08/03/2010 - 21:13

Bếp ăn ấm tình người

Tổ nhân đạo trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ nằm khiêm nhường ở một góc của Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Hàng ngày, tổ cấp cơm, cháo, nước sôi phục vụ cho hàng ngàn bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh. Suốt 17 năm qua, bếp ăn của Tổ nhân đạo ở BV này chưa bao giờ ngừng đỏ lửa.

* 16 tấn gạo và 185 triệu đồng mỗi tháng...

Một buổi chiều đầu tháng 3-2010, chúng tôi ghé thăm tổ nhân đạo. Lúc này, gần đến giờ phát cơm nên thân nhân người bệnh xếp thành hai hàng, trật tự, không ai chen lấn, để chờ nhận cơm, canh. Chị Nguyễn Thị Ngọc, ở tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chồng tôi bệnh nằm ở BV từ mùng 6 Tết đến nay. Tiền thuốc, tiền giường hàng ngày cũng mất vài trăm ngàn đồng. Tiền ăn uống hàng ngày cho hai vợ chồng cũng mất đứt 50 ngàn đồng. Mấy chị cùng phòng chỉ tôi xuống đây xin cơm, cháo, nước sôi, để dành tiền mua thuốc cho chồng. Tuy cơm, cháo từ thiện nhưng mấy cô nấu rất ngon, ăn riết “đâm nghiền”. Bữa nay được xuất viện rồi, tui tranh thủ xuống xin một phần cơm đem theo ăn trên đường về”. Đứng cạnh chị Ngọc là chị Ba, bán quán cà phê ở đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nuôi cháu bị đứt dây chằng đầu gối, góp lời: “Tuy có tiền nhưng tui cũng đi xin cơm từ thiện ăn không hà. Vì mấy cô nấu hợp vệ sinh, ăn rất vừa miệng. Bữa nay cháu tui được xuất viện, tui mua 10kg bột ngọt ủng hộ tổ nhân đạo. Mấy cô chú trong tổ nhân đạo làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, rất vui vẻ. Sau đợt này, tui sẽ vận động người thân, bạn bè đến ủng hộ gạo, tiền cho tổ nhân đạo”.

Những cô chú trong tổ nhân đạo chịu trách nhiệm múc cơm, canh phát cho bệnh nhân đều mặc áo blouse trắng, đeo khẩu trang. Tay múc cơm, canh, các cô chú luôn miệng hỏi: “Nhiêu đây cô bác đủ ăn chưa?”. Nếu ai không đủ ăn, thì các tổ viên tổ nhân đạo vui vẻ múc thêm. Dì Hồ Thị Lánh (mọi người gọi thân mật là dì Hai Lánh), Tổ trưởng Tổ Phụng Hiệp, trực thuộc Tổ nhân đạo, đã gắn bó với hoạt động của Tổ nhân đạo từ năm 1993, cho biết: “Việc hình thành tổ nhân đạo để phát cơm, cháo, nước sôi cho bệnh nhân nghèo là ý tưởng của chú Bảy Cò Ke (chú mới mất năm 2009 vì bệnh). Khi đó, được sự ủng hộ Ban giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ cũ (nay là BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ), tổ đi vào hoạt động. Ban đầu, tổ có gần 20 người tình nguyện (chủ yếu ở quận Ô Môn, Phụng Hiệp...), chỉ cấp cháo và nước sôi. Các thành viên trong tổ phải vận động gạo, tiền, gia vị... từ những người hàng xóm tốt bụng, các nhà hảo tâm ở địa phương mình, sau đó chuyên chở đến BV. Buổi ban đầu chúng tôi nấu cháo bằng trấu, canh lửa cực lắm, chứ chưa có than đá và gas như bây giờ”.

Các cô trong Tổ nhân đạo phát cơm cho thân nhân nuôi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ 

Từ thuở nấu bằng trấu đến khi nấu bằng gas và than đá, bếp ăn của tổ nhân đạo chưa bao giờ tắt lửa, luôn hoạt động 24/24 giờ trong ngày và suốt 365 ngày trong năm (kể cả trong những ngày Tết Nguyên đán). Từ 20 người ban đầu, đến nay đã hình thành được 6 tổ, mỗi tổ từ 25 đến 40 tổ viên thay nhau trực. Các tổ trực thay phiên, mỗi tổ trực 1 tuần, nghỉ 5 tuần. Các tổ viên ở các quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Phong Điền, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ); Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) và huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long)...

