23/04/2009 - 20:55

Bệnh khó nói ở nam giới

* Bác sĩ TRẦN VĂN NGUYÊN
(Trường Đại học Y Dược Cần Thơ)

Trên thế giới có 152 triệu nam giới mắc chứng rối loạn cương dương (ED). Đây là căn bệnh khá phổ biến nhưng phần lớn bệnh nhân ít khi thừa nhận bởi tâm lý mặc cảm. Cũng vì mặc cảm, nhiều bệnh nhân ED không đến bác sĩ khám để điều trị đến nơi đến chốn mà tự tìm mua thuốc uống, chữa trị theo kinh nghiệm truyền tai nhau của quý ông và hậu quả là tiền mất tật mang. Hiểu đúng về ED, bệnh nhân sẽ thấy thoải mái hơn và điều trị bệnh sẽ hiệu quả hơn.

ED là dương vật cương không đủ cứng để giao hợp hiệu quả. Trong tổng số bệnh nhân ED ở châu Á, có khoảng 14% bị trầm cảm, 23% bị huyết áp cao, 24% bị chứng cholesterol cao, 35% bị tiểu đường và 37% bị bệnh tim. Theo các chuyên gia, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh ED khá cao nhưng chỉ có khoảng 15-20% bệnh nhân ED được điều trị, do bệnh nhân e ngại, thường có tâm lý giấu bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh ED, như:

- Nguyên nhân về tâm lý: thường thấy nhất là các rối loạn tâm lý. Trong đó, phổ biến nhất là stress, căng thẳng và mệt mỏi. Biến chứng của chứng rối loạn trầm cảm cũng có thể gây ED. Các cảm xúc tiêu cực về người bạn đời hay bộc lộ sự oán trách, thù nghịch hoặc sự kém hứng thú từ phía bạn đời cũng là một trong những yếu tố khiến nam giới bị ED.

- Các nguyên nhân thực thể: tổn thương thần kinh do bệnh lý tiểu đường lâu ngày, các bệnh lý tim mạch, ảnh hưởng của một số loại thuốc, phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến, chấn thương cột sống, các rối loạn nội tiết, nghiện rượu, nghiện ma túy... Những nguyên nhân thực thể gây ra các dạng ED khác nhau.

Trên thực tế, ED có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của các bệnh lý tiềm ẩn đằng sau nó. Các nguyên nhân tâm lý và thực thể gây ED có mối quan hệ tương tác với nhau. Chẳng hạn, một rối loạn thể chất nhẹ có thể làm chậm đáp ứng tình dục. Điều này sẽ tạo ra tâm lý lo lắng, căng thẳng về khả năng tình dục và chính sự căng thẳng đó lại làm cho ED trầm trọng hơn.

Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị ED. Có thể sử dụng thuốc tây hoặc đông y, dùng các dụng cụ hỗ trợ đơn giản, phẫu thuật hoặc điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp nào, thuốc gì phải dựa vào các yếu tố: tình trạng bệnh, sở thích cá nhân của bệnh nhân và bạn tình bệnh nhân. Đặc biệt, có trường hợp phải điều trị kết hợp nhiều phương pháp. Vì vậy, khi mắc bệnh ED, nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn, điều trị đúng cách. Thông thường, bệnh nhân ED nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu; tuy nhiên, những trường hợp ED do các bệnh khác gây ra thì phải điều trị theo các chuyên khoa khác trước. Chẳng hạn như người mắc bệnh tiểu đường kèm liệt dương thì phải đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết tư vấn, rồi hãy đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Trường hợp liệt dương do bạn tình thì phải đến bác sĩ tâm lý trước...

Không ai chết vì bệnh ED nhưng ED có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, chất lượng cuộc sống. Phòng bệnh vẫn hiệu quả hơn trị bệnh, vì vậy, để có sức khỏe tình dục tốt, quý ông nên sống tích cực- ăn uống điều độ, thanh đạm, tập thể dục đều đặn, giữ thể trọng lý tưởng, có thể tập yoga, thiền để giữ tâm trạng thoải mái. Ngoài ra, để tránh những trục trặc trong sinh hoạt tình dục (đôi lúc có thể xảy ra), nên hạn chế uống rượu bia. Có thể uống ít hơn 2 lon bia trong 24 giờ, ít hơn 2 ly rượu nhỏ trong 24 giờ; không nên hút thuốc lá. Nam giới cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi cân nặng để phát hiện sớm sự tăng cân, sút cân bất thường.

S.Kim (Ghi)

Chia sẻ bài viết