Trong phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Hồ Chí Minh) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng bạo hành. Trong đó, bà Châu đưa ra hai ví dụ điển hình trong thời gian vừa qua là phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”, hoa hậu Ý Nhi và đặt vấn đề: “Lúc đó ai bảo vệ họ? Bảo vệ họ như thế nào hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị, làm đơn?”. Bà Châu cũng cho rằng, với kiểu bạo hành góp ý xây dựng theo kiểu “đập cho chết” thì rất nguy hiểm. Vậy bảo vệ sự xâm hại trên không gian mạng như thế nào?
Hai bộ trưởng đã có những giải đáp ngay tại nghị trường trên cơ sở quy định của pháp luật. Dĩ nhiên, cũng có đại biểu không đồng tình với một vài quan điểm của người giải trình, đó là chuyện bình thường và cần thiết trong những cuộc tranh luận công khai.
Nhưng đại biểu Tô Thị Bích Châu không ngờ rằng, ngay sau phiên chất vấn, chính bà cũng là nạn nhân của bạo lực trên mạng xã hội. Nhiều người xằng bậy khi đưa hình ảnh bà lên các nền tảng mạng xã hội rồi thóa mạ, mắng nhiếc một cách tùy tiện. Có người còn lên sóng trực tiếp (livestream) hay quay các clip bình phẩm, nhục mạ vị đại biểu này. Mọi chuyện bị đẩy đi rất xa từ những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực và sự ngông cuồng của một số người tự cho mình là quan tòa trên mạng xã hội.
Ở đây, vị đại biểu chỉ đặt ra thực trạng (mà ai cũng đều đồng tình rằng đang rất phổ biến) và trường hợp bà dẫn chứng là ví dụ điển hình gần đây. Phiên chất vấn giữa người hỏi và người đáp đều trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ, thượng tôn pháp luật. Vậy mà những người ác ý đã đẩy sự việc đi quá xa.
Đại biểu Quốc hội mà bạo lực mạng còn “không tha” huống gì nghệ sĩ hay một người dân nào đó! Bạo lực trên mạng xã hội ngày càng diễn biến xấu, với nhiều chiêu trò khác nhau, gây nhiều hệ lụy, khiến xã hội bất an. Chỉ vì không thích, chứ không cần ghét, một người nào đó, dù không biết gì về họ, nhiều người vẫn mạnh miệng chửi bới, xúc phạm một cách vô cớ. Hay với hoạt động của địa phương nào đó, không biết thực hư thế nào, nhiều người vẫn lên án là “hối lộ”, “có làm thì mới có ăn”... Hay gần đây, vụ án Đồng Nọc Nạng hồi đầu thế kỷ XX ở Bạc Liêu được nhiều người quan tâm thông qua một bộ phim được công chiếu, vậy là nhiều người vu khống giống như vụ án này, vụ án khác ở xã hội đương thời, liên hệ kiểu vô căn cứ, ăn không nói có...
Hay với trường hợp nghệ sĩ Trấn Thành, gần đây phải công nhận anh chính là nạn nhân của bạo lực xã hội. Ở đây, không bàn chuyện yêu - ghét, đúng - sai, mà bàn về thái độ của một bộ phận người dùng mạng xã hội kiểu “làm sao nói cũng được”. Đến chuyện anh và vợ chưa có con, họ cũng đem ra thóa mạ và nguyền rủa.
Mạng xã hội ngày càng phổ biến, lại càng đòi hỏi người dùng đủ tỉnh táo và văn minh để ứng xử khi sử dụng.
ÐĂNG HUỲNH