30/01/2016 - 16:47

Bệnh phong không còn là bệnh nan y

Trước đây, bệnh phong được xem là bệnh nan y, nỗi khiếp sợ của con người. Không chỉ đối mặt với cái chết mà bệnh nhân còn sống trong sự kỳ thị của những người xung quanh. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, căn bệnh này không còn là nỗi ám ảnh chết người nữa. Từ năm 2010, TP Cần Thơ được Bộ Y tế công nhận loại trừ bệnh phong.

Cuối tháng 1-2016, Bệnh viện Da Liễu (BVDL) Cần Thơ tổ chức đoàn đến khám, điều trị và tặng quà Tết cho bệnh nhân phong ở 9 quận, huyện. Quà tặng gồm tiền mặt 400.000 đồng và nhu yếu phẩm trị giá khoảng 200.000 đồng do linh mục Nguyễn Đức Mười (nhà thờ An Hội, quận Ninh Kiều) và mạnh thường quân trao tặng. Riêng từ quí II-2015 đến nay, linh mục Nguyễn Đức Mười và các mạnh thường quân tặng tiền, quà 3 lần cho bệnh nhân phong, với tổng số tiền trên 80 triệu đồng. Bệnh nhân Nguyễn Thành Sang (ở quận Ninh Kiều) xúc động cho biết: "Có phần quà này, chúng tôi ăn Tết tươm tất hơn". Bệnh nhân Sang mắc bệnh phong gần 30 năm trước. Triệu chứng ban đầu là da nổi những mảng da có màu sắc khác thường, cảm giác hơi tê tê. Khi đến BVDL Cần Thơ khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh phong. Ban đầu, ông cũng hoảng sợ nhưng nhờ các bác sĩ tư vấn, động viên nên yên tâm, tuân thủ điều trị. Ông Sang bị di chứng của bệnh nên bị mất 1 ngón chân và một bàn chân bị mất cảm giác. Ông Sang cho biết: "Gia cảnh tôi khó khăn, may mà các thuốc, xét nghiệm... đều miễn phí. Hai năm uống thuốc, tôi không bỏ cữ thuốc nào, tuân thủ tuyệt đối lời bác sĩ dặn. Quá trình điều trị, hàng ngày, tôi vẫn chạy xe chở hàng để kiếm tiền nuôi gia đình. Sau hai năm điều trị, tôi đã hết bệnh, đến nay vẫn giữ được sức khỏe và tiếp tục làm việc". Do bị di chứng của bệnh nên hàng năm, các bác sĩ tiếp tục khám, cấp giày... cho ông Sang. Năm 2014, BVDL Cần Thơ vận động mạnh thường quân 25 triệu đồng để cất nhà cho bệnh nhân phong Nguyễn Văn Nhứt ở huyện Thới Lai. Anh Nhứt có hoàn cảnh rất đáng thương. Khi vợ phát hiện anh bị bệnh phong, đã bỏ ra đi để lại đứa con mới 2 tuổi. Anh vừa lo điều trị vừa làm mướn đủ nghề để nuôi con đến nay đang học lớp 5. Do bị phản ứng phong làm mí mắt sụp xuống, dù được chữa trị nhưng do anh làm việc quá nhiều nên giảm thị lực một mắt.

