.
Đi hết những ngôi nhà- mà mỗi bức tường là một tác phẩm nghệ thuật- là tới biển. Biển Tam Thanh không quyến rũ như những bãi biển gần đó nhưng vẫn hấp dẫn bởi nét hoang sơ vốn có như người con gái làng biển không biết tô vẽ phấn son. Bởi sự dung dị của người làng bích họa, mà khách có thêm một vùng biển chưa bị khai thác du lịch, vậy là càng hấp dẫn khách yêu thích thiên nhiên.
 |
Du khách thích thú “sống ảo” cùng bích họa. |
Khi những bãi biển lân cận quá tiện nghi và quá nổi tiếng trên các trang chuyên về du lịch trên thế giới, thì Tam Thanh lại là điểm đến khác biệt. Ở đó, du khách tìm được cuộc sống dân dã của làng chài. Có thể "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với cư dân bản địa để trải nghiệm cuộc sống dân chài của miền quê Quảng Nam hiếu khách và đôn hậu. Chạy dài suốt bãi biển không có nhà dân hay hàng quán, khách vô tư tận hưởng cả một vùng biển rộng lớn cho riêng mình. Ban đêm, có thể giăng lều trên bãi biển. Hoặc đơn giản nhất là trải tấm chiếu lên cát vì mùa này nhiệt độ lên cao, tiết trời oi nồng. Nằm trên chiếu chiêm ngưỡng cả một bầu trời đầy các vì tinh tú và bên tai là tiếng sóng rì rào và tiếng du dương của rặng phi lao ven biển, nếu phải trả bằng tiền, ắt hẳn du khách phải tốn một khoản lớn cho các resort cao cấp. Một không gian riêng tư và gần gũi thiên nhiên đến mức có thể ở biển Tam Thanh, là miễn phí.
Bài, ảnh: MIÊN HẠ