27/09/2022 - 09:32

Bảo vệ trẻ khi trẻ bị xâm hại tình dục 

Từ năm 2020 đến năm 2022, Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ tiến hành giám định cho 80 ca xâm hại tình dục, trong đó có 74 ca nạn nhân bị xâm hại là trẻ em. Các đối tượng chủ động làm quen với các bé thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook,… sau đó dụ dỗ, hoặc ép buộc các bé quan hệ tình dục. Không thiếu những trường hợp thương tâm, thủ phạm chính là người thân, họ hàng của bé. Đa phần sau khi xảy ra sự việc, các bé bị sang chấn tâm lý nặng, hoặc bị thủ phạm đe dọa nên cố ý che giấu sự việc. Đến khi gia đình phát hiện và đi giám định pháp y thì các dấu vết, bằng chứng sinh học do thời gian xảy ra đã lâu nên khó giám định, gây khó khăn cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra trong quá trình đấu tranh với tội phạm.

Bác sĩ thăm khám cho nạn nhân vụ xâm hại tình dục. Ảnh do Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ cung cấp

Bác sĩ thăm khám cho nạn nhân vụ xâm hại tình dục. Ảnh do Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ cung cấp

BS CKI Thiều Quang Hùng, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ, cho biết: Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử thì ngoài các nhân chứng, vật chứng có liên quan, kết luận giám định pháp y được coi là một trong những bước quan trọng để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội gì trong các tội xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự.

“Với tội phạm xâm hại trẻ em, từ việc bắt những kẻ “yêu râu xanh” nhận tội đến đền tội là một hành trình dài và đầy khó khăn. Chuyện thu thập đủ bằng chứng để khởi tố, truy tố, xét xử là rất quan trọng. Nhưng thực tế thì gia đình vẫn còn lúng túng trong việc làm thế nào giúp xoa dịu nỗi đau con trẻ, hỗ trợ cơ quan điều tra thu thập bằng chứng. Đơn cử như gần đây có trường hợp bé gái 13 tuổi được mẹ đưa đi trình báo về việc bị cha dượng xâm hại tình dục. Qua quá trình điều tra, khi đến Trung tâm Pháp y giám định đã 1 tuần sau khi sự việc xảy ra, các dấu hiệu xâm hại đã không còn nhiều, gây khó khăn trong thu thập chứng cứ”, ông Hùng cho biết.

Ths.BS Lê Thiện Thành, Phó Trưởng Khoa Giám định tổng hợp, Trung tâm Pháp y TP Cần Thơ khuyến cáo người nhà cần trang bị kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Đầu tiên, khi biết trẻ bị xâm hại hay nghi ngờ xâm hại tình dục người nhà cần tìm cách nói chuyện chân thành, chia sẻ, động viên để trẻ kể lại chi tiết những gì đã diễn ra. Hỏi kỹ những bộ phận bị đụng chạm, tổn thương do xâm hại; mô tả cụ thể về kẻ xâm hại... Gia đình không nên giấu vì có tâm lý sợ xấu hổ với hàng xóm, mọi người xung quanh. Đặc biệt, nếu có dấu vết xâm hại thì giữ nguyên, báo liền cho cơ quan công an, đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa như: Sản, Nhi,... khám (có lập hồ sơ đầy đủ để cấp giấy chứng nhận thương tích, thu giữ các vật dụng, dấu vết sinh học nghi ngờ xâm hại tình dục,…) làm căn cứ giám định và xử lý kẻ xâm hại.

BS Thành cũng cho biết thêm, khi trẻ bị xâm hại tình dục hoặc có dấu hiệu xâm hại tình dục, người thân cần quan tâm chăm sóc, động viên để giúp trẻ vơi bớt đi nỗi đau. Đưa trẻ đi khám chuyên khoa tâm lý nếu thấy trẻ có dấu hiệu sợ hãi quá độ, sang chấn tâm lý... để giúp trẻ sớm ổn định trở lại. Bên cạnh đó, trẻ có cơ thể chưa phát triển toàn diện nên có thể bị tổn thương cơ thể, bộ phận sinh dục kèm theo,... cần sớm đưa trẻ khám các bệnh liên quan đến tình dục như: HIV, viêm gan B, giang mai... Người thân phải luôn nhớ rằng khi bị xâm hại thì các em là nạn nhân của tội phạm, các em không phải là nguồn cơn của tội lỗi hay phải chịu trách nhiệm cho hành vi của kẻ xâm hại. Các cơ quan, tổ chức luôn đứng về phía các em, có trách nhiệm bảo vệ, bảo mật các thông tin liên quan đến nhân thân và sự việc của các em.

Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các cán bộ đoàn thể,… nên nghiên cứu, phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục rộng rãi đến con em trong gia đình, học sinh trong nhà trường và trẻ em địa phương để các em có thêm nền tảng tự bảo vệ chính mình trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết