12/09/2013 - 20:08

Bạn trẻ cần học cách kiểm soát cảm xúc

Sẵn sàng đánh nhau vì một cái nhìn, nổi giận ở bất cứ nơi đâu… là những hành vi thường thấy ở nhiều bạn trẻ khi không thể kiểm soát được cảm xúc. Cảm xúc tích cực tạo tiền đề cho người ta thăng hoa trong cuộc sống, nhưng cảm xúc tiêu cực thì có thể gây hậu quả khôn lường. Vậy làm thế nào để hạn chế những cảm xúc tiêu cực?

Khó hay không chuyện quản lý cảm xúc?

Chúng ta thường đối mặt với hàng loạt cảm xúc tiêu cực trong đời sống, như: cáu gắt, tức giận… Trong nhiều trường hợp nó làm sự việc trở nên nghiêm trọng, vượt khỏi tầm kiểm soát của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, biết kiềm chế cảm xúc không phải chuyện dễ dàng. P. (23 tuổi) cho biết: "Nhiều khi tôi không kiềm chế được cơn giận dữ của bản thân. Tôi đã cố gắng lắm nhưng không biết tại sao không cải thiện được tình hình".

Các bạn trẻ cần tham gia các sân chơi rèn luyện kỹ năng nhằm tạo thành công trong giao tiếp. 

P. kể, có những lần cô không hài lòng về kiến thức mà thầy cô cung cấp, P. đứng phắt lên phản ứng quyết liệt khiến thầy cô lúng túng. Theo P., khi bản thân cảm thấy bị một người nào đó châm chọc, đả kích hoặc có những hành động xúc phạm, chạm đến tự ái là dường như P. rất khó kiểm soát những hành vi của mình. Những hành vi thiếu kiềm chế của P. chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng khiến cô rất vất vả trong thiết lập mối quan hệ với bạn bè, thầy cô…vì ai cũng nghĩ P. là "người thích gây sự".

Hải (sinh viên năm thứ 3) bình thường trông hiền lành nhưng khi gặp chuyện thì sẵn sàng ăn thua đủ với mọi người. Bạn bè chẳng ai dám nói chơi với Hải vì không khéo là anh chàng đôi co, hăm dọa hành hung. Minh - bạn chung lớp với Hải, kể: "Có lần Hải mắng một bạn xối xả khi cả hai va quẹt xe với nhau. Dù bạn kia sai nhưng Hải cư xử như thế quả là thiếu văn hóa".

Không riêng Hải, nhiều bạn trẻ đang gặp khó khăn về việc quản lý cảm xúc. Muốn cải thiện được vấn đề này cũng phải mất nhiều thời gian. Long, sinh viên năm 2, chia sẻ: "Em nghĩ rất khó để quản lý những cảm xúc bản thân nhất là trước những sự việc làm em bực tức. Bởi vậy, em luôn cố gắng tập trấn tỉnh, suy nghĩ cách giải quyết vấn đề sao cho hợp lý, lịch sự nhất". Long kể, lần nọ, trên đường đi học về, Long gặp một người đàn ông đi ngược chiều. Dù bản thân vi phạm Luật Giao thông nhưng ông này vẫn vênh mặt cự cãi. Dù giận nhưng Long vẫn chọn giải pháp im lặng. "Em cũng muốn thể hiện sự bực tức nhưng nghĩ lại chẳng giải quyết được gì nên thôi. Cuộc sống ngày càng nhiều điều phức tạp, cứ giữ mãi sự bức xúc trong lòng dễ gây họa lắm"- Long nói.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường ngày càng tăng trong học sinh. Mới đây, dư luận xôn xao vụ học sinh dùng dao giải quyết mâu thuẫn tại TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là một nữ sinh bị bạn chung lớp góp ý về chiếc áo dài đang mặc chưa đẹp đã đùng đùng nổi giận, nhờ bạn trai dạy "người thiếu mắt thẩm mỹ" một bài học. Bạn trai nữ sinh kia nghe thế liền bênh vực, đánh tay đôi với bạn trai cô nữ sinh nọ…Một thầy giáo đang dạy ở Cần Thơ thì có câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm. Anh kể: "Lần đầu tiên bước vào lớp chủ nhiệm tôi rất ấn tượng với hai nữ sinh ngồi gần nhau vì các em rất lễ phép. Thật bất ngờ là sau đó thì các em được ban giám hiệu trường gọi lên vì vừa đánh hội đồng cô bạn lớp kế bên. Tôi hỏi sự việc thì cả hai trả lời tỉnh queo "thấy mặt không ưa là tụi em đánh"…".

