21/10/2016 - 21:18

Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây mù ở Việt Nam

(CT) - Trong 3 ngày (từ 20 đến 22-10-2016), tại TP Cần Thơ, Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức Hội nghị nhãn khoa toàn quốc. Tham dự có Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê; Chủ tịch Hội Nhãn khoa Tôn Thị Kim Thanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm, cùng gần 1.400 đại biểu là các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ... công tác ngành nhãn khoa Việt Nam và các nước như: Pháp, Italia, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc...

Các đại biểu nghe và thảo luận 200 báo cáo, nghiên cứu mới nhất về các chuyên ngành gồm: Thể thủy tinh, dịch kính võng mạc, giác mạc, tật khúc xạ, phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ... Đặc biệt, Ban tổ chức còn cho phép mở các khóa đào tạo ngắn hạn với các chủ đề về dịch kính võng mạc, phẫu thuật Laser Femto Second, phẫu thuật Phaco, Glocom.

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống mù lòa, ước tính Việt Nam có 378.700 người mù mọi lứa tuổi. Trong đó nguyên nhân gây mù chính là đục thủy tinh thể (trên 243.700 người), phần còn lại do bệnh lý bán phần sau, glocom... Đây là thách thức lớn cần được quan tâm và có kế hoạch can thiệp. Tuy nhiên, nhân lực y tế chăm sóc mắt đủ so với nhu cầu nhưng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, mô hình ở tuyến huyện cồng kềnh... Năm 2017, công tác phòng, chống mù lòa tiếp tục tăng cường truyền thông; tích cực đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng, chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030"; tích cực hợp tác với bảo hiểm y tế để giúp người bệnh hưởng đầy đủ quyền lợi, đặc biệt mở rộng thêm một số bệnh về mắt của trẻ em được bảo hiểm y tế chi trả; đề nghị Bộ Y tế phê duyệt và ban hành văn bản "Hướng dẫn chăm sóc mắt cho tuyến huyện"...

H.HOA

Chia sẻ bài viết