20/05/2021 - 09:56

Bệnh viện nâng mức cảnh báo cao nhất chống dịch  

Hơn một năm rưỡi đương đầu với dịch COVID-19, tập thể cán bộ y tế Bệnh viện (BV) Ða khoa TP Cần Thơ nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ, bảo vệ môi trường BV an toàn, đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe.  Ngay khi dịch bùng phát trong cộng đồng lần thứ 4 này, nhiều BV trong cả nước buộc phải phong tỏa, BV Ða khoa TP Cần Thơ đã thắt chặt các giải pháp kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. 

BV Đa khoa TP Cần Thơ nâng cao mức cảnh báo chống dịch cao nhất, kiểm soát chặt chẽ người ra vào viện.

BS CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc BV Ða khoa TP Cần Thơ cho biết, lãnh đạo BV quán triệt trong cán bộ, nhân viên y tế tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà phải bảo vệ nghiêm ngặt BV. Tuy nhiên cũng không bi quan mà động viên tinh thần cùng nhau vượt qua bão dịch. Ban Giám đốc BV ban hành nhiều kế hoạch cụ thể để đáp ứng tình hình dịch bệnh theo các cấp độ với phương châm “4 tại chỗ”, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó với dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các tiêu chí BV, khoa, phòng an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức sàng lọc, kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ; sắp xếp lại các khoa, phòng, phân luồng các lối đi riêng và bố trí khu vực riêng cho người bệnh có yếu tố dịch tễ và triệu chứng liên quan đến các bệnh viêm đường hô hấp cấp. BV khẩn trương thực hiện giãn cách trong BV, rà soát về mặt chuyên môn điều trị, phân loại tình trạng người bệnh; hạn chế tiếp nhận người bệnh; bố trí khu vực “vùng đệm” để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19. Ðồng thời, BV củng cố năng lực xét nghiệm COVID-19, tăng cường xét nghiệm cho cán bộ y tế, người nhà và thân nhân ở những khoa trọng yếu, khoa có yếu tố nguy cơ cao.

Khoa Khám bệnh BV Ða khoa TP Cần Thơ với hơn 50 buồng khám, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2.000 lượt khám ngoại trú. BS CKII Huỳnh Thanh Trúc, Trưởng Khoa Khám bệnh, cho biết: “Trước mỗi phòng khám đều bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Cả người bệnh và bác sĩ trước và sau khám đều phải sát khuẩn tay, luôn luôn đeo khẩu trang. BV vẫn thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về việc giảm tải BV, tùy theo tình hình, cấp thuốc từ 1 đến 3 tháng cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính. Sau mỗi ngày khám bệnh, nhân viên BV dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn buồng khám, bàn khám. Cán bộ y tế thay đổi trang phục trong khu vực nội viện trước khi về nhà để bảo vệ sức khỏe người thân.

Ở các khoa lâm sàng, một người bệnh chỉ được một người thân chăm sóc và phải có thẻ nuôi bệnh do BV cấp mới được ra vào khu vực khoa phòng. Cô Nguyễn Thị Duyên, ngụ tỉnh Bạc Liêu, nuôi cha bệnh tại Khoa Nội tổng hợp, cho biết: “Các điều dưỡng thường xuyên nhắc nhở, người nuôi bệnh chỉ nên ở trong phòng, tránh tụ tập, tránh tiếp xúc trực tiếp để bảo vệ bản thân, cùng BV chung tay chống dịch”.

Anh Nguyễn Hoàng Thanh, Ðiều dưỡng Khoa Nội Tổng hợp cho biết, không chỉ người bệnh mà nhân viên y tế luôn luôn đeo khẩu trang trong quá trình chăm sóc bệnh nhân và cả khi tiếp xúc với đồng nghiệp. Việc vệ sinh tay, sát khuẩn được thực hiện thường xuyên, sau khi thăm khám, làm thuốc cho bệnh nhân. BV quy định một người bệnh chỉ một người thân chăm sóc khiến nhân viên y tế thêm vất vả, đặc biệt là đối với những ca bệnh nặng, khó di chuyển xoay trở trong quá trình điều trị. Nhưng trong tình hình chống dịch, nhân viên y tế không ngại khó vì sức khỏe bệnh nhân và sự an toàn cho BV.

Ðiều dưỡng Hoàng Thanh bắt đầu vào BV làm việc khi dịch bệnh vừa khởi phát, đến nay hơn một năm rưỡi. Anh và các đồng nghiệp luôn động viên nhau cùng cố gắng, tin tưởng nhất định sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Ðiều dưỡng Thanh cũng là thành viên của Ðội ứng phó khẩn cấp của BV Ða khoa TP Cần Thơ hỗ trợ BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ khi cần thiết. Anh là một trong tổng số hơn 700 cán bộ y tế của BV Ða khoa thành phố đã được tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19.

BS CKII Huỳnh Thanh Trúc, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết, kết quả thực hiện tiêm chủng lần 1 cho cán bộ y tế BV rất tốt. Trong những đợt tiêm ngừa tiếp theo, BV tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa quy trình sàng lọc vì đây là khâu vô cùng quan trọng. Các bác sĩ được phân công nhiệm vụ sàng lọc đều giàu kinh nghiệm chuyên môn, tham gia tập huấn về tiêm ngừa ở tuyến trên và các lớp tập huấn do Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố tổ chức. Vì vậy, các bác sĩ rất kỹ lưỡng, thận trọng trong việc sàng lọc đối tượng, hội chẩn những trường hợp chống chỉ định, bệnh nhân lớn tuổi, mắc nhiều bệnh mạn tính. Sau tiêm, các bác sĩ tiếp tục theo dõi diễn tiến sức khỏe người được tiêm, nhất là vài trường hợp tăng huyết áp, nhịp tim nhanh và tư vấn trực tiếp cho người có tâm lý lo lắng sau tiêm.

Bài, ảnh : THU SƯƠNG    

Chia sẻ bài viết