 Bác sĩ Nguyễn Việt Hùng đang khám cho bệnh nhân phong.  Ảnh: CTV

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BVDL Cần Thơ, trước đây do thiếu thông tin nên nhiều bệnh nhân đến bệnh viện muộn, dẫn đến tàn tật tay, chân, mắt…Gần đây, do làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân hiểu biết hơn về căn bệnh này, đa phần bệnh nhân đến khám sớm nên rất ít khi bị tàn tật. Hiện nay, BVDL Cần Thơ (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, điều trị bệnh nhân phong toàn thành phố) đang quản lý 69 bệnh nhân (năm 2015 phát hiện 5 người). Trong đó, có 5 bệnh nhân bị phản ứng phong, 47 bệnh nhân tàn tật (được theo dõi, chăm sóc), 4 bệnh nhân đang điều trị và giám sát 18 bệnh nhân. Bệnh nhân khi có triệu chứng như da thay đổi màu sắc (da nổi mảng hồng, đỏ đồng hoặc dát trắng bằng mặt da). Vùng tổn thương này bị thay đổi cảm giác hoặc mất cảm giác như cấu véo không biết đau, mất cảm giác khi chạm vào vật nóng, lạnh…Hiện nay, ở TP Cần Thơ chỉ có BVDL Cần Thơ điều trị bệnh phong. Vì thế, khi các cơ sở nghi ngờ bệnh nhân bị phong sẽ chuyển về BVDL Cần Thơ để bác sĩ thăm khám, làm xét nghiệm máu (kết quả trong ngày). Nếu bệnh nhân mắc bệnh, các bác sĩ tư vấn, giải thích về căn bệnh, cơ chế lây bệnh, quá trình điều trị, dùng thuốc…Bác sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết: "Việc tư vấn điều trị rất quan trọng, thường mỗi bệnh nhân được tư vấn khoảng 2 giờ. Nếu bệnh nhân chỉ mắc bệnh phong, thể ít trùng điều trị đa hóa (bằng thuốc) trong 6 tháng liên tục, còn nếu thể nhiều thì điều trị trong vòng 12 tháng. Nếu bệnh nhân bị thêm phản ứng phong thì thêm điều trị phản ứng phong (kéo dài không quá 12 tháng với thể ít trùng và 18 tháng với thể nhiều). Quá trình điều trị, bệnh nhân được bác sĩ khám, cấp thuốc hàng tháng và BVDL Cần Thơ tổ chức giám sát bệnh nhân nhằm đánh giá mức độ tuân thủ điều trị, phản ứng với thuốc điều trị… Nếu bệnh nhân bị phản ứng phong thì 2 tuần, bác sĩ đến thăm khám tại nhà. Nếu điều trị bệnh phong đa hóa thì 1 tháng, bác sĩ vãng gia một lần. Đối với các trường hợp giám sát và chăm sóc tàn tật, người bệnh được hỗ trợ chi phí đi lại, cấp phát miễn phí: thuốc bôi, thuốc chống khô da, bông băng, thuốc điều trị hỗ trợ, giày bảo hộ bàn chân mất cảm giác, kính bảo hộ... Khi bệnh nhân điều trị đa hóa xong, sẽ chuyển sang giám sát, với thể ít trùng thì giám sát 3 năm, thể nhiều trùng giám sát 5 năm. Nếu phục hồi cảm giác và không bị tàn tật sẽ được đưa ra khỏi chương trình quản lý.

Theo các bác sĩ, bệnh phong dễ bị nhầm lẫn với bệnh chàm, vẩy nến, nấm da… nhưng bệnh phong có "đặc thù" khác với những bệnh trên là mất cảm giác vùng nông như cảm giác sờ, mó, nóng, lạnh, đau ở vùng sang thương. Các bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để chẩn đoán chính xác bệnh. Điều nguy hiểm nhất là phát hiện muộn, lây lan cho cộng đồng vì bệnh phong lây qua đường dịch tiết mũi, tiếp xúc trực tiếp với vết trầy xước của bệnh nhân (máu với máu)…, vì thế, thời gian qua, trong các bệnh nhân, ghi nhận có 2 vợ chồng hoặc cha con sống cùng trong gia đình đều mắc bệnh phong. Vì thế, quan trọng nhất là bệnh nhân khám và điều trị sớm sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, tránh di chứng, tàn tật và lây bệnh cho người khác. Bệnh phong có thuốc đặc trị và được điều trị miễn phí, vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi người dân có các biểu hiện của bệnh phong nên đến cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời.

H.Hoa

Chia sẻ bài viết