Hậu quả của tính bốc đồng

Chuyện đã xảy ra nhiều năm nhưng V. (24 tuổi) vẫn không quên bài học nhớ đời do tính nóng nảy của bản thân. Năm thứ nhất đại học, trong một lần V. ngồi nhậu với bạn bè ở nhà trọ thì có nhóm thanh niên đến gây sự. Nhóm thanh niên này "ngứa mắt" vì nhóm V. nhậu mà chẳng mời. Thay vì có một cách xử sự phù hợp, thì V. và nhóm kia xảy ra cự cãi rồi đánh nhau. V. kể: "Khi nhóm thanh niên kia đến hoạch họe, em đã cầm miếng kính rồi xông vào đánh với cả nhóm. Trong khi xô xát, em lỡ tay làm bị thương một người". Mục đích của V. là muốn nhóm thanh niên này bỏ đi nhưng câu chuyện đã đi quá xa. V. bị bắt vì tội đánh người gây thương tích, phải bồi thường mấy triệu đồng tiền thuốc thang cho nạn nhân trong khi nhà V. rất khó khăn. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng nhất chính là V. đã bị bạn xa lánh suốt mấy năm đại học. V. chia sẻ: "Em đã sống trong sự kỳ thị của bạn bè vì ai cũng nghĩ em côn đồ, không nên kết bạn. Chỉ vì phút bốc đồng em phải mang tiếng xấu và phải trả cái giá khá đắt. May mà em đã không bị đuổi học...".

Sau khi tốt nghiệp đại học, N. xin vào làm một ở một văn phòng luật sư ở tỉnh Vĩnh Long. Trong một lần về quê N. chơi, L.- cấp trên của N., để ý cô em gái của N. Sau khi xin được số điện thoại của cô gái, L. bắt đầu tán tỉnh nhưng không kết quả vì em gái N. đã có bạn trai. Anh chàng bèn quay sang hù dọa: "Em mà không quen anh thì anh sẽ tìm cách cho thằng N. nghỉ việc luôn". Nghe em gái kể lại, N. giận tím mặt. Hôm sau, N. vào văn phòng thật sớm. Khi L. vừa bước vào N. nhảy tới đánh L. tới tấp. Cuối cùng, N. bị đuổi việc vì sự thiếu kiềm chế. Còn L. thì có một kỷ niệm nhớ đời cách cư xử thô bạo của mình.

Theo Thạc sĩ Bùi Văn Ngà, giảng viên Bộ môn Tâm lý-Giáo dục Khoa sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, nhiều bạn trẻ hiện nay có cách ứng xử mang tính bản năng, không quan tâm các chuẩn mực đạo đức. Nguyên nhân bắt nguồn khi các cá nhân không được giáo dục đến nơi đến chốn và tự cho mình là nhất. Thạc sĩ Bùi Văn Ngà nói: "Trong những tình huống nảy sinh mâu thuẫn thì ai cũng bức xúc. Tuy nhiên, lựa chọn cách giải quyết vấn đề thế nào lại là một chuyện khác, tùy thuộc vào nhận thức của cá nhân sau quá trình được giáo dục và tự giáo dục". Theo Thạc sĩ Bùi Văn Ngà, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để biết cách quản lý cảm xúc sau những hành vi sai trái. Mặc dù vậy, mỗi bạn trẻ cần nhận ra hành vi của mình để điều chỉnh cho phù hợp hơn với chuẩn mực của đạo đức của xã hội và pháp luật của Nhà nước.

Bàn về những nguyên nhân khi các bạn trẻ không biết cách kiểm soát cảm xúc, Thạc sĩ Bùi Văn Ngà cho rằng: Sự phát triển về tâm sinh lý chưa toàn diện dẫn đến nhận thức của các em chưa thật sự chính chắn, chưa phân biệt được đúng sai. Những hành động mang tính bạo lực là do các em bị ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực, sự yếu kém về giáo dục đạo đức trong nhà trường. Theo Thạc sĩ Bùi Văn Ngà, có nhiều cách để các bạn trẻ tự học quản lý cảm xúc như: tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng để học biện pháp cân bằng cảm xúc, thay đổi suy nghĩ của bản thân về một vấn đề... Thạc sĩ Bùi Văn Ngà nói: "Tôi cho rằng sau vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường thì Đoàn Thanh niên cũng cần có thêm nhiều biện pháp giúp các em trong vấn đề này. Đoàn Thanh niên cần định hướng các bạn trẻ vào các quy tắc ứng xử trong đời sống thông qua các phong trào, hành động một cách thiết thực nhất".

Bài, ảnh: KHANG MINH

Chia sẻ bài viết