Không chỉ phục vụ cháo và nước sôi, tổ còn phục vụ cơm, thức ăn, cấp tiền mua máu cấp cứu, mua thuốc, thuê xe chở xác bệnh nhân tử vong về quê, cấp áo quan và đồ tẩm liệm cho bệnh nhân nghèo. Bình quân trong năm 2009, mỗi tháng tổ nấu từ 15-16 tấn gạo, chi khoảng 185 triệu đồng mua thức ăn, chất đốt, vận chuyển, mua sắm... tất cả số gạo và tiền này đều do các mạnh thường quân quyên góp. Quá bất ngờ về số gạo và tiền chi hàng tháng, tôi hỏi dì Hai Lánh: “Nhiều quá như vậy thì vận động ở đâu hả cô? Dì Hai Lánh cười: “So với ngày xưa thì bây giờ vận động dễ dàng hơn rất nhiều. Các nhà hảo tâm, thân nhân của bệnh nhân thấy hoạt động của tổ nhân đạo hiệu quả đã tự tìm đến ủng hộ. Hàng chục năm nay, có mấy chục nhà hảo tâm đồng hành cùng hoạt động của Tổ nhân đạo. Ngoài ra, còn nhiều người khách vãng lai cũng ủng hộ, không để lại cả tên, địa chỉ... hơn 17 năm hoạt động chưa ngày nào Tổ nhân đạo thiếu tiền, thiếu gạo. Lúc đầu gạo ít, phải phát phiếu cho thân nhân nhận cơm nhưng sau này nguồn gạo dồi dào, ai cần thì mình cấp, không cần phát phiếu nữa”. Thật bất ngờ khi Tổ nhân đạo còn hỗ trợ thêm mỗi ngày 200 suất cháo cho Trung tâm Bảo trợ xã hội người tâm thần, lang thang TP Cần Thơ. Ngoài ra, Tổ còn hỗ trợ gạo cho đồng bào miền Trung bị bão lụt, ủng hộ gạo cho Hội Chữ thập đỏ phát cho người dân nghèo...

* Tận tụy vì bệnh nhân nghèo

Sau bao nhiêu vất vả, đến nay Tổ nhân đạo được dành một khuôn viên khá riêng biệt ở trong BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, rộng khoảng 600m2 làm nơi hoạt động. Hôm chúng tôi đến, là phiên trực của tổ dì Hai Lánh (Tổ Phụng Hiệp). Tổ có 36 người, chia ra ba điểm ở 3 BV: Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đa khoa TP Cần Thơ và Nhi đồng Cần Thơ. Điểm đặt tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ là điểm trung tâm. Điểm này vừa nhận đồ quyên góp của nhà hảo tâm, cấp giấy cảm tạ, vừa đi xin rau-củ ở Trung tâm Thương mại Cái Khế và chợ Tân An, nấu nước sôi, nấu cháo phát tại điểm. Đồng thời nấu cơm, canh cho tất cả 3 điểm (vì hai điểm ở BV Đa khoa TP Cần Thơ và Nhi đồng Cần Thơ khá chật, không nấu cơm, canh được). Người ít nhưng khối lượng công việc rất đáng nể: mỗi ngày cấp 1.700 bình nước sôi, 1.000 suất cháo, 2.000 suất cơm. Tôi hỏi dì Hai Lánh: “Các cô chú trong tổ phần lớn là người trung niên và cao tuổi, làm sao đảm đương công việc cho xuể”. Dì Hai Lánh cười: “Cứ 1 giờ sáng là mấy chú dậy trước nấu nước sôi, nấu cháo, còn mấy cô đến 4 giờ thức dậy cắt rau củ, nấu cơm... rồi tiến hành phát cho bà con. Sau đó ăn trưa, rồi bắt tay vào chuẩn bị cho bữa chiều. Tuy công việc nhiều nhưng các cô chú theo Tổ nhân đạo đã nhiều năm, tinh thần tự giác rất cao. Người nào việc nấy, người cũ hướng dẫn người mới... cứ thế mà làm, quan tâm, chia sẻ công việc với nhau, thương yêu nhau như người trong gia đình”. Trong khuôn viên của Tổ nhân đạo, người đến xin cơm rất đông nhưng nền nhà lót gạch bông trắng lúc nào cũng bóng loáng. Các cô chú làm đến đâu dọn đến đấy nên lúc nào cũng gọn gàng, tươm tất.

Để có thể duy trì hoạt động của tổ trong suốt 17 năm qua, là nhờ tinh thần nhiệt tâm với công tác từ thiện của các tổ viên như dì Hai Lánh năm nay đã gần 60 tuổi, gắn bó với hoạt động của Tổ nhân đạo từ năm 1993 đến nay. Gia đình dì neo đơn, chỉ có 2 mẹ con sống nhờ thu hoạch từ 4 công ruộng và vườn, cứ sau 5 tuần tranh thủ lo việc nhà, ruộng, vườn... dì Hai Lánh lại sắp xếp việc nhà để có mặt với Tổ nhân đạo. Mấy năm nay, căn bệnh bướu tim hành hạ nhưng dì vẫn chưa bỏ ca trực nào. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Phụng Hiệp, dì chịu trách nhiệm vận động gạo-tiền cho tổ, điều hành hoạt động xin rau-củ ở chợ, quán xuyến công việc chung trong tổ... Dì Hai Lánh cười nói: “Tâm nguyện của cuộc đời dì là làm từ thiện. Mình không có của thì góp công, xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân nghèo”.

