09/02/2011 - 09:23

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước

Bắt tay hợp tác giữ vững sân nhà

Có thể nói, năm 2011 không chỉ là năm bùng nổ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ mà sẽ là năm bùng nổ của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cạnh tranh giữ vững sân nhà đã được báo trước. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam (VRA) cho rằng: Giải pháp cần đặt ra hiện nay cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là cần phải vươn lên một cách mạnh mẽ và quyết liệt thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng... nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đi tìm bản sắc

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, trong năm 2010 cộng đồng doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã có những nỗ lực lớn và những thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, sau 4 năm gia nhập WTO, thị trường đã khởi sắc và ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị trí trong nền kinh tế đất nước. Nằm trong top 15 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và bán lẻ là lĩnh vực thu hút đầu tư nhất trên thị trường nội địa với việc bước đầu hình thành thị trường bán lẻ thời hội nhập cùng tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình bán lẻ hiện đại... Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam đã nỗ lực vượt qua suy thoái, làm cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất tiêu dùng và tham gia bình ổn thị trường, tích cực đóng góp vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn mắc những căn bệnh trầm kha cần phải khắc phục, đó là thiếu chiến lược phát triển cho thị trường bán lẻ ở cả 3 cấp độ: Nhà nước, ngành công nghiệp và doanh nghiệp; tính chuyên nghiệp của lực lượng các nhà phân phối bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực thích hợp chưa cao.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống tại Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA. 

Cũng theo bà Thoa, mặc dù thị trường bán lẻ đến nay vẫn là một kênh phân phối rất rộng lớn nhưng cũng rất phức tạp. Đây được coi là môi trường thuận lợi để gia tăng giá trị của hàng hoá, khâu hết sức quan trọng để thu được lợi nhuận cao. Người tiêu dùng chắc chắn ủng hộ mạng lưới phân phối trong nước nhưng với điều kiện là phải phục vụ tốt với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, các công ty bán lẻ thế giới khi vào Việt Nam có ưu thế tuyệt đối là do nhiều vốn, trong khi việc bán lẻ của các nhà kinh doanh nội địa do nhiều công đoạn không hợp lý trong hệ thống lưu thông, phân phối nên nhiều mặt hàng của ta giá rất cao. Tuy nhiên, các công ty bán lẻ của Việt Nam cũng có nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh này. Đó là chúng ta hiểu thị hiếu, phong cách tiêu dùng của người Việt Nam, do đó dễ có những điều chỉnh phù hợp.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mặc dù các doanh nghiệp trong nước không có tiềm năng lớn về công nghệ nhưng lại rất mạnh về lợi thế am hiểu thị trường nội địa. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể chủ động tổ chức dịch vụ chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thị trường nông thôn có tiềm năng lớn, thì việc phát triển thương mại nông thôn nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng phát triển, tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tích cực phát triển kinh tế đất nước ổn định và bền vững.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch VRA khẳng định: Các doanh nghiệp trong nước có lợi thế rất lớn về “sân nhà” với sự thông thuộc, am hiểu một cách sâu sắc văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, trong khi “nhập gia tùy tục” không phải là chuyện đơn giản mà những “vị khách lạ” có thể làm tốt trong ngày một ngày hai. Vì vậy, nếu biết tận dụng thế mạnh này, liên tục tiếp cận, nắm bắt nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của khách hàng, tiến hành đồng bộ các giải pháp để trang bị những điều kiện cần thiết có thể thỏa mãn được những nhu cầu đó (như liên doanh, liên kết...). Các thương hiệu Việt Nam hoàn toàn có cơ hội và khả năng làm nên chuyện.

Khắc phục nhược điểm

Nhận định về thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2011, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, bước sang năm mới, chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức lớn như chuyển dịch ngành phân phối - bán lẻ từ quy mô, khái niệm, cấu trúc, hệ thống và tập quán kinh doanh truyền thống sang một ngành thương mại hiệu quả, năng suất cao, công nghệ hiện đại và hướng tới người tiêu dùng. Không những thế, chúng ta sẽ có một số thay đổi đáng kể như các siêu thị lớn phát triển tới mức cao nhất trong năm 2011- 2012 và chậm dần tại các đô thị lớn. Các hình thức siêu thị nhỏ hơn ngày càng phổ biến và kết hợp. Hệ thống siêu thị tổng hợp và chuyên lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa chuyên các sản phẩm trung - cao cấp với những phát triển mới sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, song song với những lạc quan của thị trường bán lẻ Việt Nam, các chuyên gia thương mại khuyến cáo việc cẩn trọng vì suy thoái kinh tế vẫn còn đang tác động mạnh và có diễn biến khó lường, nhất là tình hình giá cả tiêu dùng tăng cao sẽ có những tác động không nhỏ tới thị trường bán lẻ. Ngoài ra, thị trường nông thôn là thị trường đầy tiềm năng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chưa khai thác được và đây là nhược điểm cần nhanh chóng tìm ra cách khai thác hiệu quả vào thị trường này.

Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên, chia sẻ: Lợi thế của các doanh nghiệp trong nước là sân nhà; am hiểu văn hóa tiêu dùng bản địa; đã có sẵn một hệ thống siêu thị dù không lớn; biết trước các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này... Đây là điểm yếu của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Nhìn tổng quan có thể nói, điểm mạnh của ta là điểm yếu của họ và ngược lại. Vì vậy, liên doanh là cách tốt nhất giúp hai bên cùng có lợi. Chẳng hạn như mô hình liên doanh hợp tác giữa đôi bên đã được triển khai khá nhiều. Đó là trường hợp của G7Mart hợp tác với Ministop (Nhật); Family Mart (Nhật) hợp tác với Tập đoàn Phú Thái... Tuy nhiên, liên doanh như thế nào để vừa cạnh tranh, vừa phát triển, vừa là kênh phân phối cho hàng Việt lại là vấn đề phải suy tính thận trọng.

Thực tế đã chứng minh, ngay cả những nhà sản xuất đa quốc gia cũng gặp khó khăn khi sân chơi thuộc về các đại gia phân phối, những người có truyền thống “siết” các nhà sản xuất. Hay nói một cách dễ hiểu, chắc chắn các tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ ưu ái hàng hóa nước mình trên quầy kệ trong chuỗi siêu thị mà họ liên doanh với doanh nghiệp trong nước nếu chúng ta không tính tới điều này ngay từ khi đặt bút ký. Cách thôn tính thị trường kiểu này đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia và Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Vì vậy, ông Vũ cho rằng: lựa chọn mô hình nào để cạnh tranh tùy thuộc vào chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Riêng với Trung Nguyên, việc mở rộng quy mô ra các tỉnh, thành đang được quyết liệt thực hiện dù hiệu quả ở những nơi này chưa có ngay nhưng vẫn chấp nhận lỗ 2-3 năm đầu trong chiến dịch hướng ra các tỉnh, thành xa để chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng nhà bán lẻ cần đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi bởi các hình thức bán lẻ hôm nay sẽ còn không phù hợp trong tương lai. Do đó, các nhà bán lẻ cần khắc phục các căn bệnh cố hữu của thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Song song với việc mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu thị trường và phục vụ với tính chất tính dịch vụ cao hơn để người tiêu dùng cảm nhận được quan tâm từ các doanh nghiệp nội địa.

UYÊN HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết