10/10/2015 - 15:20

Bệnh sa sút trí tuệ tăng lên cùng tốc độ già hóa dân số

Hội chứng sa sút trí tuệ ở người già đang là mối quan tâm lớn ở Việt Nam bởi tỷ lệ mắc bệnh này đang tăng lên cùng với tốc độ già hóa dân số. Ở nước ta, sa sút trí tuệ vẫn còn là một khái niệm tương đối mới trong cộng đồng khi phần lớn người dân nhầm lẫn hội chứng sa sút trí tuệ với tình trạng quên lành tính do tuổi tác. Sa sút trí tuệ hiện là gánh nặng cho sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và cả gia đình, cộng đồng.

* Sa sút trí tuệ ở nông thôn cao hơn thành thị

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thính, Chủ tịch Hội Thần kinh Hà Nội, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu là loại sa sút trí tuệ thường gặp đứng thứ hai sau bệnh Alzheimer. Đây cũng là bệnh phổ biến nhất ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Sa sút trí tuệ mạch máu thường gặp ở tuổi dưới 65 và thường gặp ở nam giới hơn phụ nữ; bệnh tăng lên theo độ tuổi; tỷ lệ mắc mới bệnh sa sút trí tuệ ở bệnh nhân đột quỵ cao.

Người cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu bệnh sa sút trí tuệ. Ảnh: T.S

Triệu chứng của sa sút trí tuệ là những diễn biến tự nhiên của quá trình lão hóa hay còn gọi là "bệnh già". Người mắc sa sút trí tuệ có các biểu hiện bệnh tiến triển nặng lên và không thoái lui theo thời gian. Các biểu hiện thường gặp của bệnh là giảm trí nhớ nặng, suy giảm ngôn ngữ, mất nhận biết đồ vật... Nguyên nhân của bệnh mạch máu là do rối loạn máu não và yếu tố mạch máu nguy cơ dẫn đến nhồi máu não, teo não gây suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ.

Thạc sĩ Trần Vũ, Hội Y tế công cộng Việt Nam cho biết: Năm 2015, Hội đã tiến hành nghiên cứu "Sàng lọc nguy cơ mắc sa sút trí tuệ ở người cao tuổi tại Việt Nam năm 2015 với các yếu tố liên quan như niềm tin, thái độ, cách ứng xử và những giải pháp từ gia đình, cộng đồng" dưới sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức Atlantic Philanthropies.

Theo đó, từ tháng 1 - 9/2015, nghiên cứu thực hiện trên 3.308 người từ 60 tuổi trở lên được chọn ngẫu nhiên từ danh sách của cộng tác viên dân số tại 6 xã/phường đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam và 2 vùng thành thị - nông thôn gồm: phường Cốc Lếu (Lào Cai), xã Phương Công (Thái Bình), phường Thành Nhất (Đắk Lắk), xã Ninh Thọ (Khánh Hòa), phường Tấn Tài (Ninh Thuận) và xã An Phong (Đồng Tháp). Người cao tuổi được phỏng vấn trực tiếp bằng bộ câu hỏi để tìm hiểu nguy cơ mắc sa sút trí tuệ và các yếu tố liên quan thông qua thông tin về nhân khẩu học, thói quen sinh hoạt, các hành vi nguy cơ...

Kết quả cho thấy: Tỷ lệ người có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ ở khu vực nông thôn là 71% và ở thành thị là 55,3%. Đặc biệt, tuổi càng cao thì tỷ lệ người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ càng tăng nhanh. Cụ thể như: ở nhóm tuổi 60 - 64 tỷ lệ này là 42,1%; ở nhóm 65- 69 là 50,5%; ở nhóm 70 -74 là 65%; ở nhóm 75 -79 là 78,9% và ở nhóm trên 80 tuổi là 89,6%. Đáng chú ý là tỷ lệ học vấn càng thấp thì tỷ lệ có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ càng cao. Nhóm học trên cấp 3, tỷ lệ này là 27,1%; nhóm học cấp 3, học nghề là 35,6%; nhóm học cấp 2 là 48,7%; nhóm cấp 1 là 74,4% và ở nhóm không biết chữ là 98,3%.

* Chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

PGS.TS. Hồ Thị Hiền, Hội Y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh: Các nghiên cứu đều cho thấy, tại Việt Nam, gia đình đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe tinh thần và hỗ trợ người bệnh nhằm tăng khả năng phục hồi và giảm mức độ tiến triển của bệnh. Người thân là người chăm sóc chính và gánh nặng chăm sóc được chia sẻ bởi các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, hiện tượng người già chăm sóc người già trong thời gian dài còn phổ biến. Việc chăm sóc người bệnh chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đảm bảo ăn uống hàng ngày, đưa đi khám bệnh, đến cơ sở y tế lấy thuốc theo định kỳ.

Hiện nay, công tác chăm sóc người cao tuổi và người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ của gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn do gia đình, cộng đồng, thậm chí cán bộ y tế còn thiếu thông tin về bệnh, có nhận thức chưa tốt về bệnh và cách phòng tránh, điều trị. Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có hệ thống theo dõi, quản lý bệnh sa sút trí tuệ cho người cao tuổi; hầu như hoạt động chăm sóc về sức khỏe cho người cao tuổi chưa được quan tâm; số tiền trợ cấp hàng tháng vẫn còn ít chưa đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi. Các chương trình truyền thông cho người cao tuổi còn mang tính lồng ghép. Các hoạt động cho người cao tuổi tại địa phương còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi.

Hội Y tế công cộng khuyến nghị: Việt Nam cần có các chương trình sàng lọc và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ để có những can thiệp sớm nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh; đồng thời, xây dựng hệ thống theo dõi người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ. Các chương trình can thiệp cộng đồng cần tăng cường cung cấp kiến thức cho người nhà, người cao tuổi, cán bộ y tế liên quan biết cách phòng tránh, phát hiện sớm, cách chăm sóc người bệnh thông qua hoạt động tư vấn, tuyên truyền trực tiếp hay sinh hoạt tại các câu lạc bộ. Cộng đồng và gia đình nên tổ chức các chương trình khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động xã hội, giao tiếp với bạn bè, người thân thường xuyên để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần; đẩy mạnh sự tham gia của ban ngành, đoàn thể xã hội trong tổ chức hoạt động và huy động kinh phí; xây dựng môi trường sinh hoạt cộng đồng; đồng thời, vận động chính sách nhằm huy động kinh phí tổ chức chương trình dành cho người cao tuổi, người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ.

Đối với cá nhân người cao tuổi nên tìm hiểu sớm các thông tin về bệnh sa sút trí tuệ để có các biện pháp phòng tránh; nên có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, tăng cường vận động thể lực nhằm tránh các yếu tố nguy cơ như suy dinh dưỡng hoặc béo phì, tăng huyết áp. Người cao tuổi nên chủ động thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội và có giao tiếp với xã hội như thăm hỏi hàng xóm, bạn bè...

Thu Phương (TXVN)

Chia sẻ bài viết