Không riêng dì Hai Lánh, trong Tổ Phụng Hiệp còn có chú Lương Văn Hoa, nhiệt tình gắn bó với Tổ nhân đạo trên 10 năm nay với tâm nguyện cả đời dành cho công tác từ thiện. Chú Hoa không lập gia đình. Với 2 công ruộng, thời gian ở nhà, chú Hoa tranh thủ lo việc đồng áng. Sau đó thì sắp xếp có mặt ở Tổ nhân đạo. Suốt hơn 10 năm làm việc cho tổ, chú chưa bao giờ chậm trễ hay bỏ việc một ngày, chú cũng không nhận chi phí tiền xe đi lại do tổ phát, mà tự túc. Chú Lương Văn Hoa tâm sự: “Trong Tổ, phần lớn là người lớn tuổi, nam rất ít, chỉ có vài người nên tui vừa trực tại điểm BV Nhi đồng Cần Thơ vừa tranh thủ về điểm (BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ) để đi gom rau-củ, tiếp nấu cơm, khuân gạo, làm giấy cảm tạ các nhà hảo tâm...”. Công việc xoay vòng suốt ngày, đêm chú Hoa chỉ ngủ được khoảng 3 giờ. Khoảng 1 giờ khuya là chú bắt đầu thức dậy nấu cháo. Nấu cháo nghe đơn giản nhưng làm sao để nấu được một nồi cháo thơm, gạo nở đều, sánh mà không khét đít nồi... Chú Hoa kể: “Nấu nước thật sôi rồi vo gạo đổ vào, dùng cây dằm gỗ quấy liên tục, không được ngừng, vì ngừng cháo đọng lại là khét. Quậy suốt hơn 1giờ là cháo chín. Sau khi phát cháo xong, tranh thủ chà rửa nồi nấu cháo cho thật sạch để cháo nấu lần sau không bị khét”. Ngoài tham gia ở Tổ nhân đạo tại TP Cần Thơ, từ năm 1999 đến nay, chú Hoa còn tham gia tổ nhân đạo ở BV Thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Trong gia đình chú Hoa, ngoài chú tham gia công tác từ thiện, người cha ruột, năm nay đã 72 tuổi, cũng tham gia hoạt động, từ thiện suốt 5 năm qua. Dì Hai Lánh cho biết: “Cha chú Hoa nhiệt tình lắm, ổng đứng canh nồi nước sôi và múc phát cho bà con suốt ngày. Nhiều lúc thấy chú lớn tuổi, sợ chú mệt, tui kêu ổng nghỉ nhưng ổng không chịu. Ổng sợ người ta đến xin nước không gặp mình, mất công người ta đi tới đi lui”.

Trong tổ, chị Trầm Diễm Trang, bếp trưởng cũng là một tổ viên nhiệt tình, tâm huyết. Chị tham gia Tổ Phụng Hiệp 3 năm nay nhưng hai năm gần đây đứng làm bếp trưởng. Chị kể: “Bệnh nhân đang yếu trong người nên mình trong việc nấu nướng càng phải cẩn thận. Rau củ xin ở chợ về sơ chế, rửa nước lạnh và nước muối nhiều lần, riêng tàu hủ, nấm rơm phải nấu nước sôi luộc sơ qua rồi mới nấu. Trong nêm nếm cũng sử dụng ít bột ngọt, nêm hơi lạt chứ tuyệt đối không nấu mặn”. Ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chị Trang có một cửa hàng buôn bán nhỏ vừa bán phụ kiện hàng may, thêu vừa nhận thêu hàng cho khách. Chị cười kể: “Cứ sau 5 tuần là mình lại lên đây 1 tuần. Trong 5 tuần tranh thủ làm ngày làm đêm giao hàng cho khách xong là lên đây. Nhiều khi hàng làm không kịp, mình đành trả hàng chứ không bỏ một ca trực nào”. Trong Tổ Phụng Hiệp có rất nhiều cặp vợ chồng, anh chị em cùng tham gia. Cứ luân phiên nhau, kỳ này người này đi thì người kia ở nhà gánh vác việc nhà, rồi kỳ sau, đổi lại.

Nhờ tấm lòng của các tổ viên, của các nhà hảo tâm gần xa, của ban giám đốc các BV mà những năm qua bếp của Tổ nhân đạo không ngày nào ngừng đỏ lửa. Chính bếp lửa được thắp lên bằng tình thương giữa người với người đã giúp hàng ngàn bệnh nhân nghèo được no cơm, ấm lòng. Từ bếp lửa ấy, tình thương, lòng thiện được lan xa mãi...

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết